Bộ Công Thương nói trồng lúa lãi 100%: Lội ruộng nghe nông dân ĐBSCL nói thực hư thế nào?

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 24/03/2023 14:43 PM (GMT+7)
Bộ Công Thương vừa có báo cáo Chính phủ về kết quả xuất khẩu gạo năm 2022, phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023. Trong đó nêu nông dân có lợi nhuận 100% khi giá thành sản xuất lúa bình quân là 3.219 đồng/kg, còn giá lúa là 6.650 đồng/kg. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, mức lợi nhuận nói trên rất khó đạt.
Bình luận 0

Giá thành sản xuất lúa nơi thấp nơi cao, nhưng nông dân chưa đạt lợi nhuận 100%

Trao đổi với phóng viên Dân Việt ngày 23/3, ông Phan Thiện Khanh - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ cho biết, vụ đông xuân vừa qua, nông dân trong tổ hợp tác tính được chi phí đầu tư 1 công tầm lớn (1.300m2) khoảng 2,4 triệu đồng và đạt năng suất 1 tấn.

Nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL khó đạt lợi nhuận 100% - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc HTX Giống Nông nghiệp Định An ở tỉnh Đồng Tháp cho biết, giá thành sản xuất lúa bình quân của nông dân địa phương là 6.100 đồng/kg. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo ông Khanh tính toán, 1 tấn lúa bán được 6,3 triệu đồng. Như vậy, lấy tiền bán lúa trừ đi chi phí, thu về 3,9 triệu đồng. Như vậy, với mức thu lời nói trên, nông dân trồng lúa không đạt được lợi nhuận 100%.

"Tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao của tôi đã áp dụng nhiều kỹ thuật, hạn chế tối đa về lượng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh. Do vụ đông xuân, nguồn nước nhiều nên không tốn chi phí bơm nước như những vụ trước nên chi phí đầu tư chỉ tốn 2.400 đồng. Thế nhưng, lợi nhuận chưa đạt 100%" - ông Khanh phân tích.

Theo ông Khanh, do vụ lúa đông xuân vừa qua, thời tiết tương đối thuận lợi, giá lúa bán cao nên mới có mức lợi nhuận như trên. Cùng kỳ những năm trước đó, thu nhập không bằng. Ngoài ra, ở vụ thu đông 2022, 1 công (1.300m2) chỉ đạt năng suất 800kg, với giá bán 6.200 đồng/kg nên chỉ thu được hơn 4,9 triệu đồng tiền lúa.

Ông Khanh nói tiếp: "Ở vụ lúa thu đông này, chi phí cao hơn nhiều so với vụ đông xuân, nhất là tiền xăng dầu bơm nước, tiền phân bón hóa học nhưng năng suất thấp hơn nên lợi nhuận cũng thấp hơn rất nhiều".

Do trồng lúa kém hiệu quả, nên ông Khanh cho biết, hiện nay gia đình ông cũng như nhiều người trong Tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao ấp Định Khánh B đã chuyển sang trồng cây ăn trái (chủ yếu là mít Thái, mít ruột đỏ và sầu riêng) và rau màu.

Theo phóng viên tìm hiểu, sau vụ lúa đông xuân vừa qua, người dân trong ấp Định Khánh B đã chuyển 8ha diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn trái và rau màu, làm cho diện tích lúa chỉ còn 20ha trong khi trước đây toàn ấp có 150ha lúa.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc HTX Giống Nông nghiệp Định An ở xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cho biết, theo tính toán chính xác của ông, giá thành sản xuất lúa bình quân của nông dân địa phương là 6.100 đồng/kg. Giá thành này bao gồm cả tiền thuê đất, tuy nhiên chưa tính đến tiền bao bì chứa lúa khoảng 3.000 đồng/bao/vụ.

Ông Dũng nêu quan điểm: "Nếu nói đến giá thành sản xuất lúa, phải tính luôn giá thuê đất, tiền công làm của người dân trồng lúa và các chi phí khác có liên quan, chứ không phải nói lấy công làm lời được".

Riêng đối với xã viên trong HTX Giống Nông nghiệp Định An, chi phí sản xuất lúa giảm hơn bên ngoài 300 đồng/kg (ưu tiên bón phân hữu cơ, giảm phân bón hóa học, giảm thuốc trừ sâu và lượng giống gieo sạ), tức là 5.800 đồng/kg. Do HTX sản xuất lúa giống chất lượng cao nên giá bán cao và lợi nhuận nhiều hơn bên ngoài.

Giảm giá thành sản xuất lúa, tăng lợi nhuận bằng cách nào?

Thông tin với phóng viên Báo Dân Việt, ông Ðoàn Văn Tài - Giám đốc HTX Sản xuất Dịch vụ nông nghiệp Tấn Ðạt (ấp Kinh, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho hay, do giá phân bón hóa học tăng cao nên giá thành sản xuất cho 1 công đất (1.000 m2) theo cách truyền thống là khoảng 2,5 triệu đồng (nếu năng suất đạt bình quân 550 kg thì giá thành sản xuất là trên 4.500 đồng/kg).

Nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL khó đạt lợi nhuận 100% - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Thích - Phó Giám đốc HTX Tân Long ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang (áo trắng, ở giữa) kiểm tra vùng sản xuất lúa. Ảnh: Huỳnh Xây

Do thời tiết và năng suất đạt tốt, giá lúa đông xuân cao (khoảng 6.500 đồng/kg) nên vụ này lợi nhuận gần 2 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Tài, 2 vụ trước đó (hè thu và thu đông) trong năm 2022, người dân chỉ đạt lợi nhuận từ vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng/công (1.000m2) dù giá lúa cao. Riêng những năm trước, vụ hè thu và thu đông, nhuận nhuận ít hơn, thậm chí không có lời do giá bán thấp.

Do sản xuất theo cách truyền thống không mang lại hiệu quả cao nên ông Tài đang mời gọi người dân mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ. Hiện ông đã xây dựng được vùng nguyên liệu 100ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, trong đó 30 ha đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Châu Âu. Dự kiến năm sau có thêm từ 30-40ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Còn ông Nguyễn Văn Thích - Phó Giám đốc HTX Tân Long ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang thì thông tin, rất nhiều hộ dân ở địa phương sản xuất lúa theo cách truyền thống. Trong vụ đông xuân vừa qua, giá thành sản xuất bình quân là 2.564 đồng/kg, lợi nhuận đạt được là 4.436 đồng/kg.

Như thông tin của ông Thích cung cấp thì lợi nhuận vụ đông xuân, vốn là vụ chính trong năm vẫn không đạt lợi nhuận 100% mặc dù đạt giá lúa bán cao, khoảng 7.000 đồng/kg. Đây là vụ dễ sản xuất, ít tốn chi phí đầu tư. Còn 2 vụ trước đó, giá thành sản xuất cao hơn và lợi nhuận sẽ thấp hơn.

Cũng như ông ông Tài, ông Thích đã và đang vận động nông dân địa phương tham gia sản xuất lúa theo hướng mới (trồng lúa theo hướng hữu cơ) có giá thành sản xuất thấp hơn và lợi nhuận cao hơn rất nhiều.

Cụ thể, theo ông Thích tính toán, mô hình trồng lúa hữu cơ của ông chỉ có giá thành sản xuất là 1.866 đồng/kg, với bán ra 8.500 đồng, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận là 6.634 đồng. Hiện HTX của ông Thích có 108ha lúa trồng theo hướng hữu cơ, ngoài ra HTX còn liên kết sản xuất với nông dân thêm 380ha.

"Người dân trồng lúa theo cách truyền thống chỉ biết "ôm" phân, thuốc ra bón và phun xịt, còn trong HTX ở đây, chúng tôi phân tích rõ ràng cần bón gì và không nên bón gì. Ví dụ, HTX chỉ bón 30kg phân bón đối với 1ha, còn người dân bên ngoài bón từ 150-200kg. Do bón phân hóa học nhiều nên ruộng lúa xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn, phải mua thuốc phun xịt, khiến chi phí tăng liên tục" - ông Thích phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem