Bộ NNPTNT tháo gỡ vướng mắc trong kiểm dịch thủy sản nhập khẩu, doanh nghiệp giảm gánh nặng

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 03/08/2022 19:23 PM (GMT+7)
Bộ NNPTNT vừa ban hành thông tư mới, gỡ khó nhiều vướng mắc trong kiểm dịch thủy sản nhập khẩu. Với những chính sách thông thoáng, cộng với thị trường rộng mở, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến kỳ vọng xuất khẩu thủy sản sẽ đạt trên 10 tỷ USD trong năm 2022.
Bình luận 0

Gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản

Bộ NNPTNT vừa ban hành Thông tư 06/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. 

Theo đó, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu được miễn kiểm dịch.

Thông tư 06/2022 sửa đổi, bổ sung danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản miễn kiểm dịch. 

Cụ thể, danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản miễn kiểm dịch gồm: Động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu thuộc diện ngoại giao; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu; sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu thử nghiệm; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu để trưng bày hội chợ, triển lãm; sản phẩm động vật thủy sản làm thực phẩm xuất khẩu bị triệu hồi hoặc trả về.

Gỡ vướng mắc kiểm dịch thủy sản nhập khẩu - Ảnh 1.

Thu hoạch cá tra tại Đồng Tháp. Ảnh: T.B

Gỡ vướng mắc kiểm dịch thủy sản nhập khẩu - Ảnh 2.

Theo thông tư mới, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch gồm: sản phẩm động vật thủy sản (bao gồm cả phôi, trứng, tinh dịch và ấu trùng của các loài thủy sản) ở dạng tươi sống, ướp lạnh, đông lạnh; các đối tượng sản phẩm động vật thủy sản khác thuộc diện phải kiểm dịch theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Trước đó, ngày 29/4/2022, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản góp ý dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.

Ngày 7/6/2022, Cục Thú y đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến thẩm định dự thảo thông tư sửa đổi này. 

Ngay sau đó, ngày 9/6/2022, VASEP đã có công văn đề nghị Cục Thú y bổ sung vào dự thảo quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu, vì đây là nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời góp phần đáp ứng yêu cầu về kiểm soát và quản lý Nhà nước hiện hành trong công tác kiểm tra thủy sản có nguồn gốc nhập khẩu.

Việc chuyển sang loại hình nào, thì doanh nghiệp cần phải thực hiện đầy đủ quy trình khai báo, chịu kiểm tra theo quy định hiện hành của loại hình đó. 

Khi đó, cơ quan thú y có đủ công cụ kiểm soát để đảm bảo các lô hàng thủy sản được chuyển loại hình nhập khẩu không gây mất an toàn thực phẩm và không có bằng chứng nào khẳng định là "tạo ra sự cạnh tranh không công bằng" với các lô hàng nhập khẩu khác do đã được kiểm tra theo đúng quy định để xác nhận lô hàng đảm bảo về an toàn thực phẩm.

Theo đánh giá của VASEP, những thay đổi đáng kể trong Thông tư 06/2022 là một tin vui đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản, giúp các doanh nghiệp phần nào giảm bớt gánh nặng trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện tại. 

Thông tư thực sự tháo gỡ một gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp thuỷ sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu trong bối cảnh nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định và thiếu hụt theo mùa vụ.

Kỳ vọng xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 10 tỷ USD

Lãnh đạo VASEP cho hay, trong 7 tháng năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản đạt gần 6,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả này, xuất khẩu thuỷ sản đang có dấu hiệu hạ nhiệt, tăng trưởng chậm lại. 

Cụ thể, xuất khẩu thủy sản tăng 34% trong tháng 5 và tăng 18% trong tháng 6. Sang tháng 7, xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục chững lại với giá trị 970 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 4% so với tháng 6/2022.

Nguyên nhân giảm được VASEP chỉ ra là từ tháng 5 là do thời tiết bất lợi, mưa sớm hơn so với mọi năm làm ảnh hưởng đến đến sản lượng thủy sản, gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi khiến cho cho sản lượng tôm giảm, đồng thời nguồn hàng dự trữ từ năm ngoái cũng đã cạn dần.

Riêng xuất khẩu tôm trong tháng 6 đã giảm 1% so với cùng kỳ năm trước vì vấn đề thiếu hụt nguyên liệu. Sang tháng 7, xuất khẩu tôm tiếp tục giảm gần 13%, đạt 385 triệu USD. Trong 7 tháng, xuất khẩu tôm đạt 2,65 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản xuất tôm trong nước và nhu cầu tôm thế giới được dự báo là không khả quan trong 6 tháng cuối năm. Nguồn cung tôm của các nước sản xuất tăng mạnh, lượng nhập khẩu của các thị trường chính như Mỹ, EU tăng trong nửa đầu năm sẽ dẫn đến lượng tồn kho tăng và nhu cầu chững lại trong nửa cuối năm.

Xuất khẩu cá tra cũng tăng trưởng chậm lại do nhu cầu nhập khẩu có xu hướng chững lại ở một số thị trường chứ không phải vấn đề ở nguồn nguyên liệu. Trong 7 tháng, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2022.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định, dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản có xu hướng chậm lại nhưng xuất khẩu thủy sản năm 2022 vẫn có khả năng thu 10 tỷ USD nhờ thị trường xuất khẩu khả quan, nguồn nguyên liệu dồi dào và các doanh nghiệp đang rất tích cực mở rộng thị trường. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem