Bình Định: Bất ngờ, nông dân huyện Phù Cát thi nhau trồng dừa xiêm trên đất cát nhiễm mặn

Hồng Nhân-Thế Hà (Cổng TTĐT huyện Phù Cát) Thứ hai, ngày 07/09/2020 07:00 AM (GMT+7)
Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) đã xuất hiện nhiều gương nông dân trồng dừa xiêm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bình luận 0

Hiện nay, phong trào trồng dừa xiêm đang phát triển mạnh ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Bởi vì, dừa xiêm dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, không kén đất, từ trung du đến ven biển đều trồng được.


Có thể nói, ở một số địa phương của huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định nhà nhà trồng dừa xiêm ( nhà nào cũng có dừa Xiêm).


Nhà trồng ít nhất thì cũng vài chục cây dừa xiêm, nhà trồng nhiều nhất thì 100 cây tới trên 200 cây dừa xiêm.

Bình Định: Vì sao nông dân huyện Phù Cát lại thi nhau trồng cây dừa xiêm trên đất cát mặn? - Ảnh 1.

Dừa xiêm ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) đang phát triển tốt, dem lại thu nhập đáng kể cho nông dân

Toàn huyện có trên 180 ha dừa xiêm, bình quân mỗi ha trồng 300 cây dừa xiêm theo công thức cây cách cây 7m, hàng cách hàng 7m. 


Trong đó, xã Cát Hiệp trồng dừa xiêm nhiều nhất 100 ha. Các xã Cát Trinh, Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Hanh, Cát Tân, Cát Khánh, mỗi xã từ 7 -20 ha trồng dừa xiêm. 


Đây là một loại cây trồng cho giá trị kinh tế rất cao, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế gia đình và xây dựng nông thôn mới.


Dừa xiêm từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 4 năm. Do là loại cây lâu năm nên cây dừa xiêm càng lớn sẽ cho năng suất càng cao. Trung bình cây dừa xiêm từ 5-6 năm tuổi, mỗi năm cho năng suất khoảng 100-120 trái/cây.


Với giá bán trái dừa xiêm hiện nay trừ hết chi phí người trồng dừa xiêm cho thu nhập 1 triệu đồng/cây/năm; bình quân mỗi ha trồng dừa xiêm thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. 


Do có vị ngọt và mùi thơm đặc trưng nên dừa xiêm có giá trị cao gấp 3 lần so với dừa bình thường. Nhiều nông hộ trồng dừa xiêm ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) cho biết, trái dừa xiêm được các thương lái thu mua tại gốc với giá từ  7.000 đồng/trái ( mùa mưa), còn mùa nắng và Tết âm lịch thì mỗi trái dừa xiêm có giá bán tới 10.000-12.000 đồng. Riêng dừa khô để giống có giá bán 60.000 đồng/trái.

 

Đi giữa những hàng dừa xiêm tươi tốt, rợp bóng mát cây đầy ắp trái, ít ai nghĩ khu đất này trước đây là vườn tạp. 

Ông Nguyễn Văn Yên ở  thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) chủ vườn dừa, chia sẻ: “Đa phần bà con ở vùng này phá vườn tạp để trồng trồng dừa xiêm mang lại thu nhập cao hơn. Để “lấy ngắn muôi dài”, mấy năm đầu dừa xiêm chưa khép tán tôi trồng đậu phụng, mì, hoa màu khác và nuôi thêm gà, vịt, heo, góp thêm thu nhập gia đình...".


Theo ông Nguyễn Văn Yên, sau 4 năm, dừa xiêm bắt đầu cho thu hoạch. Cây to, cây nhỏ đều sai trái, mỗi buồng từ 15 -20 trái, thương lái đến tận vườn thu mua giá từ 7.000-12.000 đồng/trái tùy vào thời điểm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Yên lãi 70 triệu đồng từ vườn dừa xiêm.

 

Về kinh nghiệm chăm sóc dừa xiêm, ông Nguyễn Văn Yên ở  thôn Phú Kim, xã Cát Trinh cho biết thêm: “Loại dừa xiêm này dễ chăm sóc, mỗi năm bón phân 2 lần (1 kg NPK hỗn hợp/cây), cần nhiều nước vào mùa nắng hạn, làm sạch cỏ xung quanh buồng dừa. dưỡng cho cây dừa có bộ lá xanh tốt. Chú ý phòng trừ sâu bệnh hại dừa...

 

Theo ông Nguyễn Công Tại ở thôn An quang Tây, xã miền biển Cát Khánh, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) thì cây dừa xiêm vẫn thích nghi trên chân đất cát biển. Trong 2 năm 2012-2013, ông trồng 100 cây dừa xiêm.


Qua theo dõi dừa xiêm phát triển tốt. Đến năm 2017 ông bắt đầu thu hoạch trái dừa xiêm lần đầu và năm nay thu hoạch bình quân mỗi cây dừa khoảng trên 100 trái. Gia đình ông thu nhập từ dừa xiêm hơn 100 triệu đồng/năm. 


Ông Tại chia sẻ: “ Khi đem cây dừa xiêm về trồng trên đất cát ven biển thấy cũng lo, không biết dừa có chịu nước mặn được không? Qua thời gian theo dõi thấy dừa phát triển tốt, tôi mới mừng. Hiện nay, mỗi năm tôi thu hoạch dừa xiêm 3 lần, kiếm cũng được 100 triệu đồng...

 

Dừa xiêm rất thích hợp trên chân đất cát và được nông dân đầu tư chăm sóc, bón phân, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh đầy đủ nên cây dừa xiêm chóng lớn. 


Sau 4- 5 năm trồng, dừa xiêm sẽ cho trái, bình quân mỗi cây từ 120 – 150 trái/năm. Dừa xiêm ít tốn công chăm sóc mà còn góp phần hấp thụ nước thải trong chăn nuôi. Nguồn phân và nước thải trong chăn nuôi heo, gà, vịt được dùng để bón cho cây dừa, giúp dừa phát triển tốt, sai buồng, nhiều trái.

 

Ông Lương Ngọc Tấn- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) cho biết: “Trong những năm qua, nông dân phát triển trồng dừa xiêm khá nhiều. Vì dừa xiêm dễ trồng, dễ chăm sóc đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Phù Cát sẽ tiếp tục vận động bà con có vườn tạp hoặc trồng các loại cây kém hiệu quả chuyển sang trồng dừa xiêm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem