Bộ NNPTNT đặt tham vọng xuất khẩu rau quả lọt 5 nước hàng đầu thế giới, đạt 8-10 tỷ USD

Khương Lực Thứ tư, ngày 27/01/2021 09:30 AM (GMT+7)
Bộ NNPTNT đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới, đạt từ 8-10 tỷ USD.
Bình luận 0

Việt Nam đã trở thành một cường quốc về xuất khẩu rau quả và năm 2018 đã đứng vị trí thứ 7 trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu 3,8 tỷ USD. Tốc độ tăng nhanh thứ 2 thế giới sau Mehico.

Nhiều mục tiêu tăng gấp hơn 2 lần

Cùng với kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt từ 8-10 tỷ USD vào năm 2030, đề án còn đặt ra mục tiêu tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả chế biến đạt 30% trở lên. Tổn thất sau thu hoạch rau quả giảm bình quân 1,0%/năm. 

Trên 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến. Công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, gấp gần 2 lần so với năm 2020.

Xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD, lọt 5 nước hàng đầu thế giới - Ảnh 1.

Xuất khẩu rau quả có xu hướng chững lại trong 2 năm gần đây do tác động từ những hàng rào kỹ thuật và đại dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Vỹ.

Thu hút đầu tư mới 50 đến 60 cơ sở chế biến rau quả có quy mô lớn và vừa; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao.  

Đây là những mục tiêu đặt ra khá cao, nếu thực hiện được sẽ tạo ra sự thay đổi diện mạo của ngành hàng rau quả Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu rau quả liên tục tăng trưởng nhanh trong những năm qua, từ hơn 1 tỷ USD vào năm 2013 đến năm 2018 đạt đỉnh là 3,8 tỷ USD.

Trong 2 năm gần đây, trước những rào cản kỹ thuật từ thị trường nhập khẩu và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu rau quả có xu hướng giảm nhẹ, năm 2019 đạt 3,74 tỷ USD và năm 2020 đạt gần 3,35 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), năm 2017, nhập khẩu rau, quả của thế giới đạt khoảng 264,4 tỷ USD và ước tính đạt khoảng 270 tỷ USD năm 2018. Trong đó, các nước phát triển nhập khẩu khoảng 180 tỷ USD, các nước đang phát triển nhập khẩu khoảng 94 tỷ USD, còn lại là các nước kém phát triển, các nước vùng cận Sahara…

Như vậy, xuất khẩu rau, quả của Việt Nam hiện chiếm khoảng 1,44% tổng nhập khẩu của thế giới. Trong thập kỷ qua, Mexico đã định vị mình là thị trường cung cấp rau, quả chính cho Bắc Mỹ. Tây Ban Nha và Hà Lan là những nhà xuất khẩu quan trọng trong EU. Ma-rốc đã nổi lên như một nhà cung cấp rau tươi cho thị trường châu Âu.

Theo dự báo của Hiệp hội rau quả Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ rau quả của thế giới tiếp tục tăng từ 3 - 3,5%, trong khi sản lượng rau quả sản xuất ra chỉ tăng khoảng 2,8%. Sự thiếu hụt nguồn cung này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Việt Nam với điều kiện thuận lợi về đất đai và khí hậu (nhiệt đới ở phía Nam và Á nhiệt đới ở phía Bắc) với nhiều chủng loại rau quả đặc trưng, có lợi thế so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong năm 2020, rau, màu tăng cả về diện tích và sản lượng, diệt tích khoảng 1,16 triệu ha; sản lượng đạt 18,2 triệu tấn, tăng 458 nghìn tấn so với năm 2019. Diện tích cây ăn quả đạt 1,1 triệu ha, tăng 40 nghìn ha so với năm 2019. 

Sản lượng và chất lượng các loại cây ăn quả có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng; một số cây ăn quả chủ lực (xoài, thanh long, cam, bưởi,... ) sản lượng tăng từ 4 - 9% so với năm 2019.

Tổn thất rau quả và chi phí logistics cao

Hiện nay, sản phẩm rau quả của Việt Nam đã được xuất đi trên 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 10 thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore.

Xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD, lọt 5 nước hàng đầu thế giới - Ảnh 3.

Trung Quốc ngày càng thắt chặt các quy định kiểm soát nhập khẩu nông sản. Ảnh: Nguyễn Vỹ

Đến nay, Việt Nam đã mở cửa được 16 thị trường cho 10 loại rau quả (thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, dưa hấu, mít, chuối, cà phê). Đặc biệt, đã có 9 loại quả tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ ra, nếu so với giao dịch rau quả toàn thế giới hàng năm là 317 tỷ USD thì Việt Nam mới chỉ chiếm trên 1%. Bộ trưởng nhìn nhận khâu yếu nhất của Việt Nam chính là chế biến và thị trường.

Trong ba năm 2017-2019 các doanh nghiệp trên đã đầu tư xây dựng mới 8 nhà máy chế biến rau quả hiện đại với công suất khoảng 180.000 tấn sản phẩm/năm với số vốn đầu tư 6.152 tỷ đồng. Nhiều công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại được sử dụng như thiết bị đóng gói của Tetra pak; công nghệ và thiết bị cô đặc có thu hồi hương; công nghệ và thiết bị sấy lạnh, sấy bơm nhiệt...

Theo số liệu điều tra sơ bộ của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (BộNNPTNT), tổng công suất thiết kế của các cơ sở chế biến quy mô công nghiệp gần 1,1 triệu tấn sản phẩm/năm nhưng sản lượng thực tế chỉ đạt khoảng trên 600 -700 nghìn tấn sản phẩm/năm. Tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế bình quân là 56,2%. 

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2019 đã giảm 400 triệu USD so với cùng kỳ năm trước chỉ đạt 2,4 tỷ USD. Điều này là do ảnh hưởng của việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát chất lượng, chủng loại và phương thức nhập khẩu các mặt hàng rau quả từ Việt Nam. 

Các thị trường xuất khẩu rau quả khác như Nhật, Úc, Mỹ, EU dù về lý thuyết là rất rộng mở, song hầu như rau quả Việt không có đường vào bởi khó tuân thủ quy trình sản xuất, độ an toàn và chất lượng, kiểu loại vào thị trường các nước khó tính này. 

Mới đây, xoài, chanh leo, vú sữa của Việt Nam đã được phép xuất đi một số thị trường như Nhật, Úc và Mỹ, tuy nhiên chỉ số lượng hạn chế. Nguyên nhân chính là do chi phí logistics chiếm tỷ lệ rất lớn trong giá thành của nhiều ngành hàng tại Việt Nam.

Qua khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chi phí logistics trong ngành rau quả chiếm 29,5% trong giá thành. Cùng với đó, tổn thất trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, lưu thông rau quả lớn do chưa đầu tư mạnh về logistics. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, còn rất nhiều bên thu mua, vận chuyển nên chuỗi cung ứng còn rời rạc. 

Những đơn vị này thường thiếu những trang thiết bị, cơ sở vật chất để vận hành chuỗi cung ứng rau quả dẫn đến mức độ cơ giới hóa thấp cũng như năng lực vận chuyển, bảo quản hạn chế nên tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao.

"Những nước phát triển hơn có xe lạnh phục vụ tận vườn, còn tại Việt Nam, sau khi thu hoạch thì vận tải bằng các phương tiện thô sơ như xe ba gác, xe máy hoặc ghe thuyền nhỏ chở tới khu tập kết, đổ xuống sàn, xuống đất mới đưa vào kho lạnh nên tổn thất sau thu hoạch rất cao lên đến 20 - 30%" - Bộ NNPTNT đánh giá.

Đến năm 2030, ngành chế biến rau quả phát triển hiệu quả, an toàn và bền vững; năng lực chế biến đáp ứng được yêu cầu sản xuất và nhu cầu thị trường tiêu thụ; có trình độ công nghệ tiên tiến và được gắn với các vùng sản xuất rau quả tập trung, sản lượng hàng hóa lớn; sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao; góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem