Bình Định: Đang khỏe mạnh, bò bỗng dưng nổi u cục bất thường, nông dân "lo sốt vó"

Thăng Bình Thứ năm, ngày 27/05/2021 13:32 PM (GMT+7)
Tình trạng bệnh viêm da nổi cục ở bò bùng phát tại một số địa phương trong tỉnh Bình Định, khiến nhiều nông dân lo lắng.
Bình luận 0

Theo UBND tỉnh Bình Định, tỉnh này xuất hiện ổ dịch bệnh viêm da nổi cục ở bò đầu tiên vào chiều 27/4, tại thôn Phú Trung, xã Cát Thành, huyện Phù Cát.

Sau đó bệnh tiếp tục bùng phát tại một số địa phương khác, tính đến ngày 25/5 dịch bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra 411 hộ chăn nuôi, của 5 huyện, thị xã là Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Tây Sơn và An Nhơn.

Tổng số bò mắc bệnh đang theo dõi điều trị là 545/1.826 con tổng đàn các hộ có bệnh. Đặc biệt, chưa xảy ra tình trạng bò chết do dịch bệnh.

Đang khỏe mạnh, bò bỗng dưng bị nổi cục ngoài da bất thường, khiến nông dân "lo sốt vó" - Ảnh 1.

Bò mắc bệnh viêm da nổi cục khiến nông dân Bình Định lo lắng.

Nông dân Dương Thị Bé (ở xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) cho biết, ban đầu chị phát hiện con bò nhà mình nổi lên các nốt sần trên bề mặt da ở khu vực chân. Sau đó, các nốt sần lan ra ở cổ và thân bò, vì vậy chị đã báo ngay cho cán bộ thú ý địa phương và được xác định bò bị bệnh viêm da nổi cục.

"Tôi theo dõi diễn biến bệnh rồi rửa nước muối, bôi thuốc cho bò. Các nốt sần nhỏ thấy lặn xuống, còn những cục to thì chưa lặn xuống được", chị Bé nói.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Bình Định, cho biết: "Đây là bệnh gây cục bộ ở một vài hộ, vài thôn, mỗi chuồng từ 1 đến 2 con nhưng dịch bệnh lây lan nhanh, "nhảy" từ thôn này qua thôn khác, từ miền núi "nhảy" xuống cả miền biển. Vậy nên, khó khống chế được như một số dịch bệnh khác".

Đang khỏe mạnh, bò bỗng dưng bị nổi cục ngoài da bất thường, khiến nông dân "lo sốt vó" - Ảnh 2.

Phun thuốc tiêu độc, khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh và côn trùng trong môi trường tự nhiên.

Toàn tỉnh Bình Định hiện có trên 315.000 con trâu, bò. Trước tình hình bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò diễn biến phức tạp, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai phun thuốc tiêu độc, khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh và côn trùng trong môi trường tự nhiên.

Nhận định nguyên nhân xảy ra dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định cho rằng, bệnh truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như: muỗi, ruồi, ve. Bên cạnh đó, do một số phương tiện thô sơ vận chuyển trâu bò ra vào địa phương mang mầm bệnh xâm nhập.

Hiện nay, tình hình bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đang diễn biến phức tạp tại các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi. Điều kiện thời tiết cũng đang thuận lợi cho các loại côn trùng phát triển nên nguy cơ lây lan dịch bệnh trong thời gian tới rất cao.

Đang khỏe mạnh, bò bỗng dưng bị nổi cục ngoài da bất thường, khiến nông dân "lo sốt vó" - Ảnh 3.

Nông dân tìm cách ứng phó với bệnh viêm da trên thân bò.

UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân cách ly trâu bò nhiễm bệnh, thực hiện tiêu độc sát trùng, tăng cường chăm sóc để nâng cao sức đề kháng; giữ bò tại chuồng, không chăn thả ra khu vực đang có dịch; không bán hoặc giết mổ trâu, bò đang có bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp cùng Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện phun thuốc tiêu độc khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh và côn trùng trong môi trường tự nhiên 2 ngày/lần tại các thôn đang xảy ra dịch và 2 lần/1 tuần tại các thôn còn lại trong xã.

Đồng thời, tổ chức tiêm phòng 100% tổng đàn trâu, bò tại các địa phương đã xuất hiện dịch bệnh và các địa phương lân cận.

Đối với các địa phương chưa có dịch, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện và có biện pháp khống chế khi dịch bệnh xảy ra. UBND các xã chủ động nguồn kinh phí mua vaccine tiêm phòng cho đàn trâu, bò ở vùng có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Đang khỏe mạnh, bò bỗng dưng bị nổi cục ngoài da bất thường, khiến nông dân "lo sốt vó" - Ảnh 4.

Tại tỉnh Bình Định, chưa xảy ra tình trạng bò chết do dịch bệnh.

Về việc mua vaccine tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò, UBND tỉnh đã xuất cấp kinh phí để mua khẩn cấp 10.000 liều vaccine hỗ trợ cho các địa phương để tiến hành tiêm phòng.

Tỉnh Bình Định đã lập 2 trạm kiểm dịch động vật ở đèo Bình Đê (giáp tỉnh Quảng Ngãi) và đèo Cù Mông (giáp tỉnh Phú Yên). Hai trạm kiểm dịch động vật này hoạt động suốt ngày đêm, kiểm tra chặt chẽ xe chở gia súc từ Bình Định đi các địa phương khác và từ địa phương khác qua địa bàn tỉnh, góp phần ngăn chặn dịch lây lan.

Ngoài ra, tỉnh này cũng đã đề nghị Bộ NNPTNT hỗ trợ 20.000 lít hóa chất sát trùng Bencocide để phun tiêu độc sát trùng, phòng chống dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem