Bộ GTVT muốn mua lại 8 dự án BOT thua lỗ, doanh nghiệp mất niềm tin vào đầu tư PPP

Thế Anh Thứ tư, ngày 07/06/2023 18:28 PM (GMT+7)
Chiều nay (7/6), tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã thẳng thắn trả lời về việc giải quyết 8 dự án BOT đang thua lỗ.
Bình luận 0

Làm sao bảo vệ các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư BOT?

Trả lời câu hỏi của một đại biểu đặt vấn đề về việc mua lại 8 dự án BOT giao thông thua lỗ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: Đối với 8 dự án BOT đang thua lỗ, Bộ GTVT đã làm hết trách nhiệm rồi. Chúng tôi đã thành lập các đoàn công tác đi khảo sát ở các địa phương có dự án BOT đang có vấn đề và đã hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu của Tổng thư ký Quốc hội, Chính phủ.

Hiện nay, cơ chế xử lý 8 dự án BOT đang có vấn đề đã được trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ. Sắp tới, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, nếu có vấn đề gì cần điều chỉnh thì Bộ GTVT sẽ điều chỉnh để trình Thường vụ Quốc hội.

Bộ GTVT mua lại 8 dự án BOT thua lỗ, doanh nghiệp mất niềm tin vào đầu tư PPP - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Quốc hội

Tất cả phải làm theo quy trình, Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước, không có tiền, chúng tôi đang làm hết sức mình làm sao tháo gỡ 1 cách triệt để; làm sao bảo vệ các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư BOT nhưng do điều kiện khách quan bị ảnh hưởng.

Có những dự án BOT làm xong rồi, nhưng chưa được thu phí, dân không đồng ý thu phí, nhà đầu tư cũng đành chịu. Cùng với đó, căn cứ vào các hợp đồng BOT đã ký, dự án thu tới mức nào, nhà nước sẽ phải mua lại đây là những điều khoản có trong hợp đồng. Điều này không phải chúng ta dành đặc quyền đặc lợi cho doanh nghiệp.

Đối với việc giảm phí cho phương tiện trong phạm vi 5km, Bộ trưởng Thắng ghi nhận và sẽ kiểm tra lại việc Chính phủ, Bộ GTVT chỉ đạo nhưng nhà đầu tư không giảm.

Tạo niềm tin với doanh nghiệp, thu hút đầu tư PPP

Đại biểu Đoàn Anh Tuấn, đoàn đại biểu TP.HCM đặt câu hỏi: Hiện, có một số dự án đã phê duyệt theo hình thức PPP, nhưng sau đó lại phê duyệt theo hình thức đầu tư công làm kéo dài thời gian thực hiện đầu tư, Bộ trưởng có giải pháp nào để khắc phục?

Tiếp đó, cao tốc TP.HCM - Trung Lương và cao tốc TP.HCM - Long Thành tắc nghẽn, giải pháp tháo gỡ sẽ như nào?

Bộ trưởng Thắng cho biết, đây là vấn đề mà cá nhân tôi và ngành GTVT rất trăn trở. Từ khi chúng ta ban hành luật PPP nhưng chưa kêu gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tư theo hình thức PPP. Chính từ đó, sắp tới chúng tôi sẽ đề xuất một số giải pháp để thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư PPP.

Thực tế, nhu cầu giai đoạn 2021 - 2025 chúng ta cần 462.000 tỷ đồng, nhưng mới bố trí được 66%, và rất cần  mới thu hút được đầu tư. Nhất là chúng ta phải tạo được niềm tin với các doanh nghiệp, đặc biệt là thế chế.

Chúng ta phải có một hệ thống các giải pháp hết sức đồng bộ trong vấn đề này, nhất là chúng ta phải tạo được lòng tin cho các doanh nghiệp, tạo được sự bình đẳng với các doanh nghiệp, như vấn đề về thể chế; thể chế chúng ta cũng phải xem xét để có những điều chỉnh cho phù hợp.

Ví dụ, chúng ta quy định rằng là 100 doanh thu mà tăng lên trên 125% thì phải chia sẻ với nhà nước hay doanh thu giảm xuống dưới 75% thì nhà nước phải bù, nhưng bù như thế nào, bù ở đâu, nguồn nào thì chưa rõ và những vấn đề liên quan đến việc là khi doanh nghiệp ký hợp đồng rồi thì trong hợp đồng đã quy định rất rõ là thời điểm nào người ta được tăng phí.

Nhưng suốt từ năm 2019 đến nay, do những vấn đề liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô thì chúng ta cũng không thực hiện việc cho các doanh nghiệp tăng phí theo hợp đồng dẫn đến doanh thu không đảm bảo, doanh thu không đảm bảo thì lại dẫn đến hệ lụy với ngân hàng, nợ quá hạn, v.v. rất nhiều yếu tố.

Đấy là về câu chuyện cơ chế, chính sách và còn rất nhiều những vấn đề khác nữa, đó là khi chúng ta thay đổi các cơ chế chính sách thì những vấn đề liên quan điều khoản chuyển tiếp là cái gì và vấn đề liên quan đến câu chuyện là chính sách của chúng ta ổn định được bao lâu.

Tất cả những việc này chúng ta phải tháo gỡ, thậm chí là tháo gỡ cả những vấn đề liên quan đến ngân hàng. Một dự án BOT bây giờ thường thời gian từ khoảng 15 đến 35 năm, bình quân thì khoảng 20 năm, nhưng quy định của ngân hàng chỉ cho vay tối đa 10 đến 12 năm thôi.

Trước đây, khi kinh tế tốt, sức khỏe doanh nghiệp tốt thì doanh nghiệp lấy các nguồn doanh thu để bù vào, nhưng bây giờ kinh tế khó khăn như thế này, vòng đời của dự án là 20 năm mà lại chỉ cho vay 10 đến 12 năm thì không thể làm được.

Chính vì thế, vừa rồi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có một phương án mà tôi cho là rất hay, đó là nguồn vốn nhà nước hỗ trợ vào, thay vì 20 đến 25 năm thì giảm xuống khoảng 10 - 15 năm, như vậy mới có tính khả thi. Nguồn vốn của doanh nghiệp bớt đi, nguồn vốn ngân hàng vào cũng bớt đi thì rủi ro bớt đi...

Tại sao chúng ta thấy thiếu vắng các nhà đầu tư nước ngoài, bởi vì có rất nhiều những vấn đề hoàn toàn chính đáng và theo thông lệ quốc tế, ví dụ khi đầu tư vào người ta đem ngoại tệ vào thì người ta phải chuyển đổi sang Việt Nam đồng để đầu tư, vậy khi có doanh thu người ta muốn chuyển đổi ngược lại sang ngoại tệ thì mình phải đáp ứng.

Hay vấn đề nữa liên quan đến việc các nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu là mình phải bảo lãnh doanh thu hàng tháng, hàng năm thì mới làm còn không thì thôi. Tất cả những vấn đề đó chúng ta phải xem xét để tính toán.

Bộ GTVT mua lại 8 dự án BOT thua lỗ, doanh nghiệp mất niềm tin vào đầu tư PPP - Ảnh 2.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành. Ảnh: N.M

Về 2 tuyến cao tốc là TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành, Bộ GTVT đang chuẩn bị đầy đủ các nội dung, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 này về phương án đầu tư tuyến cao tốc là TP.HCM - Trung Lương.

Đối với cao tốc TP.HCM - Long Thành, dự án hiện nay VEC đang đầu tư khai thác. Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch của chúng ta từ 8 đến 10 làn xe.

Hiện nay, VEC cùng Ủy ban quản lý vốn đang phối hợp với Bộ GTVT  trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề liên quan đến tái cơ cấu VEC, đặc biệt là vấn đề sử dụng các nguồn vốn tự có và coi như tự có của VEC để đầu tư các dự án, nếu như tài chính của VEC đảm bảo thì mới làm được.

Cao tốc Bắc - Nam chậm do người dân chặn xe

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, doàn đại biểu tỉnh Ninh Thuận đặt câu hỏi: "Các cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mai Sơn - Quốc Lộ 45 đã hoàn thành và có tuyến chưa hoàn thành, nhưng đường gom chưa hoàn thành, xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp. Tại sao không đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam?

Bộ trưởng Thắng cho biết, đây là một vấn đề bất cập của chúng ta. Nhiều tuyến cao tốc chúng ta đã làm, cũng đã có trạm dừng nghỉ và có một số tuyến cao tốc, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông hiện nay đang thiếu vắng, không có các trạm dừng nghỉ.

Bộ GTVT mua lại 8 dự án BOT thua lỗ, doanh nghiệp mất niềm tin vào đầu tư PPP - Ảnh 3.

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Thế Anh

Chúng tôi cũng nhận diện được ngay việc này, cho nên ngay từ đầu năm 2023, tôi đã phải chỉ đạo rất quyết liệt phải làm bù, đó là phải xây dựng thông tư hướng dẫn và tổ chức đấu thầu để khẩn trương xây dựng các các trạm dừng nghỉ.

Sắp tới chúng tôi sẽ đấu thầu quyền khai thác 8 trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên, ở đây có vấn đề liên quan đến quy mô của trạm dừng nghỉ, trước đây trạm dừng nghỉ chúng ta có quy chuẩn là chỉ khoảng 1 hecta, nhưng báo cáo với các đại biểu nếu bây giờ 1 hecta là chúng ta không làm được, phải tối thiểu 3 hecta trở lên.

Chúng tôi cũng đang rất quyết liệt việc này và cam kết với các đại biểu là khi chúng ta hoàn thành các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 thì chúng ta sẽ có đầy đủ các trạm dừng nghỉ theo đúng quy hoạch của chúng ta để đưa vào khai thác vận hành, đúng là hiện nay hơi chậm nhưng anh em đang phải làm bù.

Liên quan đến đường gom và đường dân sinh. Vừa qua, khi chúng ta đưa vào khai thác một số tuyến đường thì quả thật một số dự án còn một phần đường gom và đường dân sinh chưa hoàn thành.

Tuy nhiên tuyến chính đã xong rồi và nhu cầu của người dân thì rất cao và người dân rất mong chờ, cho nên cũng không thể chờ đợi để chúng ta hoàn thành 100%.

Do vậy, có vấn đề là một số dự án thì cơ bản còn lại khoảng 30%, 40% đường dân sinh là chưa hoàn chỉnh. Chúng tôi cũng đã tính đến phương án làm đường gom và trong khoảng thời gian còn lại thì phải khẩn trương hoàn thành.

Ví dụ: Như tất cả các tuyến mà đại biểu vừa nói thì chúng tôi đã chỉ đạo và chậm nhất là hoàn thành trước 30/6 này thì tất cả các đường gom, đường dân sinh đều xong và trong câu chuyện chậm trễ thì việc là một số dự án cũng không phải do nhà thầu hay do Ban Quản lý dự án.

Nhưng khi chúng tôi triển khai thi công thì người dân ra ngăn chặn. Lý do là có những trường hợp chúng ta lại chưa đền bù thỏa đáng, có những trường hợp chúng ta chưa giải phóng mặt bằng và những trường hợp đấy thì chúng tôi không thể chờ được.

Vừa qua phải yêu cầu anh em một mặt phối hợp với các địa phương để xử lý rốt ráo một số hộ gia đình như vậy. Và cùng với việc đó, lại phải chỉ đạo nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị để làm cho xong để còn triển khai các dự án khác. Tôi cũng xin báo cáo với đại biểu và dự kiến là trước 30/6 thì chúng ta sẽ xử lý tất cả những tồn tại liên quan đến đường gom, đường dân sinh của một số dự án mà vừa qua chúng ta đưa vào khai thác.

 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem