Bình Định: Bỏ phố về quê nuôi chim trĩ, chim công, gà kiểng độc lạ, ai ngờ lại khá giả hẳn lên

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 15/03/2021 06:21 AM (GMT+7)
Từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành xây dựng, có việc làm ở thành phố, nhưng anh Tô Vũ Thành Tín, 30 tuổi vẫn quyết định bỏ về quê xã Ân Tín, huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) làm nông dân, đầu từ nuôi chim trĩ, nuôi chim công và nuôi các giống gà kiểng độc, lạ.
Bình luận 0

Bỏ phố về quê nuôi chim, nuôi gà kiểng độc lạ

Nuôi chim trĩ, nuôi chim công và nuôi gà kiểng độc lạ là mô hình làm giàu hiện tại của anh Tô Vũ Thành Tín, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Trước đó 8 năm, anh tốt nghiệp đại học và làm việc xa nhà.

Năm 2013, chàng sinh viên Thành Tín tốt nghiệp Trường Đại học Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) chuyên ngành xây dựng và quyết định cầm tấm bằng đại học vào Nam xin việc với mong muốn tìm được việc ổn định, thu nhập cao.

Anh nông dân này từng tốt nghiệp đại học, quyết bỏ phố về quê nuôi chim trĩ, công, gà kiểng và cái kết không ngờ - Ảnh 1.

Đàn gà kiểng với nhiều giống gà độc lạ được nuôi nhốt trong vườn tại gia đình anh Thành Tín, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Sau 1 năm ròng rã làm việc nơi đất khách quê người, anh Tín khá mệt mỏi với công việc đang làm.

Trong một lần tình cờ thấy người ta nuôi chim trí, Thành Tín cuốn hút bởi đàn chim trĩ nên anh bắt đầu tìm hiểu và có ý định quay về quê, bắt đầu khởi nghiệp từ mô hình nuôi loài chim trĩ này.

Năm 2014, khi đã "học lỏm" và thành thạo một số kỹ thuật nuôi chim trĩ, chăm sóc, phòng và trị bệnh cho chim trĩ, anh Tín về quê bàn với bố mẹ và vay người thân 70 triệu đồng, nhanh chóng xây dựng chuồng nuôi chim trên diện tích khoảng 500m2.

Mọi chuyện đã hoàn thành, anh bắt xe xuôi vào Nam mua 50 đôi chim trĩ, và mua thêm 62 con chim mái trưởng thành về nuôi.

Anh Tín chia sẻ, khi mới tìm hiểu mô hinh nuôi chim trĩ, nghe mọi người bảo chim trĩ dễ nuôi như nuôi gà ta nhưng khi nuôi thì mới thấy mọi chuyện không hề đơn giản.

"Có lúc tôi nghĩ phải bỏ nghề, vì đúng lúc chim trĩ đang thay lông gặp thời tiết lạnh thì không sống được, mặc dù đã làm đủ cách vẫn không ổn. Sau đó tôi chặt các tàu dừa làm ụ, dùng lá chuối khô lót nền làm ổ, vậy mà đàn trĩ vượt qua đợt lạnh", anh Tín cho hay.

Anh nông dân này từng tốt nghiệp đại học, quyết bỏ phố về quê nuôi chim trĩ, công, gà kiểng và cái kết không ngờ - Ảnh 2.

Trong trang trại nuôi chim trĩ của anh Thành Tín còn nuôi giống gà vảy cá. Giống gà này có bộ lông lạ, bắt mắt xếp lóp như hình vảy cá. Giống gà vảy cá này được nuôi để làm kiểng.

Sau 7 năm, từ 162 con chim trí giống, hiện đàn chim trĩ của anh Tín đã tăng lên hơn 1.000 con, trong đó 500 chim trĩ sinh sản, gần 200 chim trĩ trống, còn lại là trĩ bán thịt.

Anh Tín cho biết, nuôi chim trĩ khoảng 4 tháng thì xuất chuồng 1 lứa, con chim trĩ trống nặng khoảng 1,5kg, con chim trĩ mái nặng 1 - 1,3kg. Anh bán chim trĩ cho thương lái trong và ngoài tỉnh với giá chim trĩ là 180.000 đồng/kg.

Anh Thành Tín còn bán chim trĩ giống. Theo đó chim trĩ 1 ngày tuổi anh Tín với bán giá 20.000-25.000 đồng/con, chim trĩ 2 tháng tuổi bán giá 120.000 đồng/con, chim trĩ hậu bị khoảng 4-5 tháng bán 300.000-320.000 đồng/con và chim trĩ sinh sản 700.000 - 750.000 đồng/cặp.

Mở rộng mô hình nuôi chim trĩ, chim công, gà kiểng

Tại chuồng nuôi của gia đình anh nông dân Tô Vũ Thành Tín, ngoài chim trĩ còn có giống gia cầm lạ nuôi làm kiểng như: chim công, gà vảy cá, gà Brahma (xuất xứ châu Âu), gà Onagadori (Nhật Bản), gà lôi… bán cảnh với giá trị cao.

Anh Tín cho biết, nuôi chim trĩ cũng không quá phức tạp, chuồng trại phải thoáng mát, chuồng được bao bọc lưới bảo vệ và đảm bảo không gian đủ rộng để chim bay nhảy.

Tuy nhiên, người nuôi chim trĩ cần chú ý với chim non dưới 1 tháng tuổi phải chăm sóc kỹ, còn chim đẻ phải ăn đủ chất, đúng thời gian thì tỷ lệ đẻ trứng cao. Chăm sóc tốt, chim mẹ có thể đẻ vài chục trứng trong một chu kỳ đẻ trứng khoảng 3-4 tháng.

Theo anhTín, sau khi có lãi trong chăn nuôi anh dùng tất cả số tiền đầu tư vào nuôi các giống chim, gà kiểng mới lạ để làm phong phú nguồn hàng, cung ứng thị trường.

Anh nông dân này từng tốt nghiệp đại học, quyết bỏ phố về quê nuôi chim trĩ, công, gà kiểng và cái kết không ngờ - Ảnh 3.

Anh nông dân Thành Tín bên con gà trống có đuôi rất dài.

"Đầu ra chim trĩ thịt và chim trĩ giống đều khá ổn định. Trước đây, tôi phải tự đi liên hệ với khách hàng để bán, còn giờ khách hàng đã tìm đến mình để mua, nhiều lúc không có hàng để bán", anh Tín nói.

Theo Phó Trưởng Phòng NNPTNT huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) Võ Duy Tín, mô hình nuôi chim trĩ và các loại chim, gà kiểng của anh nông dân Thành Tín cho thu nhập cao hơn nhiều so với các mô hình chăn nuôi khác ở địa phương.

"Ngoài việc làm giàu cho gia đình, anh Thành Tín còn sẵn sàng giúp đỡ và chuyển giao kỹ thuật, bán con giống với giá rẻ hơn thị trường cho những người có nhu cầu chăn nuôi theo mô hình này để phát triển kinh tế gia đình", ông Tín đánh giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem