Bộ Công an ủy thác cho Công an tỉnh Bình Phước xác minh vụ mua sắm vật tư y tế, kít xét nghiệm Covid-19

Hoàng Hưng Chủ nhật, ngày 08/05/2022 10:37 AM (GMT+7)
Ngày 8/5, nguồn tin từ Thanh tra tỉnh Bình Phước cho biết, Công an tỉnh Bình Phước đang xác minh tình hình mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Bình luận 0

Thanh tra tỉnh Bình Phước đã ban hành Thông báo số 71/TB-T.Tr về kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Qua đó, thanh tra việc xây dựng danh mục, định mức mua sắm, đơn giá, kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc thẩm định, phê duyệt danh mục, định mức, thẩm định giá, lựa chọn nhà thầu của cơ quan có thẩm quyền; việc thực hiện quy trình đấu thầu, ký kết hợp đồng, thanh quyết toán về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ Công an ủy thác cho Công an tỉnh Bình Phước xác minh vụ mua sắm vật tư y tế, kít xét nghiệm Covid-19 - Ảnh 1.

Trụ sở CDC tỉnh Bình Phước. Ảnh: Hoàng Hưng

Thanh tra tỉnh Bình Phước cho hay, hiện nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước đang xác minh tình hình mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm trên địa bàn tỉnh Bình Phước, theo Quyết định ủy thác số 13 của Bộ Công an.

Mâu thuẫn trong thực hiện thủ tục mua sắm vật tư y tế

Tại Thông báo số 71 này, Thanh tra tỉnh Bình Phước đã kết luận: Phần lớn các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế trong thời gian cao điểm của đại dịch Covid-19, đều áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 22 - Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Các gói thầu này được xác định là mua sắm trong trường họp cấp bách, tuy nhiên công tác thực hiện thủ tục mua sắm lại không hợp lý. Cụ thể:

Khi xác định là cấp bách, thì chủ đầu tư cần phải lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện ngay gói thầu nhằm cung cấp kịp thời vật tư, thiết bị để phục vụ công tác phòng, chống dịch; sau đó mới hoàn thiện thủ tục sau.

Trong thực tế, các chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn lại làm ngược lại là hoàn thiện thủ tục xong, rồi mới ký hợp đồng với nhà thầu để họ cung cấp vật tư, thiết bị dẫn đến việc thời gian mua sắm kéo dài. Qua thống kê, thời gian kể từ thời điểm có nhu cầu cần mua sắm đến khi hoàn thiện xong thủ tục, tiến hành ký kết hợp đồng ở cấp tỉnh là từ 20-43 ngày; ở cấp huyện là từ 5-15 ngày.

Bộ Công an ủy thác cho Công an tỉnh Bình Phước xác minh vụ mua sắm vật tư y tế, kít xét nghiệm Covid-19 - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc CDC Bình Phước - hiện đã bị cách chức, sau khi ông này trót "nhận quà" từ Công ty Việt Á. Ảnh: H.H

Như vậy, giữa việc xác định là cấp bách nhằm mục đích thực hiện gói thầu theo hình thức chỉ định thầu với việc tổ chức thực hiện hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Nếu là cấp bách thì phải mời ngay (chỉ trong khoảng 1-3 ngày) nhà thầu vào thực hiện gói thầu sau đó mới hoàn thiện thủ tục thì thực tế là ngược lại.

Điều này cho thấy, ở một trường hợp, việc xác định gói thầu thuộc trường hợp cấp bách là không phù hợp, mà điển hình là gói thầu "Mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona" do Sở Y tế làm chủ đầu tư với giá trúng thầu là trên 7,8 tỷ đồng, có thời gian làm thủ tục là 41 ngày, thời gian thực hiện hợp đồng là 45 ngày (tổng thời gian từ lúc có nhu cầu đến lúc mua sắm xong là 86 ngày).

Giá tất cả các gói thầu do các đơn vị mua thấp hơn giá do UBND tỉnh và Bộ Y tế quy định và hình thức mua sắm phù hợp với các quy định của pháp luật về giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, cũng như phê duyệt của UBND cấp huyện, cấp tỉnh.

Trên cơ sở đề nghị của các đơn vị, Phòng TC-KH (cấp huyện), Sở Tài chính (cấp tỉnh) thẩm định lại và trình UBND cùng cấp phê duyệt. Đơn giá thẩm định thấp hơn đơn giá do Bộ Y tế công khai trên cổng thông tin điện tử tại cùng thời điểm và giá của UBND tỉnh quy định. Nhìn chung, về thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu được các đơn vị thực hiện theo quy định.

11 gói chỉ định thầu cón dang dở, chưa thanh toán

Theo Thanh tra tỉnh Bình Phước: Các đơn vị cấp huyện thực hiện 669 gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, với tổng số tiền hơn 104,1 tỷ đồng (trong đó ngân sách là 103,3 tỷ đồng; nguồn vận động, tài trợ là 795,3 triệu đồng).

Các đơn vị cấp tỉnh thực hiện 90 gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế với tổng số tiền 129,9 tỷ đồng (trong đó ngân sách là 121,4 tỷ đồng, nguồn vận động, tài trợ là 8,5 tỷ đồng); tại thời điểm thanh tra 2 đơn vị (Bệnh viện Đa khoa tỉnh và CDC tỉnh) còn nợ 11 gói mua sắm chưa thanh toán với số tiền 60,5 tỷ đồng.

Bộ Công an ủy thác cho Công an tỉnh Bình Phước xác minh vụ mua sắm vật tư y tế, kít xét nghiệm Covid-19 - Ảnh 5.

Vào giữa năm 2021, cao điểm của đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Phước là một trong các địa phương đã mua kít xét nghiệm từ Công ty Việt Á. Ảnh: Hoàng Hưng

Qua kiểm tra một số gói thầu, về cơ bản các gói được thực hiện phù hợp với các quy định của pháp luật về chỉ định thầu và đấu thầu cũng như phê duyệt của UBND tỉnh. Tất cả các gói thầu đều được đơn vị mua theo giá đã được UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, 2 gói thực hiện đấu thầu.

Tại thời điểm thanh tra, đa số các gói thầu thực hiện trong giai đoạn 2020- 2021 đã được thanh toán, ngoại trừ 11 gói chỉ định thầu mua sắm của CDC và Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa thanh toán (3 gói Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 8 gói CDC).

Đối với Sở Y tế: Trong kỳ, thực hiện 5 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền là 31,8 tỷ đồng đã thanh toán.

Đối với gói "Mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona": Giá gói thầu là 7,8 tỷ đồng, giá trúng thầu là 7,8 tỷ đồng. Sở Y tế thực hiện mua sắm vào tháng 2/2020 theo hình thức chỉ định thầu là phù hợp với thực tế khách quan và tinh thần của Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 1/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch Covid-19 (theo quyết định này, thời điểm xảy ra dịch Covid-19 từ ngày 23/1/2020, trên phạm vi toàn quốc).

Bộ Công an ủy thác cho Công an tỉnh Bình Phước xác minh vụ mua sắm vật tư y tế, kít xét nghiệm Covid-19 - Ảnh 7.

Trong 2 năm 2020-2021, tỉnh Bình Phước đã chi 277,8 tỷ đồng cho công tác chống dịch Covid-19. Ảnh: Hoàng Hưng

Đối với CDC: Trong thời gian Đoàn thanh tra làm việc, CDC cung cấp hồ sơ và báo cáo cho Đoàn thanh tra rất chậm so với yêu cầu; thủ tục nhập kho và xuất kho vật tư y tế đôi lúc không đảm bảo quy trình (một số lần nhận và bàn giao vật tư y tế cho đơn vị sử dụng không đúng thành phần giao, nhận); về mua sắm của Trung tâm năm 2020 đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm tra; năm 2021 thực hiện 18 gói mua sắm với số tiền 59,4 tỷ đồng (đã thanh toán 8 gói thầu, 8 gói chưa thanh toán với số tiền 41 tỷ đồng).

Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh không mua sắm vật tư, thiết bị phòng chống dịch. Năm 2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện 25 gói thầu mua sắm với số tiền là 40,4 tỷ đồng (3 gói chưa thanh toán với số tiền 19,5 tỷ đồng). Giá mua sắm vật tư, test nhanh, sinh phẩm, thiết bị y tế theo giá do UBND tỉnh và Bộ Y tế quy định.

Kinh phí thực hiện chống dịch của tỉnh Bình Phước trong 2 năm (2020-2021) là 277,8 tỷ đồng, nguồn kinh phí thực hiện chủ yếu từ nguồn dự phòng ngân sách (gồm dự phòng cấp tỉnh 128,2 tỷ đồng và cấp huyện 140,2 tỷ đồng), nguồn huy động 9,3 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem