Bình Định "gặp khó" khi chuẩn bị thi công cao tốc Bắc – Nam

Dũ Tuấn Thứ ba, ngày 06/12/2022 17:40 PM (GMT+7)
Ngày 6/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng vừa ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét chỉ đạo, hướng dẫn về việc thu hồi đất làm mỏ vật liệu, bãi đổ thải phục vụ dự án Đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021- 2025, đoạn qua địa bàn tỉnh này.
Bình luận 0

Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Văn bản số 1411/BTNMT-ĐCKS ngày 18/3/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, các địa phương có đường cao tốc đi qua trên địa bàn tỉnh Bình Định phối hợp với các Ban Quản lý dự án 85, 2 thuộc Bộ Giao thông vận tải, tiến hành khảo sát, đề xuất các mỏ vật liệu và bãi thải, đảm bảo phục vụ dự án. 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đối với các mỏ đất, bãi thải có một số khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, về các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án. Để đảm bảo vật liệu xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua địa bàn tỉnh Bình Định, UBND tỉnh đã giao các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với các Ban Quản lý dự án 85, 2 thuộc Bộ Giao thông vận tải xác định nhu cầu vật liệu xây dựng (đất, đá, cát) và cung cấp cho các ban quản lý để đưa vào phục vụ dự án. 

Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định đang tập trung thực hiện công tác bồi thường GPMB các hạng mục công trình phục vụ xây dựng đường cao tốc; riêng đối với các mỏ đất (có nguồn gốc chủ yếu là đất rừng sản xuất đã giao quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân) chưa triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. 

Bình Định "gặp khó" khi chuẩn bị thi công cao tốc Bắc – Nam - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng. Ảnh: DT.

Theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 1411/BTNMT- ĐCKS ngày 18/3/2022 thì các mỏ vật liệu xây dựng thông thường (như đá, cát, đất đắp nền đường) phục vụ xây dựng cao tốc Bắc Nam trong năm 2022 và 2023 không phải lập các thủ tục cấp phép mỏ theo quy định của Luật Khoáng sản (không thực hiện các thủ tục như: đấu giá mỏ, thăm dò, phê duyệt trữ lượng, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, cấp giấy phép khai thác). 

Trường hợp này, các chủ đầu tư và nhà thầu thi công xác định vị trí, tọa độ, ranh giới các khu vực mỏ trong hồ sơ khảo sát vật liệu và đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế, phí cho nhà nước (nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền thuê đất). 

Sau khi kết thúc khai thác, nhà thầu phải thực hiện các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ cho địa phương quản lý. 

Việc áp dụng các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu trên sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục cấp mỏ vật liệu theo quy định của Luật Khoáng sản, giúp cho các nhà thầu thi công thuận lợi trong việc lựa chọn mỏ vật liệu và rút ngắn thời gian cấp phép để đảm bảo tiến độ phục vụ công trình. 

Tuy nhiên, theo quy định tại Điểm đ, Khoản 3, Điều 62 (Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) Luật Đất đai năm 2013: "Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản". 

"Như vậy, đối với các trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như đất san lấp thì Nhà nước không thực hiện việc thu hồi đất nên các mỏ đất phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc Nam gặp vướng mắc về cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất theo các quy định nêu trên", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định lý giải. 

Để đảm bảo tiến độ xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đoạn qua tỉnh Bình Định, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, hướng dẫn cụ thể việc thu hồi đất, bồi thường và cho thuê đất đối với các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với mỏ vật liệu phục vụ thi công đường bộ cao tốc Bắc - Nam. 

Theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng, về các bãi đổ thải để phục vụ dự án, hiện nay UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận 33 vị trí bãi đổ thải để phục vụ dự án, với tổng diện tích là 93,79 ha; hầu hết các địa phương có đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua đã cập nhật vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, đưa dự án vào Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030. 

Bình Định "gặp khó" khi chuẩn bị thi công cao tốc Bắc – Nam - Ảnh 2.

Cơ quan chức trách tại Bình Định thực hiện đền bù cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Ảnh: DT.

Theo quy định tại điểm b, Khoản 3, Điều 62 (Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng) Luật Đất đai 2013 thì đất bãi thải, xử lý chất thải thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất và quy định về cách xác định loại đất tại phụ lục 1 Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản độ hiện trạng sử dụng đất thì đất bãi thải, xử lý chất thải là đất sử dụng làm bãi để chất thải, rác thải, làm khu xử lý chất thải, rác thải nằm ngoài các khu công nghiệp. 

Đối với các bãi đổ thải được sử dụng để phục vụ trong thời gian thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đoạn qua tỉnh Bình Định (nguồn gốc cơ bản là đất rừng và đất nông nghiệp). 

Tuy nhiên, sau khi hết sử dụng đổ thải thì các bãi thải không thể tiếp tục di dời vật liệu tải đi nơi khác và cũng không thể sử dụng đất để canh tác, sản xuất.

Do đó, để đảm bảo pháp lý trong việc thu hồi đất, thực hiện công tác GPMB các bãi đổ thải phục vụ dự án, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét hướng dẫn việc bồi thường và chấp thuận cho thu hồi đất vĩnh viễn đối với các bãi đổ thải nêu trên. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem