Bình Định lập đoàn công tác vào tận miền Nam khuyên ngư dân đánh bắt hải sản đúng quy định

Dũ Tuấn – Chúc Ly Thứ sáu, ngày 21/10/2022 12:06 PM (GMT+7)
Từ ngày 20 - 28/10, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đến Việt Nam kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Nhiều địa phương đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp hiệu quả để “chạy nước rút” ngăn chặn tàu cá vi phạm IUU.
Bình luận 0

Thậm chí, tỉnh Bình Định còn lập đoàn công tác vào tận miền Nam tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, khuyên ngư dân đánh bắt hải sản đúng quy định.

Quyết tâm gỡ thẻ vàng

Là một trong những địa phương có lực lượng tàu cá lớn nhất nước, vướng mắc lớn nhất của tỉnh Bình Định trong việc gỡ thẻ vàng là vấn nạn tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra.

Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Bình Định có 34 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Riêng 9 tháng đầu 2022, Bình Định có thêm 7 tàu cá vi phạm. Ngành chức năng đã xử phạt 18 trường hợp với số tiền 16,2 tỷ đồng và tịch thu xung công quỹ 2 tàu cá.

Một vướng mắc khác là hệ thống thiết bị giám sát hành trình tàu cá chưa ổn định, nhiều tàu bị mất kết nối, hoặc gián đoạn kết nối khi đang đánh bắt ngoài khơi, nhiều tàu vượt ranh giới bị ngành chức năng cảnh báo. Công tác quản lý tại cảng cá còn nhiều bất cập do thiếu nhân lực trầm trọng.

Dốc sức… gỡ thẻ vàng IUU - Ảnh 1.

Đoàn công tác tỉnh Bình Định thực hiện chuyến Nam tiến, gặp gỡ ngư dân vận động bà con “nói không” với đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: P.V

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử:

Quyết tâm chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Hiện, các ngành chức năng đã tuyên truyền rất nhiều và cần phải tập trung đẩy mạnh công việc chống khai thác IUU đi vào chiều sâu, trong điểm, đúng từng đối tượng cụ thể trong thời gian tới. Cà Mau đã thể hiện quyết tâm này thông qua xử lý hành chính chủ phương tiện vi phạm hàng tỷ đồng, đồng thời tịch thu phương tiện…

Bên cạnh đó, hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau cũng tích cực phối hợp, góp phần phát triển nghề cá có trách nhiệm, khai thác một cách có hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản trên ngư trường và khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU tại 2 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau.

Theo đó, sau 2 năm phối hợp chống khai thác IUU giữa 2 tỉnh, các lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm tra trên vùng biển Kiên Giang - Cà Mau và kiểm tra hơn 100 tàu cá, lập biên bản vi phạm hành chính 41 vụ; phát hiện 47 thiết bị giám sát hành trình của các tàu cá đánh bắt xa bờ bị tháo gỡ gửi qua phương tiện khác hoặc để trong bờ, trên đảo; lực lượng 2 tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 7,8 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm gồm: Sử dụng tàu cá vi phạm quy định về khai thác thủy sản tại vùng lộng, vùng ven bờ; tàng trữ công cụ kích điện để đánh bắt thủy sản; không có nhật ký khai thác thủy sản, thuyền trưởng và máy trưởng không có chứng chỉ theo quy định; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đã hết hạn; tháo gỡ thiết bị giám hành trình trên tàu cá và không duy trì hoạt động, kết nối trong quá trình khai thác đánh bắt trên biển…

Theo Sở NNPTNT Bình Định, do một số ngư dân vì lợi ích kinh tế cá nhân đã cố ý đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. 

Nhiều chủ tàu không trực tiếp tham gia khai thác mà thuê mướn thuyền trưởng điều khiển tàu và tự tổ chức đánh bắt nên thuyền trưởng cố tình xâm phạm vùng biển các nước khác khai thác hải sản bất hợp pháp để nhanh đạt sản lượng.

Đặc biệt, tất cả chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đều làm thủ tục xuất bến tại các cảng cá ngoài tỉnh, tập trung ở miền Nam, nhiều năm liền không đưa tàu cá về địa phương nên ngành chức năng không thể tiếp cận để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định.

Để gặp gỡ ngư dân Bình Định không cho tàu về địa phương, đoàn công tác liên ngành của tỉnh phải chọn thời điểm rằm tháng 7 âm lịch để thực hiện chuyến Nam tiến, gặp gỡ ngư dân nhằm tuyên truyền, vận động bà con "nói không" với đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài. Thời điểm này các tàu cá đánh bắt xa bờ sẽ cập bờ để bán sản phẩm.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có hơn 1.000 tàu cá của ngư dân Bình Định thường xuyên lấy các cảng cá làm nơi "tá túc" để hoạt động nghề biển, đoàn công tác liên ngành của tỉnh Bình Định đã cùng Sở NNPTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức cuộc gặp mặt và tuyên truyền cho ngư dân.

Ở tỉnh Tiền Giang, tại điểm neo đậu phường Tân Long (TP.Mỹ Tho), thuyền trưởng Đỗ Văn Trinh (44 tuổi, ở thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) cho biết, tàu BĐ 96927 TS chọn vùng biển Đông Nam Bộ để hoạt động là do ngư trường trong này dễ làm, tàu hành nghề lưới vây, thường hoạt động phía dưới đảo Côn Sơn khoảng hơn 100 hải lý, vùng biển này phong phú nguồn lợi thủy sản, gồm cá bạc má, cá nục, cá tráo, cá ngừ, cá thu, mực đất, cá trác, cá ngân, cá chim, cá sòng… đánh giác lưới lên có đủ các loại cá, mỗi thứ một ít nên tàu có thu nhập.

Tỉnh Cà Mau có số lượng tàu cá khai thác khoảng 5.000 chiếc, trong đó khai thác vùng khơi khoảng 1.600 tàu. Qua 5 năm thực hiện, bước đầu tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và tiến bộ trong chống khai thác IUU. Với quyết tâm của địa phương, đến nay 100% phương tiện khai thác thuộc diện bắt buộc đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (1.529 tàu). Tuy nhiên, qua giám sát trong thời gian qua, ngành chức năng phát hiện hơn 4.400 lượt tàu cá bị mất tín hiệu kết nối ngoài khơi, kêu gọi 84 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển quay trở về vùng biển Việt Nam.

Ký kết quy chế phối hợp

Bình Định lập đoàn công tác vào tận miền Nam khuyên ngư dân đánh bắt hải sản đúng quy định - Ảnh 3.

Tàu cá khai thác thủy sản tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly.

Theo ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, có đến hơn 1.000 tàu cá của ngư dân tỉnh này vào "tá túc" tại Vũng Tàu để đánh bắt trên vùng biển Đông Nam Bộ, chủ yếu là ngư dân các huyện Phù Cát, Phù Mỹ và TP.Quy Nhơn. 

 Ngoài những ngư dân làm ăn chân chính, cũng có không ít ngư dân mượn Vũng Tàu làm nơi tạm trú để đi đánh bắt bất hợp pháp, hầu hết tàu vi phạm đều hành nghề câu mực. Tiền Giang cũng là nơi tàu cá Bình Định "neo" lại để hoạt động, nhưng số lượng tàu ít hơn, chỉ 70 - 80 chiếc, chủ yếu là ngư dân thị xã Hoài Nhơn.

Để ngăn chặn tàu cá đánh bắt vi phạm IUU, Bình Định đã ký kết quy chế phối hợp với ngành chức năng 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang trong công tác chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Theo quy chế, ngành chức năng 3 tỉnh sẽ trao đổi thông tin về số lượng tàu cá của mỗi tỉnh đang hoạt động; siết chặt công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm tàu cá; thông tin với nhau về tình hình, diễn biến, kết quả xử lý các vụ việc có liên quan đến tàu cá đánh bắt hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; tình hình, kết quả xác minh, xử lý về số đối tượng, tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở NNPTNT tỉnh này cùng các Sở, ngành liên quan và các địa phương ven biển có tàu cá đánh bắt xa bờ tập trung vào những giải pháp thật cụ thể, nỗ lực tối đa để khắc phục những vướng mắc còn tồn đọng trong công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

"Chúng tôi đã chỉ đạo thành lập các tổ kiểm tra đi về các địa phương, đặc biệt là các địa phương có nhiều tàu cá vi phạm như xã Cát Minh, thị trấn Cát Tiến của huyện Phù Cát để phối hợp, triển khai các bước tháo gỡ khó khăn trong việc ngăn chặn tàu cá đánh bắt vi phạm IUU. Tăng cường công tác tuyên truyền giúp ngư dân nhận biết được việc đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài vừa chuốc hại cho bản thân, gia đình còn làm ảnh hưởng đến kinh tế và hình ảnh của đất nước"- ông Nguyễn Tuấn Thanh nói.

Trong khi đó, hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau cũng có sự phối hợp nhằm tiếp tục ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác hải sản IUU của tổ chức, cá nhân tại vùng biển Kiên Giang - Cà Mau. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem