Bình Thuận: Trồng rừng mít không hạt, cây nào cũng đầy trái, thời dịch Covid-19 sao bán vẫn đắt hàng?

Thứ tư, ngày 12/08/2020 07:01 AM (GMT+7)
Tưởng rằng mùa này hàng chục tấn mít không hạt “đóng băng” do đại dịch Covid-19 lây lan khắp cả nước. Nào ngờ, tháng 3, tháng 4 khi toàn xã hội thực hiện cách ly chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp lây nhiễm thì ông chủ vườn mít Lâm Phúc ở xã Bình An, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận lại “ship” hàng không kịp.
Bình luận 0

Có ngày vợ chồng ông Nguyễn Lâm Phúc, xã Bình An, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đóng gói cả 150 kg mít không hạt gửi ra tận Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Đà Nẵng rồi vào TP. Hồ chí Minh, Long An…Xe của Viettel post lên tận đồi mít không hạt nhận hàng liên tục. 

Một ngày đầu tháng 6/2020, tôi và ông chủ vườn mít không hạt ngồi trò chuyện ở vị trí lưng chừng rừng mít hướng mắt về hồ Cà Giây cơn mưa nguồn đang nặng hạt.

Bình Thuận: Trồng rừng mít không hạt, cây nào cũng đầy trái, thời dịch Covid-19 sao bán vẫn đắt hàng? - Ảnh 1.

Rừng mít không hạt hơn 700 cây của gia đình ông Nguyễn Lâm Phúc, xã Bình An, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

 Trong lòng ông chủ rừng mít Lâm Phúc cảm thấy nhẹ nhõm, bởi lẽ hơn 28 tấn mít không hạt “ship” đi khắp mọi miền từ Nam chí Bắc trong mùa dịch Covid-19 như một “thắng lợi” bất ngờ đã phấn khích và động viên ông vượt qua những thách thức trước mắt để xây dựng mô hình kinh tế hộ khác biệt tại vùng quê còn nhiều khó khăn.

Trồng mít không hạt-nghề tay trái

Ông Nguyễn Lâm Phúc sinh ra và lớn lên rồi lập gia đình tại vùng quê nghèo thôn An Trung, xã Bình An (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận). Cả vợ và chồng đều là giáo viên tiểu học. Gần 20 năm làm thầy giáo, ông như con thuyền chở biết bao nhiêu trò “qua sông”; dạy cho trò bao điều hay lẽ phải; dạy về tình yêu quê hương, đất nước; dạy cho trò cách làm người… 

Song, thầy giáo làng ấy lại luôn băn khoăn một điều là bản thân và gia đình chưa làm được điều gì có ích cho quê hương. Ý nguyện góp sức làm giàu luôn âm ỉ trong tâm trí của vợ chồng Lâm Phúc. Thế rồi, vào một buổi chiều đẹp trời ông đi dọc con kênh nhỏ lấy nước từ hồ Cà Giây về tưới cho cánh đồng Càng Răng. 

Con kênh dẫn nước trong vắt uốn lượn quanh chân núi Tà Mô (người dân gọi là núi Đất), ông Lâm Phúc nghĩ ngay đến việc biến núi Đất thành khu rừng trồng cây ăn trái. Với ý tưởng ấy ông bàn với vợ mua 4 ha đất của dân khai hoang khu vực núi Đất để trồng mít không hạt với giá lúc bấy giờ hơn 200 triệu đồng. 

Đó là vào giữa năm 2015. Thấy vợ chồng ông mua đất đồi trọc, cằn cỗi, đầy sỏi đá nhiều người bàn ra, tán vào, có đồng nghiệp chê bai nói rằng: “Phúc chỉ là thầy giáo làng biết gì về nghề nông”. Song, mọi lời bàn chỉ để tham khảo, ông quyết định làm sạch trước 2 ha đất để trồng cây ăn trái. 

Cuối năm 2015 ông vào Ba Lá (Cần Thơ) mua 700 cây mít không hạt (mỗi cây giá 37.000 đồng) về trong thử. Năm sau, ông tiếp tục trồng thêm 100 cây xoài  cát. Đồng thời, đầu tư hơn 60 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây mít, cây xoài. 

Sau gần 3 năm chăm sóc đúng kỹ thuật, những trái mít không hạt và xoài cát mùa đầu tiên đã cho thu hoạch (gần 4 tấn mít không hạt). Sau đó, nhiều người dân trong và ngoài xã Bình An đến tham quan và mời ông hướng dẫn kỹ thuật trồng mít không hạt.

Tìm thị trường cho trái mít không hạt

Vụ mít không hạt đầu tiên ông Lâm Phúc thu hoạch trên diện tích 2 ha tại núi Đất được hơn 4 tấn trái. Để quảng bá loại mít này đến người tiêu dùng, ông Phúc đã nghĩ đến nhiều cách tiếp thị. Ông dùng xe tải nhỏ chở hàng chục trái mít vào TP. Hồ Chí Minh, Phan Thiết, La Gi  để chào hàng. 

Ông Phúc tâm sự: Hôm ấy là chiều thứ 6, tôi đưa một xe tải nhỏ chở mít đến quán “Hồ Tôm” trên đường Hùng Vương, TP. Phan Thiết rồi nhờ nhân viên của quán mời khách dùng thử mít không hạt. Sau đó về chợ Phan Thiết tiếp thị sản phẩm. 

"Thật tình mà nói, dân nhậu không thích lắm, nhưng nhiều chị em ăn thử thì khen đáo để, ghi số điện thoại để “ship” hàng. Tuần sau, tôi đến Siêu thị Co.opmart, Lotte Mart đặt vấn đề bán thử mít không hạt. Họ thấy đây là mặt hàng mới, hấp dẫn có thể khách hàng ưa thích… nhưng có một điều kiện là hàng vào siêu thị phải đăng ký thương hiệu, đăng ký Vietgap, Globalgap… vậy là đành chịu...", ông Phúc nhớ lại.

Con đường tiếp thị thứ ba là quảng bá trên mạng xã hội, báo chí và điện thoại trực tiếp cho khách hàng đầu mối. Đây là cách tiếp cận khách hàng khá dễ dàng và tiêu thụ sản phẩm mít với số lượng lớn, mùa đầu tiên ông Nguyễn Lâm Phúc bán 4 tấn hàng; mùa thứ 2 bán tăng gấp 5 lần...

Và mùa này (2020), mặc dù thời gian mít chín rộ cũng là thời điểm Chính phủ yêu cầu cách ly toàn xã hội để chống dịch Covid-19, nhưng ông đã bán hơn 28 tấn mít (bình quân mỗi cây thu 4 - 5 trái, khoảng 40 kg, mỗi kg mít không hạt giá 50.000 đồng) và 2 tấn xoài chủ yếu bằng “ship” hàng đến nhiều khách hàng đầu mối trong cả nước. Tháng 6, ông vẫn còn nhiều đơn hàng, chờ mít chín…

Bình Thuận: Trồng rừng mít không hạt, cây nào cũng đầy trái, thời dịch Covid-19 sao bán vẫn đắt hàng? - Ảnh 2.

Ông Lâm Phúc hái mít “ship” hàng ra Hà Nội.

Tuy nhiên, sản phẩm mít không hạt là loại trái cây sạch, rất khó bảo quản, vì vỏ mỏng, dễ hư hỏng khi vận chuyển hoặc thời tiết quá nóng hay quá lạnh, mít bị ướt  cũng dễ bị thối, nên đóng hàng và tính toán thời gian vận chuyển rất quan trọng. 


Khi mít không hạt “ship” đến tay người nhận bị hư hỏng, ông Nguyễn Lâm Phúc phải chuyển lại hàng mới (hàng cũ để họ dùng thử không trả lại). Rút kinh nghiệm, mùa mít này ông không hái trước mà khi có đơn hàng mới hái mít xuống đóng thùng. Vì thế, khi mít đến tay khách hàng thì cũng vừa chín, nên giảm hẳn tỷ lệ mít hư hỏng.


Gian nan đăng ký thương hiệu


Điều ông chủ rừng mít không hạt và xoài cát tâm tư, lo âu nhất là thủ tục đăng ký thương hiệu. Nói thì dễ, nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới thấy khó vô cùng, bởi lẽ cấp dưới nói xong, nhưng cấp trên chưa chịu hoặc thông báo của cấp có thẩm quyền là đã làm đầy đủ thủ tục, nhưng còn phải chờ…


Ông Lâm Văn Phúc chia sẻ: “Tháng 7/2019, tôi đăng ký thương hiệu “Mít không hạt Phúc Lâm”. Theo thủ tục quy định, tôi đã làm đầy đủ và mong sao có được thương hiệu rõ ràng để sản phẩm mít không hạt vào bán tại các siêu thị. Sở Khoa học Công nghệ đã chấp nhận thủ tục, các giấy tờ, nhưng chuyển ra Hà Nội cả năm nay vẫn chưa có kết quả, cứ chờ, chờ hoài…".


Hiện núi Đất còn 2 ha đất trống, ông Nguyễn Lâm Phúc tiếp tục trồng cây công nhiệp, trồng keo lá tràm, trồng mai, trồng mít “tứ quý”, chuối để đa dạng hóa sản phẩm tại khu rừng này. Đối với mít không hạt ông sẽ trực tiếp tư vấn về kỹ thuật nếu ai có ý định phát triển loại cây trồng này. 


Theo ông Phúc, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản mít không hạt phức tạp hơn mít “tứ quý” rất nhiều. Ngoài ra, ông cũng đã mở rộng loại hình kinh doanh như bán các loại giống cây ăn trái (đã bán 1.500 cây giống).


Cơn mưa nguồn hướng Cà Giây đang dịch dần về vùng đất Bình An làm cho rừng mít, xoài của ông Phúc nhiều tháng nay “ăn” nước tiết kiệm, có lúc thiếu nước tưới, bây giờ cơn mưa nặng hạt đầu mùa đã tạo thêm sức sống mới, hứa hẹn một mùa mít bội thu tiếp theo.

Lê Thanh (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem