Bỏ “giấy phép con”, “bóng” trong chân các Bộ trưởng

Thanh Xuân (thực hiện) Thứ sáu, ngày 22/09/2017 07:00 AM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương cho rằng, Thủ tướng đã chỉ đạo hơn 1 năm nhưng “bóng” vẫn nằm trong chân các Bộ trưởng, đừng giữ bóng lâu quá, sẽ phạm quy.
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, bỏ “giấy phép con”, “bóng” trong chân các Bộ trưởng (Ảnh: TX)

Thưa ông, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cắt giảm 2.000 điều kiện kinh doanh được cho là những “giấy phép con” cản trở doanh nghiệp lâu nay, Bộ Công Thương đã quyết tâm cắt giảm khoảng 675/1.000 điều kiện kinh doanh. Ông có đánh giá gì với cách làm ở Bộ Công Thương?

- Có thể nói, việc chỉ đạo quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Công Thương từ việc rà soát và yêu cầu cắt giảm 600 điều kiện kinh doanh đã thể hiện sự vào cuộc mạnh mẽ và đột phá đi đầu trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính cũng như quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh. Tính đến nay, chắc ngoài Bộ Công Thương cũng chưa có Bộ nào triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Với việc cắt giảm 675 thủ tục, nếu như các bộ ngành khác cũng quyết tâm như Bộ Công Thương thì tôi tin, có thể cắt giảm thêm hàng nghìn các điều kiện kinh doanh khác.

Nhưng thực tế, Bộ Công Thương cũng là một trong những bộ có các điều kiện kinh doanh nhiều nhất hiện này nên ít nhiều cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp?

 - Thực tế, ở Bộ Công Thương đầu tiên cần phải thấy được sự quyết tâm của người đứng đầu, còn bản thân bộ này cũng là bộ tổng hợp từ nhiều bộ lại nên có nhiều ngành nghề, từ đó các điều kiện kinh doanh khi rà soát cũng là một trong những bộ nhiều nhất.

Với sự đi đầu của Bộ Công Thương trong việc quyết tâm cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tôi tin trong thời gian tới sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp, thương mại, xuất khẩu phát triển. Từ đó tạo ra sản phẩm mới, quy trình mới, ý tưởng sáng tạo được áp dụng, thực hiện…có thể nói là yếu tố căn bản thúc đẩy cho phát triển ngành công nghiệp thương mại của Việt Nam.

Mới đây, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng đã cho biết, có doanh nghiệp phản ánh nhập mặt hàng bánh chocolate phải cõng tới 13 loại giấy phép con. Có phải vấn đề giấy phép con đang “hành” doanh nghiệp, thưa ông?

- Đó là lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, có rất nhiều tiêu chí, ví dụ chỉ một chai nước lọc nhưng có thể có 15 đến 16 loại chất lượng khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, nếu cứ thực hiện theo kiểu bắt đăng ký như hiện nay thì doanh nghiệp không làm được.

Liên quan tới điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp có thể chia ra làm 2 mảng là hoạt động trong nước và xuất nhập khẩu. Trong đó, các nội dung kiểm tra chuyên ngành có nhiều cái can thiệp quá mức, không cần thiết, thậm chí là can thiệp vô lý. Vấn đề quy chuẩn chất lượng là của Nhà nước còn tiêu chuẩn chất lượng là của thị trường, trong khi chúng ta hiện quản tùy tiện và lẫn lộn giữa quy chuẩn và tiêu chuẩn nên dẫn tới 1 sản phẩm có tới 15- 16 cái giấy phép khác nhau là như vậy.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật ngày 22.8. (Ảnh: VGP )

Bức xúc của doanh nghiệp về các điều kiện kinh doanh có thể nói là đã kêu mãi rồi, phản ánh mãi rồi và cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về vấn đề này lắm rồi.

Có thể nói, với các điều kiện kinh doanh như hiện nay, các doanh nghiệp không thể đổi mới, sáng tạo để có cách làm khác, không thể tạo ra các sản phẩm, dịch vụ khác so với quy định của pháp luật; tạo ra rủi ro lớn, thậm chí rủi ro thể chế rất cao cho những doanh nghiệp muốn đổi mới, sáng tạo, có cách nghĩ, cách làm khác so với quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh.

Nếu so sánh môi trường đầu tư của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới ông thấy môi trường của nước ta như thế nào?

- Tôi cho rằng, các nước phát triển trên thế giới và cả trong khu vực cũng phải đi trước nước ta khoảng 30 năm về môi trường đầu tư. Quan trọng là tư duy của chúng ta vẫn không thay đổi, không bắt kịp với cách thức quản lý. Tư duy của chúng ta là tư duy sở hữu, can thiệp hành chính quá nhiều theo kiểu  “tôi quản anh”, “kiểm soát anh”. Nếu tư duy của các cơ quan quan lý luôn ở góc độ điều tiết và thúc đẩy thì lại khác.

Mặt khác, các nước họ coi cạnh tranh trên thị trường là công cụ hiệu quả tốt nhất và nhà nước chỉ đảm bảo mức độ cạnh tranh cao, cạnh tranh công bằng và có cơ chế cung cấp thông tin và tiếp cận thông tin. Ví dụ một sản phẩm họ công bố thì phải tập hợp được chất lượng như thế nào, quy chuẩn ra sao.  Phải theo dõi, giám sát, đánh giá, kiểm tra nó theo đăng ký của doanh nghiệp công bố. Tức là họ triển khai “hậu kiểm” chứ không phải ngồi thu thập một đống giấy tờ là yên tâm đã và đang kiểm tra, quản lý. Còn ở nước ta lại ngại và sợ cạnh tranh, nên chúng ta muốn thay đổi  như các nước thì phải thay đổi tư duy, thay đổi chức năng, nhiệm vụ, bộ máy quản lý, công cụ, năng lực quản lý.

“Bức xúc của doanh nghiệp về các điều kiện kinh doanh có thể nói là đã kêu mãi rồi, phản ánh mãi rồi và cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về vân đề này lắm rồi. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn 1 năm rồi nhưng “quả bóng” vẫn nằm trong chân các Bộ trưởng, đừng giữ bóng lâu quá, sẽ phạm quy”, ông Nguyễn Đình Cung nói.

Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh phải thực hiện Chính phủ phải kiến tạo, liêm chính, như ông nói muốn thay đổi môi trường kinh doanh thì cần có gì đột phá gì về tư duy?

- Tôi cho rằng, muốn thay đổi thì đơn giản lắm. Chính phủ phải có hành động mới kiến tạo, có hành động mới liêm chính. Do đó, hành động mới là quan trọng và quyết định.  Thủ tướng đã chỉ đạo như thế nhưng Thủ tướng thì không thể tự hành động được mà muốn hành động là phải có sự tham gia của các bộ ngành. Nếu các Bộ trưởng hành động giống như Bộ Công Thương đã khởi động rồi thì sẽ khác. Cách đặt vấn đề bài bản, hợp lý, tư duy theo thị trường thì mọi thứ sẽ được giải quyết.

Muốn thay đổi thì các bộ, ngành phải thay đổi vai trò, chức năng nhiệm vụ, thay đổi công cụ, năng lực quản lý.  Tuy nhiên, khi thay đổi sẽ có nhiều người mất quyền cho, quyền ban phát và đi liền với nó là lợi ích. Nhiều người còn sợ mất cả công ăn việc làm nên vẫn còn phân vân sợ rủi ro, không biết khi thay đổi sẽ như thế nào. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn 1 năm rồi nhưng “quả bóng” vẫn nằm trong chân các Bộ trưởng, đừng giữ bóng lâu quá, sẽ phạm quy.

Theo ông, nếu chỉ để các bộ, ngành tự giác thì liệu các Bộ trưởng có “đá quả bóng” không hay cần phải có giải pháp cụ thể gì?

- Hiện nay, áp lực từ Chính phủ cùng những đòi hỏi thực tế từ cộng đồng doanh nghiệp, từ dư luận xã hội cũng sẽ tạo ra áp lực cho các bộ ngành phải thay đổi. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự chủ động của các Bộ trưởng, giống như Bộ trưởng Bộ Công Thương, phải thể hiện sự quyết tâm. Bởi để thay đổi được, các Bộ trường phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, vì không có lợi ích nào lớn hơn lợi ích quốc gia. Còn nếu chỉ thay đổi “miễn cưỡng”, không dứt khoát, chưa thay đổi nhưng chỉ mong thất bại hơn là thành công để chứng minh đổi mới có thành công đâu thì sẽ chẳng bao giờ làm được. Còn các giải pháp thì có đầy đủ cả rồi, từ Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 đến các chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ…nếu có giải pháp thì cần giải pháp thực hiện các giải pháp đã có. Quan trọng là các bộ, ngành phải triển khai hành động.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bộ KHĐT trước đó đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ bỏ 1.930 yêu cầu, điều kiện về kinh doanh được cho là những giấy phép con cản trở doanh nghiệp lâu nay. Trong đó, Bộ KHĐT kiến nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính, 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm và 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất, 127 điều kiện về phương thức kinh doanh, 80 điều kiện về quy hoạch...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem