Bộ Công Thương hai lần “phớt lờ” không báo cáo về cổ phần hoá doanh nghiệp

An Linh Thứ ba, ngày 16/08/2022 17:55 PM (GMT+7)
Bộ Tài chính hai lần phát văn bản đề nghị Bộ Công Thương báo cáo việc chấp hành chính sách pháp luật cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, nhưng cả hai lần, Bộ Công Thương đều bặt vô âm tín.
Bình luận 0

Bộ Công Thương hai lần phớt lờ báo cáo cổ phần hoá

Cụ thể, trong công văn số 8063 ngày 15/8, Bộ Tài chính được Chính phủ giao giám sát việc chấp hành chính sách pháp luật về chuyển doanh nghiệp 100% vốn NHà nước thành công ty cổ phần, vì thế, ngày 15/4/2022, cơ quan này đã có công văn số 3414/BTC-TCDN gửi các cơ quan đại diện chủ sở hữu (trong đó có Bộ Công Thương) đề nghị báo cáo việc chấp hành chính sách pháp luật khi chuyển đổi các DNNN thành công ty cổ phần theo đề cương đính kèm và gửi về Bộ Tài chính trước ngày 30/4/2022.

Bộ Công Thương hai lần “phớt lờ” không báo cáo về cổ phần hoá doanh nghiệp - Ảnh 1.

Bộ Công Thương hai lần không báo cáo việc chấp hành pháp luật về cổ phần hoá lên Bộ Tài chính theo quy định.

Tuy nhiên, đến hạn định, Bộ Công Thương không gửi về Bộ Tài chính. Ngày 17/6, Bộ Tài chính tiếp tục gửi công văn số 5729/BTC-TCDN đề nghị Bộ Công Thương báo cáo và gửi về Bộ Tài chính trước ngày 24/6/2022.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính đến ngày 15/8, Bộ Công Thương vẫn chưa hoàn thành và gửi báo cáo. Bộ Tài chính yêu cầu Bộ Công Thương cần hoàn thiện và gửi về cơ quan này trước ngày 19/8/2022.

Thực tế, việc thoái vốn, cổ phần hoá hiện nay rất chậm mặc dù Chính phủ nhiều lần ra văn bản thúc các bộ, cơ quan ngang bộ là chủ sở hữu, đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tìm giải pháp thực hiện, thậm chí quy trách nhiệm. Tuy nhiên, hiệu quả công tác cổ phần hoá hiện nay vẫn thấp. 

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, giai đoạn 2016-2020, chỉ có 39/137 doanh nghiệp thuộc danh mục Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện cổ phần hoá, chưa đạt về số lượng, chứ chưa xét đến chất lượng cổ phần bởi rất nhiều doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu Nhà nước còn nắm trong tay lớn. 

Về thoái vốn, trong 5 năm qua, tỷ lệ vốn Nhà nước mới rút ra chỉ đạt 30% về số lượng doanh nghiệp và 11% tổng giá trị vốn phải thoái.

Về thoái vốn, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, các tập đoàn, tổng công ty, DNNN mới chỉ thoái vốn tại DN với giá trị là 382 tỷ đồng, thu về 2.180 tỷ đồng. 

Về cổ phần hoá, Bộ Tài chính chỉ bổ sung duy nhất một doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV phà An Giang (chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021) thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.

Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính đánh giá, tiến độ triển khai CPH, thoái vốn chậm, trong đó đưa ra nhiều nguyên nhân như do các doanh nghiệp cổ phần hoá, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai, tác động của dịch bệnh Covid-19…

Ngoài ra, trong nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu DN chưa quyết liệt, còn tư tưởng đối phó…

Tháng 5/2022, trong Công điện số 478/CĐ-TTg về đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, thực hiện các nhiệm vụ, công việc liên quan.

Việc thực hiện nhiệm vụ và kết quả thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN là một "tiêu chí đánh giá các cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem