"Biểu tượng bán lẻ" 125 tuổi của Mỹ chính thức phá sản

Bình Nguyễn (Tổng hợp) Thứ tư, ngày 17/10/2018 16:27 PM (GMT+7)
Câu chuyện phá sản của tập đoàn bán lẻ từng là biểu tượng của Mỹ thêm một lần khẳng định “thương trường như chiến trường”.
Bình luận 0

“Biểu tượng bán lẻ” của Mỹ chính thức phá sản

Sáng 15/10, tập đoàn bán lẻ nổi tiếng thế giới Sears Holdings, công ty mẹ của Sears và Kmart chính thức đệ đơn xin bảo hộ phá sản sau nhiều năm “thoi thóp” trong bối cảnh cả doanh thu và lượng khách hàng đều giảm mạnh. Công ty cho biết sẽ đóng cửa 142 cửa hàng vào trước cuối năm nay. Ông Eddie Lampert sẽ từ chức khỏi vị trí CEO và chỉ còn giữ chức chủ tịch công ty.

Tuy nhiên, Sears cho biết, hãng vẫn sẽ mở cửa trong các dịp lễ sắp tới và dự định giữ lại các cửa hàng có lãi, cũng như trang mua sắm trực tuyến Sears và Kmart.

img

Biểu tượng bán lẻ một thời của Mỹ chính thức phá sản

Nói về sự thất bại của công ty, CEO Lampert đổ lỗi cho truyền thông, sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng và sự trỗi dậy của thương mại điện tử.

Lampert chia sẻ, trong nhiều năm qua, Sears đã nỗ lực để thay đổi hoạt động kinh doanh nhưng kết quả mang về không được như mong muốn. Ông cho rằng, việc đệ đơn phá sản sẽ giúp công ty giảm nợ, chi phí và “trở thành hãng bán lẻ có lãi, cạnh tranh hơn”.

img

CEO Lampert

Kinh doanh thoi thóp trong nhiều thập kỷ

Theo WSJ, trong 10 năm qua, 60% cửa hàng Sears và 75% cửa hàng Kmart đã biến mất trên toàn nước Mỹ. Dù đã cố gắng “vùng vẫy” nhưng hãng này vẫn không thể cạnh tranh được với các hãng bán lẻ mới nổi. Thua lỗ triền miên và khoản nợ 134 tỷ USD tới hạn ngày 15/10 nhưng không thể trả là “giọt nước tràn ly” buộc Sears phải đệ đơn phá sản.

Theo số liệu đưa lên tòa án, Sears hiện có 6,9 tỷ USD tài sản và 11,3 tỷ USD nợ phải trả. Kể từ năm 2011, công ty không còn có lãi. 7 năm “thoi thóp” khiến khoản lỗ của Sears đã lên tới tổng cộng 10 tỷ USD.

Trong 13 năm qua, Sears đã đóng cửa tổng cộng 2.600 cửa hàng. Tính đến tháng 8 năm 2018, hãng bán lẻ này chỉ còn hơn 860 cửa hàng.

Kể từ năm 2014, doanh số bán hàng của hãng bán lẻ 125 tuổi này đã sụt giảm một nửa. Công ty đã “đốt” một lượng tiền mặt khổng lồ, đóng cửa hàng trăm cửa hàng và cắt giảm rất nhiều nhân viên trong nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh.

img

Trong 13 năm qua, Sears đã đóng cửa tổng cộng 2.600 cửa hàng

Sự đổ vỡ đã được dự báo trước?

Trong nhiều năm qua, Sears đã không còn nhận được sự yêu thích của người tiêu dùng Mỹ. Một trong những lý do chính khiến người tiêu dùng quay lưng với Sears là sự trỗi dậy của các hãng bán lẻ vượt trội cả về giá và sự tiện lợi như: Walmart, Home Depot, Amazon…

Đội ngũ lãnh đạo của Sears đã cố gắng cạnh tranh bằng cách đóng cửa hàng trăm cửa hàng và cắt giảm chi tiêu cho quảng cáo, thậm chí ngừng đầu tư bảo trì, hiện đại hóa hệ thống cửa hàng. Các cửa hàng Sears và Kmart liên tục bị phàn nàn, bị khách hàng đánh giá là tàn tạ và hoạt động kém hiệu quả.

img

Một cửa hàng Kmart

img

Một cửa hàng Sears với hàng hóa ít ỏi, không có bóng dáng khách hàng

Thua lỗ triền miên khiến Sears phải bán đi nhiều phần tài sản giá trị để duy trì hoạt động kinh doanh, trong đó có công ty bán đồ nội thất và quần áo Lands End và thương hiệu danh tiếng Craftsman. Hãng cũng đang tìm người mua thương hiệu gia dụng Kenmore của mình.

Các nhà cung cấp cũng yêu cầu Sears phải trả tiền mặt trước cho hàng hoá bày bán trong cửa hàng, đặt hãng này vào tình thế bất lợi, mất đi lợi thế cạnh tranh với những hãng bán lẻ khác. 

Vào năm 2005, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng dự báo đế chế Sears sẽ sớm sụp đổ. Phát biểu tại Đại học Kansas 13 năm trước, Warren đã nói: “Eddie là một người rất thông minh nhưng việc sáp nhập Kmart và Sears là thiếu khôn ngoan. Vực dậy một hãng bán lẻ đã trượt dài quá lâu là điều vô cùng khó.”

img

Tỷ phú Warren Buffett từng dự báo Sears sẽ sụp đổ

Sự nuối tiếc về một thương hiệu từng là biểu tượng của nước Mỹ

Sears từng là hãng bán lẻ lớn nhất nước Mỹ. Vào thời hoàng kim, công ty này từng là gã khổng lồ tương tự Walmart và Amazon bây giờ.

img

Sears chính thức thành lập năm 1892 với tư cách là công ty bán hàng qua catalog 

Sears ra mắt thị trường vào năm 1888 với tư cách là một công ty bán đồng hồ qua catalog nhưng đến năm 1892 công ty mới chính thức được thành lập. Hãng trở thành công ty bán hàng qua catalog lớn nhất Mỹ sau khi mở rộng mặt hàng kinh doanh. Qua các tập Catalog, Sears bắt đầu thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân Mỹ.

Vào những năm 1920, Sears mở một loạt các cửa hàng bán lẻ, “kéo” người tiêu dùng đến các trung tâm mua sắm. Theo Investopedia, vào năm 1931, doanh số bán hàng tại các cửa hàng của Sears đã vượt doanh số bán hàng qua catalog.

img

Hãng này đã góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người Mỹ

Sears sau đó mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính, cho ra đời mảng bảo hiểm với Allstate và thâu tóm nhiều hãng môi giới tài chính. Hãng này cũng bắt đầu ra mắt các thương hiệu riêng như Craftsman, DieHard, và Kenmore.

Vào những năm 1970, Sears bắt đầu mất đi quyền lực thống trị trong ngành bán lẻ khi các cửa hàng giá rẻ như Target, Kmart, và Walmart ra đời. Đến năm 1991, Walmart vượt Sears trở thành hãng bán lẻ lớn nhất tại Mỹ.

Năm 2004, Sears và Kmart sáp nhập tạo thành Sears Holdings với tổng số 3.500 cửa hàng tại Mỹ. Đến nay, đế chế này chỉ còn chưa tới 900 cửa hàng. 

Tỷ phú công nghệ Elon Musk gây sốc bằng loạt tuyên bố phá sản nhân dịp... Cá tháng tư

Bên cạnh mục đích giải trí đầu tháng, hành động này của tỷ phú công nghệ còn mang một ý nghĩa khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem