Bình Dương đẩy mạnh phát triển logistics hướng đến liên kết vùng

Gia Linh
20/02/2025 07:30 GMT +7
Tỉnh Bình Dương đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống logistics thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh.

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định số 404/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch Phát triển dịch vụ Logistics tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

​Theo đó, địa phương tập trung phát triển hệ thống logistics dựa trên quan điểm xem dịch vụ logistics là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; là yếu tố động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.

Góp phần chuyển dịch tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đúng định hướng đến năm 2025 chiếm 28%, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành dịch vụ bình quân hàng năm khoảng 11%; góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.


Bình Dương đẩy mạnh phát triển logistics trong năm 2025. Ảnh: BCM

Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu phát triển logistics hướng đến liên kết vùng; định hướng Bình Dương trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng hóa, các dịch vụ logistics phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực; hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Theo đó, tỉnh Bình Dương đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện kế hoạch như sau: Rà soát, điều chỉnh phương án/quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu và các quy hoạch ngành, địa phương có liên quan (đất đai, xây dựng; công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, giao thông vận tải, đô thị, công nghệ thông tin, du lịch,…).

Hoàn thiện hạ tầng giao thông, đảm bảo các kết nối vật lý hỗ trợ quá trình luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu kết nối hay ùn tắc giao thông. Tổ chức hiệu quả các điểm nút, đầu mối giao thông quan trọng để kết nối cảng cạn (ICD), cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, trạm chuyển tải đa phương thức trong địa bàn tỉnh và khu vực. Đảm bảo phát triển kết hợp giữa dịch vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ liên quan.

Bên cạnh đó, phát triển đa dạng về loại hình nhà cung ứng dịch vụ logistics, bao gồm: Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Khuyến khích thu hút các dự án phát triển dịch vụ logistics có quy mô lớn; tính chuyên môn hóa và ứng dụng công nghệ mới, hiện đại có khả năng cung ứng dịch vụ theo mô hình chuỗi cung ứng …

Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp chủ động thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh logistics; thiết lập mạng lưới cơ sở dữ liệu về logistics làm cầu nối cho doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các nhà sản xuất, đối tác cung ứng dịch vụ logistics; phát triển mạnh loại hình dịch vụ e-logistics, dịch vụ quản trị chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong logistics qua nền tảng Blockchain, IoT...