Bình Dương: Kinh tế tập thể tạo động lực phát triển nông thôn

P.V Thứ tư, ngày 30/09/2020 16:22 PM (GMT+7)
Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao, các chính sách hỗ trợ của Bình Dương những năm qua đã giúp các mô hình kinh tế tập thể (KTTT) ngày càng đi vào chiều sâu.
Bình luận 0

Với nòng cốt là các tổ hợp tác, hợp tác xã (THT, HTX) nông nghiệp, quy mô, vốn và các lĩnh vực KTTT ngày càng được mở rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn.

Nhân rộng mô hình

Bình Dương: Kinh tế tập thể tạo động lực phát triển nông thôn - Ảnh 1.

Ông Tống Văn Hướng, Giám đốc HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Minh Hòa Phát, huyện Dầu Tiếng bên vườn cam đặc sản Ảnh: N.V.

Dù thành lập và đi vào hoạt động mới 2 năm qua, nhưng HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long ở xã An Bình (huyện Phú Giáo) đang phát triển khá ổn định. Hiện HTX đã tổ chức sản xuất và thu mua dưa lưới cho bà con nông dân ở khắp các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, vùng Tây Nguyên và Nam Bộ. Trung bình mỗi tháng, HTX thu mua khoảng 60 tấn dưa lưới để phục vụ thị trường trong nước.

Theo xã viên Doãn Văn Bắc, HTX lo hết cho nông dân từ đầu vào tới đầu ra. Có thêm kỹ sư tư vấn kỹ thuật, xã viên hoàn toàn yên tâm sản xuất. Sau khi trừ chi phí trên 1.000 m2, xã viên có thể lời khoảng 60-70 triệu/năm.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc HTX Kim Long cho biết, HTX hiện có 14 xã viên, với tổng diện tích sản xuất trên 8ha.  HTX có nhiệm vụ hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật và chịu trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm cho xã viên.

HTX cũng hỗ trợ bà con các thủ tục để thực hiện vay vốn theo Nghị định 04 của UBND tỉnh. Tùy theo phương án sản xuất, bà con có thể vay trên dưới 1 tỷ đồng từ nguồn này. Ngoài ra, còn có nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh, có thể cho vay đến 100 triệu đồng. Nguồn thứ ba là là quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm từ ngân hàng chính sách tỉnh.

Ông Cường cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp việc sản xuất manh mún nhỏ lẻ sẽ khó cạnh tranh. Thị trường lại ngày càng đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. "Do đó việc tổ chức sản xuất theo phương thức hợp tác sẽ giúp cho bà con nông dân ổn định về đầu ra cho sản phẩm", ông Cường nói.

Ông Trần Thành Có, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhân Đức kể, bản thân là dân thuần nông, lại từng làm việc trong mô hình HTX kiểu cũ nên ông hiểu rõ ưu điểm của mô hình HTX kiểu mới. Đầu năm 2014, ông Có quyết định tập hợp thêm một số người cùng thành lập HTX.

Hiện nay, HTX Nhân Đức đã có 11 thành viên với tổng diện tích 80ha, năng suất bình quân của vườn cây có múi trong HTX đã nâng lên 50 tấn/ha. Tổng doanh thu của HTX trung bình đạt trên 30 tỷ đồng/năm. Không chỉ vậy, hàng năm HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho từ 35-50 nhân công tại địa phương, với thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Cần thiết phải liên kết

Cũng khởi nghiệp và làm giàu từ đôi bàn tay trắng, ông Tống Văn Hướng, chủ trang trại Phương Nam (huyện Dầu Tiếng) cho biết, quá trình phát triển cá thể gặp rất nhiều nhiêu khê. Nguồn vốn đầu tư cho 1ha cây ăn trái và phát triển thành trang trại phải tốn ít nhất 500-700 triệu đồng/ha. Với số vốn đó, một nông dân riêng lẻ không thể nào đủ sức đầu tư. Nông dân cũng rất khó tiếp cận được các nguồn vay ưu đãi.

Từ cương vị Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Hòa, năm 2012, ông Hướng tách ra để phát triển mô hình kinh tế tập thể. Từ quá trình sản xuất nhỏ lẻ, ông cùng các hội viên khác liên kết lại với nhau thành câu lạc bộ, rồi lên tổ hợp tác. Đến năm 2017, HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Minh Hòa Phát ra đời, do ông Hướng điều hành.

Bình Dương: Kinh tế tập thể tạo động lực phát triển nông thôn - Ảnh 2.

Thu hoạch dưa lưới tại trang trại của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long.

"Phải thành lập HTX vì chỉ HTX mới có tư cách pháp nhân để làm việc với các doanh nghiệp, siêu thị… để đảm bảo tiếng nói chung với sản phẩm của mình từ sản xuất đến tiêu thụ", ông Hướng phân tích.

Tính đến nay, diện tích trồng cây ăn trái các loại của HTX là 150ha. Trong đó có  50ha bưởi da xanh, 20ha cam sành, 50ha quýt đường, 10ha bơ, 5ha chanh không hạt, còn lại là sầu riêng.

Với sản lượng 2.000 tấn sản phẩm các loại, lợi nhuận của HTX hiện nay khoảng 20 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí. HTX đang duy trì 12 xã viên, cùng 50 lao động thường xuyên với mức lương 6 triệu/tháng.

Theo ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh Bình Dương, thời gian qua các HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động khắc phục khó khăn, lựa chọn hướng đi phù hợp để sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhiều HTX đã mạnh dạn phát triển thêm các  dịch vụ, tổ chức liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát triển mới 5 HTX nông nghiệp. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 57 HTX với khoảng 850 thành viên, vốn điều lệ gần 180 tỷ đồng. Các HTX nông nghiệp trên bàn đã thực hiện xong việc đăng ký chuyển đổi theo Luật HTX 2012. Ngoài ra, toàn tỉnh có 110 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với gần 1.100 thành viên.

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, hoạt động KTTT đã thật sự có tác dụng thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo ra mối liên kết, hợp tác giữa các hộ thành viên trong HTX và giữa thành viên với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa khác. Việc quan tâm phát triển loại hình KTTT là biện pháp hữu hiệu để phát huy nguồn lao động dồi dào của khu vực nông thôn, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Từ đó góp phần thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM ở các địa phương.

Các cấp ủy Đảng sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo KTTT các cấp. Các sở, ngành cũng sẽ phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các HTX thành lập mới; đồng thời nhân rộng các mô hình KTTT hoạt động hiệu quả.

Ngày 8/9/2020, UBND tỉnh Bình Dương đã đặt ra một số mục tiêu trọng tâm phát triển KTTT cần đạt đến năm 2025. Đó là: Phát triển bền vững kinh tế hợp tác, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển. Xây dựng các mô hình HTX liên doanh, liên kết, sản xuất kinh doanh đa ngành nghề… Đồng thời, tỉnh cũng đặt ra một số chỉ tiêu phấn đấu trong 5 năm như sau:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khu vực HTX 10 - 15% năm trở lên, có đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh. Thu nhập bình quân trong khu vực HTX tăng từ 15 - 20%; 100% số HTX thành lập mới được tư vấn hỗ trợ thành lập, đăng ký (kinh doanh) và được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển; 100% số HTX được hỗ trợ tư vấn pháp luật, các chính sách về tài chính, tín dụng, thuế, đất đai.

(Kế hoạch số 4389/KH-UBND)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem