Bộ NNPTNT hỗ trợ thêm 100 tỷ cho Dự án hồ chứa nước ở Lạng Sơn

12/06/2020 14:34 GMT+7
Bộ NNPTNT đề nghị tỉnh Lạng Sơn trong khoảng thời gian từ tháng 7 - 10/2020 phải thực hiện di dời toàn bộ hộ dân trong khu vực ảnh hưởng của lòng hồ để có thể tích nước. Đồng thời hỗ trợ phần kinh phí tăng thêm cho Lạng Sơn với số tiền là 100 tỷ đồng.

Ngày 10/6, đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn có buổi kiểm tra dự án hồ chứa nước Bản Lải, thuộc huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. 

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, dự án hồ chứa nước Bản Lải là một trong những dự án lớn đạt tiến độ và chất lượng cao của Bộ. Bộ đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Lạng Sơn trong triển khai dự án; nhất là việc đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình đầu mối vượt 8 tháng so với kế hoạch đề ra.

Thứ trưởng đề nghị Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 2 - trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực chỉ đạo nhà thầu thi công, sớm hoàn thành đập và bắt đầu tích nước chậm nhất trong tháng 12/2020. Đồng thời, các đơn vị tính toán thực hiện thi công hoàn trả mặt đường, đoạn ảnh hưởng do quá trình thi công dự án phù hợp với quy hoạch của địa phương và đảm bảo kinh phí thực hiện, hạng mục này hoàn thành trước dịp Tết âm lịch 2021.

Bộ NNPTNT hỗ trợ thêm 100 tỷ cho Dự án hồ chứa nước ở Lạng Sơn  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tại buổi làm việc. (Ảnh: TTXVN)

Bộ NNPTNT cũng đề nghị tỉnh Lạng Sơn trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10/2020 phải thực hiện di dời toàn bộ hộ dân trong khu vực ảnh hưởng của lòng hồ để có thể tích nước. Cùng với đó là xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai chi tiết, đảm bảo an toàn cho người, tài sản khu vực lòng hồ.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ phần kinh phí tăng thêm cho Lạng Sơn với số tiền là 100 tỷ đồng để tỉnh đảm bảo thực hiện dự án. 

Ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cam kết địa phương sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện các công việc, nhiệm vụ để đảm bảo thực hiện dự án đúng theo tiến độ đề ra. Theo đó, yêu cầu Sở NNPTNT và huyện Lộc Bình tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện tốt di dời các hộ trong khu vực lòng hồ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, việc giải phóng mặt bằng dự án hồ chứa nước Bản Lải đã hoàn thiện xong trích đo, trích lục toàn bộ diện tích là 1.327,5 ha; hoàn thiện kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với trên 666 ha. Đối với xây dựng 2 khu tái định cư Pò Háng và Pắn Pé, đã thực hiện khởi công, hiện đang san lấp mặt bằng. Trong thu dọn lòng hồ, chủ đầu tư đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng, dự kiến khởi công trong tháng 6/2020. Kết quả giải ngân hợp phần trên đến thời điểm hiện tại trên 870 tỷ đồng, đạt 85,37% kế hoạch… 

Bộ NNPTNT hỗ trợ thêm 100 tỷ cho Dự án hồ chứa nước ở Lạng Sơn  - Ảnh 2.

Dự án hồ chứa nước Bản Lải hiện vẫn đang gấp rút thi công các hạng mục của công trình để sớm đưa công trình vào hoạt động.

Tuy nhiên, hiện dự án vẫn còn gặp khó trong giải phóng mặt bằng, do khối lượng kiểm đếm lớn, ảnh hưởng trên địa bàn rộng, thực hiện đồng thời trên nhiều thôn bản, nhưng thời gian thực hiện ngắn nên gây khó khăn trong thống kê, đo đạc, kiểm đếm; cùng với đó, hồ sơ đất đai còn chưa đồng bộ, bất cập. Do đó, trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn gặp khó khăn, vướng mắc. Theo thống kê, toàn dự án còn 154 hộ dân bị ảnh hưởng dưới cao trình 305,5m của lòng hồ chưa thực hiện xong việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

Tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền tiếp tục hỗ trợ tỉnh phần kinh phí tăng thêm để có thể hoàn thành hợp phần dự án do tỉnh làm chủ đầu tư. 

Dự án Hồ chứa nước Bản Lải được phê duyệt theo Quyết định số 4183/QĐ-BNN-XD của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện trong thời gian 3 năm từ 2018 - 2021, tổng mức đầu tư là 2.998, 5 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ 20/10/2018, mục đích của dự án là xả nước đảm bảo dòng chảy môi trường hạ du trong mùa khô, kết hợp nuôi trồng thủy sản và phát điện. Đồng thời, cấp nước tưới cho 2.045ha đất canh tác, nước sinh hoạt cho 122.000 người dân và hoạt động công nghiệp. Hiện nay, dự án vẫn đang gấp rút thi công các hạng mục của công trình để sớm đưa công trình vào hoạt động.


PV
Cùng chuyên mục