Bình Dương dồn dập triển khai nhiều dự án, đón làn sóng đầu tư 'khủng' từ nước ngoài

Văn Dũng Thứ tư, ngày 16/03/2022 11:29 AM (GMT+7)
Nhằm tạo đột phá trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao trong tình hình mới, tỉnh bình Dương tiếp tục mở rộng các khu công nghiệp kiểu mới, phát triển hạ tầng kết nối vùng.
Bình luận 0

Thu hút vốn đầu tư FDI lớn trong dịch bệnh

Bình Dương là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Bình Dương đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế.

Tính đến 31/12/2021, Bình Dương đạt tăng trưởng ở nhiều mục tiêu, trong đó nổi bật là thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các dự án đầu tư chất lượng cao. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, năm 2021, tình hình thu hút FDI của tỉnh duy trì kết quả khả quan, với gần 2,7 tỷ USD, vượt 36% so với cùng kỳ. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.026 dự án có FDI với tổng vốn đăng ký 37,74 tỷ USD.

Bình Dương mở rộng thêm khu công nghiệp để thu hút đầu tư chất lượng cao - Ảnh 1.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng Bình Dương vẫn đạt được nhiều mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021. Ảnh: V.D

Xác định hạ tầng là một trong những yếu tố đột phá để thu hút đầu tư, bước sang năm 2022 tỉnh Bình Dương tập trung triển khai các dự án xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố. 

Cụ thể, đầu năm 2022, lãnh đạo UBND tỉnh đã tiến hành khảo sát các dự án hạ tầng giao thông, trong đó có các dự án liên quan đến Quốc lộ 13 - một trong những tuyến đường chính ở Bình Dương. 

Đây là trục giao thông chính đi qua hầu hết các thành phố, thị xã, huyện phát triển đô thị, công nghiệp của tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, nhiều năm nay, tuyến đường này đã quá tải, chưa đáp ứng được sự phát triển nhanh của địa phương này. 

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, ngoài dự án trên, UBND tỉnh đang chỉ đạo khẩn trương hoàn thành các dự án trên tuyến đường ĐT 743. Các dự án quan trọng, có tác động lan tỏa lớn như đường Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, dự án cầu nối với tỉnh Tây Ninh, cầu Bạch Đằng 2, tuyến tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường Thủ Biên - Đất Cuốc; nâng cấp các tuyến đường tỉnh ĐT743A, ĐT747B... cũng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai. 

Theo ông Minh, thực hiện hoàn tất các dự án trên, giao thông của Bình Dương sẽ kết nối thuận tiện với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên.

Mở rộng khu công nghiệp, đón sóng đầu tư "khủng" từ nước ngoài

Trong giai đoạn mới, một trong các mục tiêu phát triển của Bình Dương là hướng đến công nghiệp hóa ở các phân khúc có giá trị gia tăng cao, tiết kiệm tài nguyên đất hiện có, từng bước chuyển đổi hình thành các khu công nghiệp (KCN) xanh, sinh thái; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chất lượng cao...

Trong tháng 3/2022, Bình Dương tổ chức khởi công, xây dựng KCN VSIP 3 với quy mô 1.000ha tại phường Hội Nghĩa, TX. Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên.

KCN VSIP 3 đặt mục tiêu trở thành KCN xanh - thông minh đầu tiên của cả nước, với năng lượng xanh tái tạo, thay thế điện lưới bằng điện năng lượng mặt trời, nước thải xử lý đủ tiêu chuẩn xanh tái sử dụng, tạo không gian cây xanh. 

Hệ điều hành áp dụng công nghệ 4.0 giám sát hoạt động trên toàn khu ngay trong tòa nhà điều hành trung tâm của KCN thông qua hệ thống camera hiện đại, hệ thống quan trắc và số liệu trực tiếp báo cáo hàng ngày, hệ thống an ninh và quản lý chất lượng 24/7...

Bình Dương mở rộng thêm khu công nghiệp để thu hút đầu tư chất lượng cao - Ảnh 2.

Bình Dương sẽ mở rộng thêm KCN VSIP 3 và KCN Cây Trường với tổng quy mô 2.000ha. Ảnh: V.D

Khu công nghiệp mới này được định hướng thu hút doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, hạn chế các ngành nghề thâm dụng lao động. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ khởi công xây dựng KCN Cây Trường, quy mô 1.000ha tại huyện Bàu Bàng. 

Khu công nghiệp mới này được định hướng thu hút doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, hạn chế các ngành nghề thâm dụng lao động. Trong thời gian tới tỉnh sẽ khởi công xây dựng KCN Cây Trường, quy mô 1.000ha tại huyện Bàu Bàng.

GS-TS Nguyễn Trọng Hoài (trường đại học kinh tế TP.HCM) đánh giá, Bình Dương luôn tiên phong trong quản trị địa phương so với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cụ thể, hạ tầng giao thông luôn đi trước một bước để mở đường cho các ngành kinh tế phát triển đã được Bình Dương xem trọng. 

Bình Dương đang xây dựng KCN khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới; huy động các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động. Đồng thời, tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác hữu nghị với nhiều quốc gia phát triển; xây dựng thành phố thông minh, trở thành thành viên của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới. 

Đặc biệt, Bình Dương liên tiếp 4 lần được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh là 1 trong 21 địa phương có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới. Điều này khẳng định sự đúng đắn trong việc lựa chọn và xây dựng mô hình phát triển của Bình Dương những năm qua. Đây cũng chính là những điểm sáng, là động lực để Bình Dương tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Hải – Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, Bình Dương cần phát triển tập tập trung đa cực, cấu trúc đa trung tâm là nguyên tắc chủ đạo, trong đó các cực phát triển kết nối vùng đô thị trung tâm nhờ hệ thống giao thông gắn kết với TP.HCM. 

Bên cạnh đó, Bình Dương cần tái cấu trúc các KCN, hướng tới phát triển công nghệ cao gắn với việc tái đầu tư phát triển các khu đô thị chất lượng cao, định hướng thông minh; tập hợp và tăng mật độ các khu định cư phi chính thức, không cho phép phát triển mở rộng dàn trải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem