Bình Phước: Niềm tin và trái đắng-nông dân sa lầy với cây sachi

Thứ sáu, ngày 18/12/2020 06:45 AM (GMT+7)
Trước việc một số mặt hàng nông sản như điều, hồ tiêu luôn trong tình trạng mất mùa, rớt giá, nhiều nông dân đã bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước, chạy theo “cơn sốt” của thị trường, đua nhau trồng những giống trái lạ, trong đó có cây sachi, cây sâm đất. ...
Bình luận 0

Thế nhưng khi “cơn sốt” đi qua, không ít người phải ôm “trái đắng” vì những loại trái này bế tắc đầu ra hoặc giảm giá mạnh.

“Gia đình tôi trồng được 8 tháng thì chặt bỏ sachi để chuyển qua trồng cây thiên lý. Tiếc lắm chứ, vừa mất công vừa mất của, tôi chưa thấy loại cây nào phát triển nhanh, trái lại nhiều như vậy. Có người mua thì gia đình tôi đã có nguồn thu ổn định, không mất thêm tiền để chuyển đổi qua trồng thiên lý” - chị Hoàng Thị Tuyến ở thôn 5, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (Bình Phước) nói trong nuối tiếc.

Bán không ai mua

Khác với vẻ mặt hồ hởi vào thời điểm xuống giống cây sachi cách đây hơn 1 năm, một ngày cuối tháng 11, trong cái nắng biên giới gay gắt, chúng tôi có mặt tại vườn sachi của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn 4, xã Thiện Hưng. 

Vườn cây sachi giờ còn vẻn vẹn khoảng 3 sào, do lâu ngày không được chăm sóc nên cỏ mọc um tùm. Một số cây sachi chết khô vì thiếu nước. Dưới mặt đất, do bỏ bê không thu hoạch, hạt và trái sachi rụng đen gốc.

Bình Phước: Niềm tin và trái đắng-nông dân sa lầy với cây sachi - Ảnh 1.

Vườn sachi của gia đình ông Phương Công Ký, ấp Thanh Sơn, xã Thanh Phú (TX Bình Long, tỉnh Bình Phước) chín khô nhưng không tìm được đầu ra cho sản phẩm...

Anh Hùng buồn bã cho biết, gia đình trồng 8 tháng thì cây cho trái, sau khi thu được 2 tạ trái, công ty có đến thu mua 1 lần nhưng chưa trả tiền. Họ bảo lần sau đến thu mua sẽ thanh toán 1 lần. Đến nay đã hơn nửa năm trôi qua vẫn chưa thấy công ty quay trở lại. Tôi đã gọi điện thoại nhiều lần nhưng phía công ty không nghe máy. 

“Trái sachi khô rụng đầy gốc nhưng giờ không thu nữa vì không biết bán cho ai, cho không ai lấy. Gia đình tôi đã phá một nửa để trồng cây thiên lý. Hiện tôi vẫn để lại 3 sào sachi với hy vọng sẽ có ngày công ty quay trở lại thu mua như đã hứa” - anh Hùng nói trong hy vọng.

Cùng cảnh ngộ với anh Hùng, nhưng gia đình chị Hoàng Thị Tuyến ở thôn 5, xã Thiện Hưng đã hết kiên nhẫn để đợi công ty đến thu mua sachi.

Chị Tuyến cho biết: Lúc mới trồng cây sachi, công ty còn cử người tới hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tỉa cành, cách phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cây. Tuy nhiên, khi cây sachi bắt đầu cho trái thì không thấy người của công ty tới thăm vườn nữa. Thấy không khả quan nên gia đình tôi đã quyết định chặt bỏ để chuyển qua trồng hoa thiên lý.

 Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, quyền Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cho biết, diện tích trồng cây sachi trên địa bàn huyện khoảng hơn 20 ha, trồng tập trung tại 2 xã Tân Thành và Thiện Hưng. 

Tuy nhiên, trước khi trồng, ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo người dân bởi sachi là giống cây mới, đầu ra không ổn định. Tuy nhiên, nông dân phát triển theo hướng tự phát, không thông qua chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng, mà trực tiếp ký hợp đồng với công ty cung cấp cây sachi giống. 

Đến khi thu hoạch, công ty không thu mua hạt sachi khiến nhiều hộ dân gặp khó khăn. Đến nay, phần lớn các hộ đã phá bỏ vườn cây sachi để chuyển qua giống cây trồng khác.

Không chỉ nông dân huyện Bù Đốp, thời gian qua tại một số địa bàn khác trong tỉnh Bình Phước, một số hộ dân chuyển đổi qua trồng cây sachi. 

Tại thị xã Bình Long, do giá mủ cao su xuống thấp, tháng 4-2019, gia đình ông Phương Công Ký ở ấp Thanh Sơn, xã Thanh Phú đã chuyển đổi 7 sào cao su đang cho thu hoạch sang trồng cây sachi. 

Tuy nhiên, đến khi cây sachi cho thu hoạch thì ông Ký lại không tìm được đầu ra cho hạt sachi. Đến thời điểm này, hạt sachi đã chất đầy nhà, gia đình ông cũng chỉ biết tự sơ chế và bán lẻ cho vài người quen.

“Xem tivi thấy mô hình trồng cây sachi cho hiệu quả kinh tế cao, tôi đã cất công lên tận khu vực Tây nguyên để mua cây giống. Trong quá trình trồng thấy cây sachi phát triển tốt, trái nhiều nên vợ chồng tôi rất vui nhưng đến khi thu hoạch thì bán hạt sachi không ai mua. Gia đình đầu tư vào vườn sachi hết hơn 90 triệu đồng nhưng hiện mới thu về 20 triệu đồng” - ông Ký buồn bã nói.

“Cầu nối” nhưng không có mố

Để làm rõ sự việc, chúng tôi đã tìm đến Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Thành Phát có văn phòng làm việc tại xã Bom Bo, huyện Bù Đăng (Bình Phước). 

Đây là đơn vị liên kết cung cấp cây sachi giống và bao tiêu sản phẩm hạt sachi. Điều bất ngờ, dù đã thành lập và hoạt động hơn 10 năm nay nhưng văn phòng làm việc của hợp tác xã này chỉ chưa đầy 25m2, bên trong không bàn ghế, không một vật dụng làm việc. Bảng tên hợp tác xã đã bị rách tả tơi.

Bình Phước: Niềm tin và trái đắng-nông dân sa lầy với cây sachi - Ảnh 2.

Hạt sachi chất đầy nhà nhưng gia đình ông Phương Công Ký, ấp Thanh Sơn, xã Thanh Phú (TX Bình Long, tỉnh Bình Phước) chỉ biết tự sơ chế và bán lẻ cho vài người quen

Ông Nguyễn Minh Trang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành hợp tác xã cho biết: Tháng 3-2019, hợp tác xã và Công ty TNHH TMNN Tân Gia Phát có trụ sở tại huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk ký hợp đồng hợp tác phát triển vùng nguyên liệu cây sachi và bao tiêu sản phẩm hạt sachi. 

Một trong những nội dung hợp đồng có ghi rõ, Công ty TNHH TMNN Tân Gia Phát sẽ cung cấp sachi cây giống, kỹ thuật chăm sóc cây sachi. Đồng thời cam kết sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm trong vòng 15 năm và thu mua bất cứ thời điểm nào trong năm, với giá thu mua theo thị trường nhưng không thấp hơn 35.000 đồng/kg hạt đen và 17,5 ngàn đồng/kg trái khô.

Trong khi đó, phía hợp tác xã có trách nhiệm phát triển vùng nguyên liệu cây sachi tại tỉnh Bình Phước với diện tích dự kiến 500 ha, tương đương 1 triệu cây sachi giống.

“Tôi đã liên hệ nhưng công ty không nghe máy. Tôi sẽ tiếp tục liên hệ để người dân làm việc với công ty. Bản thân chỉ là cầu nối, nếu thành công sẽ được công ty chi trả 10% hoa hồng, trong đó hợp tác xã sẽ nhận 8%, bản thân nhận 2%. Tôi không có trách nhiệm gì ở đây cả” - ông Nguyễn Minh Trang khẳng định.

Ngay sau khi ký hợp đồng với công ty, hợp tác xã đã soạn một bản hợp đồng bao tiêu nông sản hàng hóa “không giống ai”, bởi nội dung hợp đồng không có tên tuổi, không có chữ ký của hai bên. Đồng thời, liên kết với một số cá nhân, hợp tác xã khác trên địa bàn tỉnh Bình Phướcđể cung cấp cây sachi giống, phân bón cho người dân.

Theo ông Nguyễn Minh Trang, hợp tác xã đã làm “cầu nối” để công ty cung cấp 900 cây sachi giống cho một số thành viên và 17.000 cây sachi giống cho một số người dân trên địa bàn huyện Bù Đốp. 

Khi được hỏi về tình hình phát triển của cây sachi, ông Trang cho rằng do người dân trồng không đúng kỹ thuật, cây sachi thiếu nước nên chết gần hết. 

Đối với những hộ dân thu hoạch trái sachi, hạt sachi bán không ai mua, ông Trang đổ lỗi do nguồn nguyên liệu quá ít, chất lượng hạt không đạt yêu cầu nên công ty không thu mua. Còn trường hợp công ty đã thu mua 1.665kg hạt sachi của người dân nhưng không trả tiền là do người dân còn nợ tiền mua cây sachi giống, phân bón của công ty.

Để không còn cảnh khốn đốn khi “thấy người ăn khoai vác mai đi đào”, mỗi nông dân cần suy xét kỹ khi quyết định trồng một loại cây mới, không chạy theo cái lợi trước mắt, cần có những tính toán lâu dài. 

Ngành nông nghiệp cần quyết liệt hơn nữa trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, định hướng rõ ràng việc trồng loại cây mới ở địa phương, có đầu ra ổn định và hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Có như vậy, người nông dân mới hy vọng thoát khỏi điệp khúc trồng - chặt, chặt - trồng.

Xuân Túc (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem