Big C ngưng nhập hàng Việt: Bộ Công Thương vào cuộc
Chiều 3/7, nhiều nhà cung cấp sản phẩm may mặc cho hệ thống Big C tại Việt Nam đã kéo đến căng băng rôn, biểu ngữ, tập trung đông người,… để phản đối thông báo ngừng nhập hàng ngành may mặc Việt Nam của Tập đoàn Central Group.
Nguồn cơn xuất phát từ một bức thư được cho là của Tập đoàn Central Group (Thái Lan) gửi cho các đối tác tại Việt Nam cung cấp hàng hoá cho hệ thống siêu thị Big C của tập đoàn này. Theo thông báo, Big C sẽ tạm dừng mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam theo Hợp đồng Hợp tác Thương mại ký kết giữa đối tác và Central Group Việt Nam.
"Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của tập đoàn tại thị trường Việt Nam, chúng tôi quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7/2019", thông báo nêu.
Bộ Công Thương vào cuộc
Trao đổi với Dân Việt, đại diện truyền thông của BigC cho biết đang có sự hiểu lầm thông tin. Thông báo này của BigC chỉ áp dụng đối với một số nhà cung cấp nhỏ lẻ tại Việt Nam. BigC không hoàn toàn dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ tất cả các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam.
Đến cuối giờ chiều 3/7, Big C Việt Nam giải thích rõ cho thông báo trước đó. Cụ thể, đơn vị này cho rằng việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam.
Phía Big C Việt Nam còn cho biết đang phát triển các thương hiệu mới, đồng thời đã và đang thực hiện quá trình phát triển này trong chuỗi bán lẻ của mình. “Để bảo đảm mô hình kinh doanh mới này có thể phát triển thành công, Big C Việt Nam đang xây dựng lộ trình cụ thể để hiện thực hóa kế hoạch này. Tìm kiếm các nguồn cung ứng từ nhà cung cấp Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển đó” - đơn vị này cam kết.
Theo đó, Big C Việt Nam đang xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp nhằm đem đến các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nhất để phục vụ khách hàng.
“Big C Việt Nam đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm với chất lượng tốt nhất nhằm thỏa điều kiện không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới thị trường xuất khẩu tiềm năng. Big C Việt Nam cam kết tiếp tục phát triển cùng các nhà cung cấp địa phương nói chung và ngành hàng dệt may nói riêng” - đơn vị này khẳng định.
Nhiều DN đến trụ sở Central Group phản đối BigC ngừng nhập hàng may mặc do DN Việt Nam sản xuất (ảnh: T.Phương)
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, một lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) xác nhận các lãnh đạo của Vụ này đang họp với lãnh đạo siêu thị Big C và Hiệp hội Dệt may Việt Nam nên không thể trao đổi thêm với phóng viên.
Đồng thời, vị lãnh đạo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đề nghị PV liên lạc với văn phòng Bộ Công Thương để tìm hiểu thông tin chi tiết về sự việc Big C ngưng nhập hàng Việt sau cuộc họp.
Trước đó, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin tới báo chí: “Trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các siêu thị không có cam kết ràng buộc việc phải sử dụng hàng Việt trên kệ siêu thị mà trên tinh thần tự nguyện, khuyến khích các doanh nghiệp này ưu tiên dùng nguồn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam”.
Thông tin tới Dân Việt, đại diện Văn phòng Bộ xác nhận chiều nay Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải sẽ thông tin tới Báo chí sự việc Big C ngưng nhập hàng dệt may Việt Nam.
Lý do đằng sau “chiêu độc” của người Thái?
Ngay sau khi thông tin Big C dừng nhập hàng may mặc của doanh nghiệp trong nước, trên các diễn đàn, mạng xã hội, một số người đã kêu gọi tẩy chay Big C nếu như siêu thị này tẩy chay hàng Việt. Bởi theo nhiều người tiêu dùng, khi Big C từ chối hàng Việt mà không nêu rõ nguyên nhân hoặc giải thích nguyên nhân nhưng không hợp lý và có tính thuyết phục sẽ làm mất niềm tin của người tiêu dùng.
Những câu hỏi xung quanh sự việc Big C Việt Nam dừng mua hàng hoá may mặc của nhiều doanh nghiệp trong nước đang được đặt ra và chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Thứ nhất, sự việc Big C Việt Nam dừng mua hàng hoá may mặc của nhiều doanh nghiệp trong nước làm dấy lên lo ngại rằng có hay không hàng hoá do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, cung cấp bị “đẩy” khỏi hệ thống siêu thị do nước ngoài sở hữu, nhường chỗ cho hàng nhập ngoại?
Cũng phải nói thêm rằng, điều khó hiểu nhất trong thông báo của Central Group đưa ra là chỉ dừng hợp tác với “vài chục nhà cung cấp” mà không cho biết cụ thể vì sao lại giới hạn số lượng doanh nghiệp này? Liệu sắp tới đây sẽ có thêm bao nhiêu nhà cung cấp tại Việt Nam bị tập đoàn “dứt tình”? Tập đoàn này đã có sự lựa chọn thay đổi nhà cung cấp hàng may mặc mới hay chưa, là đối tác trong nước hay nước ngoài?
Nếu như tập đoàn này muốn “tái cấu trúc ngành hàng may mặc tại Việt Nam” thì có thể đưa ra lộ trình giảm sốc hơn như giảm số lượng và mặt hàng thu mua, nâng tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, hay chính sách giá nhập hàng… để tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa các nhà cung cấp.
Central Group - Tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan đã mua lại hệ thống siêu thị Big C từ Tập đoàn Casino (Pháp) đang gặp khó khăn tài chính vào năm 2016 với giá 1,05 tỷ USD
Thứ hai, có hay không “chiêu thức” ép giá đối với nhà sản xuất trong nước? Bởi ai cũng hiểu rằng, quyết định tạm dừng hợp tác của Central Group sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng trăm nhà cung cấp sản phẩm may mặc tại Việt Nam. Hệ thống siêu thị Big C từ lâu đã và đang là nguồn tiêu thụ hàng hoá rất lớn cho các doanh nghiệp này, việc cắt hợp đồng mua hàng đột ngột sẽ khiến các nhà cung cấp trở tay không kịp, rơi vào tình cảnh khó khăn.
Trong khi đó, một số chuyên gia lo ngại, nếu tiền lệ này được thông qua, có thể hàng loạt các sản phẩm Việt Nam khác trong siêu thị do nước ngoài sở hữu, sẽ từng bước bị đẩy ra ngoài, nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập.
Và trong lúc này, động thái “dứt tình” với hàng chục đối tác cung cấp hàng hoá đã có mối quan hệ hợp tác làm ăn truyền thống từ nhiều năm qua cảm thấy bất an, lo sợ nếu tới đây có thêm nhiều hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam phải rời khỏi kệ hàng của Big C.
Theo tìm hiểu của PV, trước khi xảy ra sự việc Big C tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam kể từ tháng 7/2019, chỉ chưa đầy 2 tháng trước đó, tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của ngành Công Thương diễn ra tối 21/5, Big C Việt Nam, một thành viên của Central Group Việt Nam đã vinh dự đón nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương vì có thành tích thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Được biết, Central Group - Tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan đã mua lại hệ thống siêu thị Big C từ Tập đoàn Casino (Pháp) đang gặp khó khăn tài chính vào năm 2016 với giá 1,05 tỷ USD. Việc mua lại Big C nằm trong chiến lược của Central Group nhằm mở rộng mạng lưới phát triển trong khu vực ASEAN.
Trong suốt 18 năm qua, tập đoàn này đã liên tục rót vốn đầu tư cho công ty con Big C tại Việt Nam, và đến nay đã phát triển hệ thống mạng lưới gồm 43 cửa hàng, 30 khu trung tâm mua sắm trên cả nước.