Bình Thuận: Ai dè vật dụng có cái tên "bẫy cây trồng" lại đem đi dụ bắt được la liệt chuột đồng

Thứ hai, ngày 28/06/2021 05:51 AM (GMT+7)
“Alo, anh Chiến hả! sáng nay bẫy được mấy con vậy? Chờ chúng em lên rồi đi thăm đồng luôn nhé!”- Ngồi trên xe, giọng của Trãi - một kỹ sư nông nghiệp sang sảng, khiến tôi hết sức tò mò…
Bình luận 0

“Kẻ”… phá hại mùa màng

Thú thật, tôi sinh ra trong gia đình nhà nông, lớn lên, đi làm cũng gắn bó với ruộng đồng, nên không xa lạ gì với chuột. 

Cách đây hơn hai mươi năm, ở quê tôi, mỗi mùa mưa lũ đến, nước trắng đồng, địa phương lại phát động người dân ra đồng bắt chuột, nộp đuôi cho hợp tác xã để đổi lấy tiền. Dù số tiền thu về ít ỏi, nhưng được coi là cách khuyến khích người dân diệt chuột để bảo vệ mùa màng.

Ở Bình Thuận, vụ lúa hè thu 2021 đến nay đã xuống giống kín đồng, phủ màu xanh mơn mởn. Riêng ở huyện Tánh Linh, có khoảng 7.500 ha lúa đã được xuống giống, chỉ còn vài ngày nữa là hoàn thành. 

Nếu mọi việc thuận lợi, bà con đang mong chờ một vụ mùa bội thu. Nhưng điều khiến nông dân lo lắng nhất, đây là thời điểm các đối tượng sâu bệnh, dịch hại phá lúa non. Trong đó, chuột là đối tượng nguy hiểm, kéo dài nhiều năm qua.

“Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn huyện Tánh Linh đã có gần 1.000 ha lúa bị thiệt hại do chuột cắn phá. Riêng trong tháng 6, toàn huyện có trên 427 ha giai đoạn mạ - đẻ nhánh bị chuột gây hại, tăng đột biến so cùng kỳ năm trước”- ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Tánh Linh cho hay.

Đứng trước thực tế đó, lâu nay nông dân và các cơ quan chuyên môn đã sử dụng nhiều biện pháp để phòng trừ chuột, nhưng hiệu quả chưa cao.

Đáng lo hơn nữa, khi những năm gần đây, chuột đồng ở Tánh Linh sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều. Trước đây, bà con chủ yếu rải thuốc chuột bằng chất hóa học.

Bình Thuận: Ai dè vật dụng có cái tên "bẫy cây trồng" lại đem đi dụ bắt được la liệt chuột đồng - Ảnh 2.

Ông Ngọc giới thiệu về “bẫy cây trồng”.

Nhưng nay mỗi gói thuốc chuột giá đắt đỏ, từ 20.000 - 25.000 đồng/gói, cách vài ngày lại phải rải thuốc một lần, vừa tốn kém, lại nguy hiểm cho môi trường, con người và động vật, nên nông dân đã hạn chế sử dụng.

Giọng kỹ sư Trãi lại vang lên: “Chuột có đặc điểm sống theo bầy đàn, đào hang ở các bờ mương lớn, nhỏ, nhất là nơi có cây bụi. Chúng thường hoạt động vào ban đêm, đi lại làm thành các lối mòn, gây hại tập trung. Hơn hết, chuột có tính đa nghi, ma mãnh và tinh khôn nên không dễ dính bẫy…”. 

Tôi còn nghe giới thiệu về cách bắt chuột tự nhiên, ít tốn kém, lại không ảnh hưởng tới môi trường. 

Đến lúc này, tôi càng muốn tìm hiểu cách bẫy chuột mới ở Tánh Linh, do kỹ sư Trãi và một số đồng nghiệp, cùng làm việc ở Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận thực hiện. Trãi giới thiệu, đó là “bẫy cây trồng”…

Hiệu quả, an toàn

Giữa tháng 6, trời nắng như đổ lửa, nhưng trên cánh đồng thôn 8, xã Gia An, tôi vẫn thấy nhiều nông dân xuống đồng thăm ruộng. 

Chuyến đi của chúng tôi còn mời được một “bậc thầy” với kinh nghiệm bẫy chuột, là ông Nguyễn Hoàng Ngọc (67 tuổi) - nguyên Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bắc Bình. Dù đã có tuổi, nhưng với niềm đam mê nghề nghiệp, ông vẫn tình nguyện lên Tánh Linh để hướng dẫn kỹ thuật tại ruộng cho nông dân. 

Ông Ngọc là người có kinh nghiệm thực tiễn về bẫy cây trồng, vì đã được tập huấn từ một dự án nông nghiệp nhiều năm trước. Dịp này, mô hình lần đầu tiên thực hiện tại Bình Thuận, nên sự có mặt của ông Ngọc được coi là sự trợ giúp rất lớn với đội ngũ cán bộ kỹ thuật như Trãi.

 Cánh đồng lúa hơn 30 ngày tuổi hiện lên trước mắt chúng tôi với một màu xanh mơn mởn. Anh Nguyễn Đình Chiến là hộ thực hiện mô hình bẫy cây trồng với 1.000 m2 đầu tiên tại xã Gia An, đang đứng chờ chúng tôi dưới bờ ruộng. Xung quanh bờ được bao ni lon, có khoảng 10 cái bẫy được thiết kế bằng lưới, đặt cách đều nhau.

 “Hôm nay được 12 con!”. Giọng anh Chiến vọng lên bờ. Trãi nhìn mấy con chuột lông vàng ánh trong bẫy, liền nói:  “Chuột đồng này có thể chế biến món ăn cực đỉnh…”. 

Tôi cũng hăng hái, liền lội ngay xuống bờ ruộng lấp xấp nước để tham gia. Chạm chân trên vũng bùn nhão nhoét, bất giác, ký ức trong tôi về một thời ra đồng bắt chuột lại ùa về...

Đang lom khom gỡ từng con chuột trong bẫy ra, anh Chiến chia sẻ: Cách đây chừng hơn một tháng, khi vụ lúa hè thu chuẩn bị xuống giống, gia đình bắt đầu thực hiện mô hình bẫy cây trồng, nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Hàng ngày, tôi đều xuống ruộng kiểm tra bẫy. 

Có ngày thu được 10 con chuột, có ngày lên đến 29 con, nhưng đôi lúc chỉ có một vài con. Anh Chiến nhẩm tính, từ khi làm bẫy cây trồng đến nay, đã thu hút được trên 100 con chuột vào lồng, nên ruộng lúa hầu như không bị chuột cắn phá.

Bình Thuận: Ai dè vật dụng có cái tên "bẫy cây trồng" lại đem đi dụ bắt được la liệt chuột đồng - Ảnh 5.

"Bẫy cây trồng" đã bắt được chuột

Đứng cạnh bên, ông Ngọc có vẻ như chưa thực sự hài lòng với kết quả ấy. Cựu cán bộ nông nghiệp này cho rằng, để mô hình thu hút được nhiều chuột vào bẫy, ruộng lúa cần gieo trước các khu ruộng xung quanh ít nhất 20 ngày để dẫn dụ. 

Đằng này, vì lý do khách quan, mô hình chỉ gieo trước 10 ngày nên chuột phân tán nhiều nơi, phần nào giảm hiệu quả. Với 1.000 m2 đặt bẫy, sẽ bảo vệ cho khoảng 20 - 25 ha lúa xung quanh.

Do không rành về kỹ thuật, nên tôi theo hỏi mấy anh em kỹ sư nông nghiệp về loại “bẫy cây trồng” đang cầm trên tay. Nghe giới thiệu khá hấp dẫn, tôi như đứa học trò chăm chú nghe cô thầy giảng bài. 

“À, ra vậy!” - Tôi thốt lên! Hóa ra, bẫy cây trồng là hệ thống bẫy rào cản, bao quanh một khu ruộng trồng sớm hơn đại trà để thu hút chuột đến và mắc bẫy. Vào đầu vụ, khi lúa đại trà chưa sạ thì ruộng lúa trồng sớm là nơi duy nhất có nhiều thức ăn để tập trung chuột đến. 

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định ở mỗi giai đoạn phát dục, chuột thích các loại thức ăn khác nhau. Thường chuột lứa sẽ thích các loại thức ăn xanh; chuột bắt đầu trưởng thành và chuẩn bị sinh sản thích đòng lúa và chuột có thai thích thức ăn có nhiều tinh bột. 

Do đó, ruộng lúa đặt bẫy cây trồng có tác dụng thu hút nhiều chuột trưởng thành đến mắc bẫy trước khi chúng kịp sinh sản. Vì vậy, có tác dụng rất lớn kìm hãm sự bùng nổ dịch chuột do hạn chế số lượng sinh sản.

Điều làm tôi ngạc nhiên, là tất cả 10 cái bẫy lồng này đều do ông Ngọc tự tay đi đặt thợ làm theo yêu cầu, với giá khoảng 120.000 đồng/cái. 

Ông Ngọc chia sẻ: Lồng hom nên làm bằng loại kẽm có bao chì để hạn chế rỉ, sét. Một lồng hom làm bằng loại kẽm này có thể dùng cho 1 năm. Chú ý không nên làm bờ bằng phẳng, trống trải quá, cũng như không nên sửa sang thường xuyên có thể làm chuột sợ…

Chỉnh sửa lại bẫy lồng xong xuôi, tôi lội lên bờ để di chuyển sang cánh đồng khác. Riêng ông Ngọc và mấy kỹ sư nông nghiệp vẫn còn nán lại, hướng dẫn thêm cho bà con về kỹ thuật đặt bẫy. 

Ông Ngọc đúc kết, phòng trừ chuột bằng bẫy cây trồng hiệu quả phòng trừ chuột cao, kinh tế và không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên biện pháp này phải tuân thủ nghiêm ngặt một số quy định có tính chất cộng đồng, vì thế cần phải tuyên truyền, vận động để tập thể nông dân cùng thống nhất thực hiện…

Chuột là loài động vật gặm nhấm, có hệ thần kinh, khứu giác và vị giác rất phát triển. Chuột có vòng đời từ 370 – 420 ngày. Chuột cái đẻ từ 3 – 4 lứa/năm. Trung bình mỗi lứa từ 6 – 10 con. 1 cặp chuột đực và cái 1 năm sinh sản ra tổng đàn 2.048 con. Chuột cái đẻ quanh năm, nhưng tập trung nhất là từ tháng 3 – 10, còn các tháng 11 – 2 năm sau thì tỷ lệ chuột cái sinh sản thấp.

Kiều Hằng (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem