Bố mất, 3 lần book vé máy bay, người con xa xứ vẫn không thể về nước

Hồng Ngọc Thứ sáu, ngày 14/01/2022 06:00 AM (GMT+7)
Tết Nhâm Dần 2022 đang tới rất gần, nhiều người đã chuẩn bị thu xếp công việc để nhanh chóng trở về nhà sum họp, đón Tết đoàn viên. Thế nhưng, đối với những người con xa xứ, ước mơ được trở về quê đón Tết lại gặp phải quá nhiều rào cản.
Bình luận 0

Dịch Covid 19 khiến đường về nhà xa vời vợi

Hơn 3 năm đặt chân đến Hàn Quốc cũng là từng ấy thời gian Nguyễn T. (22 tuổi) chưa từng về nhà. Xa nhà lâu ngày “đương nhiên là nhớ nhà lắm nhưng vẫn phải cố chịu”. Trong vòng 3 năm qua, đã có tổng cộng 3 lần T. đặt vé máy bay để về nước nhưng đều bị hủy do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đầu năm 2020, T. nhận được tin bố bệnh nặng, anh liền tức tốc đặt vé máy bay mong có thể trở về nhà để đỡ đần mẹ. Gia đình T. có 5 người con, anh chị đều đi làm xa. T. muốn trở về để cùng mẹ gánh vác mọi chuyện. Thế nhưng trong vòng 9 tháng, vé máy bay của T. liên tiếp bị hủy. Dịch bệnh quá phức tạp, biến chủng Covid-19 mới liên tục xuất hiện khiến Việt Nam hạn chế các chuyến bay đến Hàn Quốc. T. không thể trở về, cũng đồng nghĩa với việc anh không thể nhìn mặt bố lần cuối.

Chuyện này đã trở thành ám ảnh tâm lý đè nặng trong lòng người con xa quê. “Chuyện buồn nhất cũng đã xảy ra, nếu như lúc đó có thể trở về thì biết đâu mọi chuyện đã khác. Lúc đó, đối với mình, tiền đã không còn quan trọng nữa rồi”. Chỉ tiếc là cuộc đời không hề có “nếu như”, T. kể.

Cận Tết Tân Sửu 2021, một lần nữa T. quyết định “thử vận may” của mình bằng việc tiếp tục đặt vé máy bay về nước. Chi phí cho 2 chiều bay là 50 triệu đồng bao gồm cả phí cách ly và chi phí thuê khách sạn - một con số không hề nhỏ khi mà tiền làm thêm trung bình của cậu chỉ khoảng 180.000 đồng/ ngày. Lúc bỏ ra một số tiền lớn như thế, T. đã nghĩ chỉ cần có thể trở về là tốt rồi. Tuy nhiên, may mắn đã không mỉm cười với T. khi chuyến bay tiếp tục bị hủy, cậu được hoàn lại tiền vé nhưng mất tiền phụ phí và tiền đặt vé qua môi giới. Thế là cả 3 lần, T. đều không thể trở về nhà.

Tháng 1/2022, Việt Nam đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trong đó có Seoul (Hàn Quốc). Các chuyến bay bắt đầu được mở lại nhiều hơn, tạo điều kiện cho người xa quê có thể về nước đón Tết cùng gia đình với điều kiện cách ly đủ 7 ngày đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cơ bản. 

Rời Việt Nam sang Hàn Quốc tu nghiệp sinh từ tháng 2/2019, Lê Văn Hùng ( 23 tuổi) cũng đã gần 3 năm chưa được “xách xe” đi ăn những món ăn khoái khẩu ở quê nhà. “Tôi rất nhớ không khí và mùi vị của những món ăn Việt Nam, mà nhớ nhất vẫn là hương vị phở Việt”. 

Anh Hùng đang làm việc tại xưởng làm miến ở Chungcheongnam-do, Hàn Quốc

Anh Hùng đang làm việc tại xưởng làm miến ở Chungcheongnam-do, Hàn Quốc. Ảnh: NVCC

Tiếp tục gác lại ý định về nhà dịp Tết Nguyên Đán 2022, Hùng cho biết có nhiều lý do khiến anh lựa chọn ở lại. Tuy gia đình mong ngóng mỗi ngày nhưng do dịch bệnh diễn biến khó lường nên thủ tục nhập cảnh cũng trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, những năm gần đây, Hàn Quốc đang thắt chặt việc cấp visa cho những tu nghiệp sinh như anh về nước, bởi có nhiều trường hợp sau khi quay lại Hàn đã trốn ra ngoài lao động bất hợp pháp. 

Thêm vào đó, lý do lớn nhất níu chân anh là do vấn đề tài chính. Anh lo ngại khó khăn đi lại mùa dịch và lượng người cạnh tranh đặt chuyến khi đường bay thương mại được mở lại quá cận Tết sẽ khiến giá vé máy bay tăng cao. “Giá vé máy bay hiện tại dao động khoảng 20 triệu đồng, bằng một nửa tháng lương của mình rồi. Chưa kể đến nguy cơ mất việc làm bán thời gian, hơn nữa dịch bệnh phức tạp, nhiều quy định cách ly, xét nghiệm khiến mình quyết định ở lại Hàn đón Tết”. 

Muốn về nước ăn Tết nhưng ngại… chi phí

Sang Đài Loan lao động được 5 năm, anh Đinh Văn Hợp ( 27 tuổi) cũng chưa bao giờ về quê đón Tết. Năm nay, dịch bệnh ở Đài Loan đã bớt căng thẳng nhưng anh cũng vẫn quyết định ở lại nước bạn. Phần là vì công việc bận rộn không có ngày nghỉ, phần nhiều là do lo ngại giá vé máy bay quá cao. Những năm trước, thời điểm cận Tết một chuyến bay hồi hương giá chỉ từ 12-15 triệu đồng nhưng năm nay. trên các trang web bán vé trực tuyến, giá vé đang dao động từ 20-30 triệu đồng. 

 Anh Hợp quyết định ở lại Đài làm việc, thêm một năm nữa đón Tết xa nhà

Anh Hợp quyết định ở lại Đài Loan làm việc, thêm một năm nữa đón Tết xa nhà. Ảnh: NVCC

Đầu tháng 12/2021, Bộ Giao thông vận tải đề xuất tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và một số quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Đài Loan dự kiến từ ngày 15/12. Đồng thời, Bộ Y tế cũng ban hành hướng dẫn, trong đó quy định người nhập cảnh đã tiêm đủ hai mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính, chỉ tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà với thời gian nhất định. 

Dù rào cản dịch bệnh được phá bỏ, anh Hợp cũng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vài tháng trước, thế nhưng vấn đề tài chính vẫn là điều khiến anh ái ngại. “Xa nhà thì ai mà chẳng nhớ nhà. Gia đình mong lắm nhưng mình vẫn quyết định ở lại Đài Loan đón tết năm nay. Bên này nền kinh tế đã mở cửa gần 3 tháng nay, phố xá hàng quán đều hoạt động bình thường do dịch bệnh cơ bản được khống chế nên cũng đỡ buồn”. 

Phùng Trung Việt (26 tuổi) kỹ sư xây dựng đang sống ở Pháp mong về thăm gia đình sau gần 3 năm xa cách song chưa quyết định di chuyển trong thời điểm này. Anh lo ngại dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến các chuyến bay thương mại hạn chế số lượng hành khách, hơn nữa giá vé cũng khá cao do lượng người cạnh tranh đặt chuyến nhiều, theo anh Việt giá vé máy bay hai chiều từ Pháp về Việt Nam hiện đang dao động khoảng 40-50 triệu đồng. Nếu muốn trở về, anh phải đăng ký và đợi đại sứ quán xét duyệt sau đó mới được mua vé.

Như bao du học sinh và kiều bào đang sinh sống tại Pháp, nhu cầu về quê ăn Tết là rất lớn. Anh đã trải qua 3 cái Tết xa nhà, bố mẹ và người thân đều rất nhớ và mong ngóng anh có thể về quê ăn Tết cùng gia đình. Những năm trước, do Tết cổ truyền thường rơi vào đầu tháng 2 dương lịch, trùng với thời gian học nên Việt không thể về nước đón Tết. Một năm sau đó, dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, các chuyến bay thương mại bị kiểm soát khiến anh tiếp tục lỡ hẹn với  quê nhà.

Hiện tại, Pháp là một trong những quốc gia Châu Âu áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt vì biến chủng mới Omicron. Một số hoạt động chỉ được tiến hành khi có giấy xác nhận đã tiêm phòng đầy đủ 3 mũi vaccine. Các hoạt động học tập và làm việc cũng đều phải tiến hành từ xa.  

Để vơi bớt nỗi nhớ quê nhà trong dịp Tết sắp tới, Việt dự định đón Tết cùng người yêu và bạn bè đang sinh sống ở Pháp. “Chúng mình sẽ nấu bánh chưng, làm các món ăn đặc trưng của Tết cổ truyền và đón giao thừa bên nhau. Điều này giúp bọn mình đỡ nhớ nhà và tận hưởng một phần không khí Tết đang đến gần”.

Tết Nguyên Đán cận kề, nhiều người con xa quê vẫn phải lỡ hẹn với lời hứa về quê đón Tết. Mong rằng dịch bệnh mau chóng qua đi, để những con người xa xứ được sum vầy bên gia đình, cho bữa cơm ngày Tết được đầy đủ, ấm cúng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem