Bình Thuận: Các vườn trồng thanh long vắng lặng bất thường, thương lái tiết lộ lý do này

Thứ năm, ngày 21/01/2021 19:15 PM (GMT+7)
Chỉ còn hơn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thế nhưng giá thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vẫn đang ở mức thấp hơn nhiều so với các vụ cận tết những năm về trước. Thực trạng này đang khiến người trồng thanh long trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Chỉ còn hơn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thế nhưng giá thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vẫn đang ở mức thấp hơn nhiều so với các vụ cận tết những năm về trước. Thực trạng này đang khiến người trồng thanh long trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Bình Thuận: Các vườn trồng thanh long vắng lặng bất thường, thương lái tiết lộ lý do bất ngờ - Ảnh 1.

Người trồng thanh long tỉnh Bình Thuận gặp khó khăn với vụ cận tết. Ảnh: Ngọc Lân.

Hiện toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 30.000 ha thanh long. Hằng năm, ngoài vụ chính ra trái tự nhiên vào mùa mưa, thì người trồng còn thực hiện phương pháp chong đèn để thanh long ra trái nghịch vụ nhằm bán với giá cao. 

Lứa trái vào dịp cận tết được người dân trông đợi nhất trong năm, bởi nếu giá cao người dân sẽ có một cái tết sung túc. Song, thực tế hiện nay, mức giá chỉ dao động từ 5.000 - 8.000 đồng/kg đối với thanh long ruột trắng và từ 12.000 - 14.000 đồng/ kg đối với thanh long ruột đỏ, người nông dân đang đối mặt với thua lỗ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Bảy (thôn 5, xã Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) có hơn 1.000 trụ thanh long ruột trắng. Hơn 2 tháng trước, khoảng 300 trụ được ông xử lý cho ra trái phục vụ thị trường Tết Tân Sửu, hiện đang ở giai đoạn vuốt tai, chỉ còn vài ngày nữa là trái sẽ chín đều.

Dự kiến, vụ tết này ông sẽ cung cấp ra thị trường từ 2,5-3 tấn thanh long. Thế nhưng cũng như nhiều hộ nông dân khác, ông Bảy đang rất lo lắng. 

Bởi theo ông, thường thì thời điểm này vào những năm trước thương lái đã đổ xô đến các vườn xem trái, đặt cọc tiền để thu mua trái phục vụ cho thị trường tết. 

Vậy mà giờ đây, việc mua bán diễn ra rất trầm lắng, hoặc có thu mua thì giá cũng rất thấp. “Năm trước, cũng với số lượng thanh long này, vào thời điểm này tôi bán được giá 15.000 đồng/kg. Giờ nghe đâu còn 5.000 - 7.000 đồng/kg”, ông Bảy chia sẻ.

Theo người trồng thanh long, việc chăm sóc, xử lý thanh long ra trái vụ không hề đơn giản. Vì là nghịch vụ nên dễ bị sâu bệnh tấn công, do đó công chăm sóc, thuốc men cũng nhiều hơn so với chính vụ. Mặt khác, số tiền điện phải trả để xử lý thanh long ra trái vụ cũng rất cao. 

Theo đó, với giá thanh long thấp như hiện tại, người nông dân đối mặt với tình trạng thua lỗ. “Chi phí trồng thanh long lớn, giá cả liên tục giảm. Vụ cận tết này gia đình tôi lỗ khoảng 10 triệu đồng tiền điện, chưa tính tiền công”, chị Nguyễn Thị Bình, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) cho hay.

Liên hệ với các thương lái thu mua thanh long được biết: Thời điểm này hầu hết vựa lớn chỉ mua đủ hàng đóng thùng đi Trung Quốc, chứ không mua liên tục như mọi năm. 

Bên cạnh đó do ảnh hưởng của dịch bệnh, sức tiêu thụ thanh long chậm nên thương lái không dám đặt cọc thu mua với nông dân cho đến khi nguồn hàng tồn kho được giải quyết. 

“Giá thanh long phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, bên đó cho giá bao nhiêu thì mình mua bấy nhiêu”, chị Trần Nam Anh, thương lái thu mua tại Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) cho biết thêm.

Việc trái thanh long mất giá không phải là hiếm gặp trong những năm qua. Tuy nhiên năm nay tại tỉnh Bình Thuận, liên tục những vụ chong đèn sản lượng không nhiều nhưng mức giá vẫn thấp, kéo dài, khiến người nông dân phải lao đao.


Ngọc Diệp (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem