Bỏ phố về quê, 8X Quảng Nam làm giàu từ thứ đồ mà nhà giàu hay nhà nghèo đều phải dùng

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ năm, ngày 23/03/2023 06:26 AM (GMT+7)
Anh Võ Xuân Quâng (40 tuổi, trú thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã chọn cho mình con đường khởi nghiệp bằng nghề làm đũa mỹ nghệ, hiện cơ sở sản xuất hơn 160.000 đôi đũa mỗi tháng, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm.
Bình luận 0

Vượt khó khởi nghiệp

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Quâng nói: "Lúc nhỏ tôi bị thương nặng vì nổ lựu đạn, mất trí gần 2 năm, cố gắng học đến lớp 9 thì nghỉ học vào TP. Hồ Chí Minh học làm thợ sửa xe, đến thợ cơ khí. Sau đó được người quen giới thiệu qua làm ở công ty sản xuất đũa gỗ mỹ nghệ được 3 năm.

Công việc đang rất ổn định, nhưng mong muốn được ở gần ba mẹ đã thôi thúc tôi bỏ phố về quê năm 2008. Sau đó tôi lập gia đình và mở cơ sở sản xuất đũa gỗ để phát triển kinh tế".

Bỏ phố về quê, 8X xứ Quảng đã giúp cho hàng chục lao động thoát nghèo - Ảnh 1.

Dù gặp nhiều khó khăn về vốn và công nghệ máy móc, nhưng anh Quâng luôn nỗ lực và đã thành công. Ảnh: T.H.

Với số vốn 21 triệu đồng, anh Quâng đầu tư mua một số máy móc thông thường để hỗ trợ sản xuất đũa gỗ bình dân.

Sau một thời gian, nhận thấy thị hiếu khách hàng đã thay đổi, nhu cầu sử dụng đũa mỹ nghệ cao cấp, an toàn và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ngày càng cao. Do đó, năm 2020 anh bắt đầu tìm hiểu chuyên sâu, làm ra sản phẩm sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và cải tiến đa dạng mẫu mã, kiểu dáng.

Bỏ phố về quê, 8X xứ Quảng đã giúp cho hàng chục lao động thoát nghèo - Ảnh 2.

Anh Quâng sản xuất các dòng đũa gỗ cao cấp, không chỉ bền, đẹp mà giá cả phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Ảnh: T.H.

Anh mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc và thiết bị hiện đại vào quá trình sản xuất, đẩy mạnh sản xuất dòng đũa gỗ cao cấp, không chỉ bền, đẹp mà giá cả phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.

Anh Quâng chia sẻ, để gắn bó với nghề làm đũa gỗ tới ngày hôm nay, anh đã phải đánh đổi nhiều thứ, thậm chí phải bán nhà để có tiền đầu tư vào xưởng. Thiếu vốn và gặp khó về công nghệ khiến anh tổn thất hàng trăm triệu đồng. Nhưng với ý chí làm cho đến cùng và không được bỏ cuộc, anh đã gầy dựng được xưởng sản xuất đũa gỗ hoạt động vững mạnh.

Với vốn hiểu biết tích luỹ khi là công nhân làm đũa, anh Quâng mày mò và chế tạo thành công các máy: rọc đũa, chuốt đũa, se đũa và trộn đũa, phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất đũa gỗ tại xưởng của mình.

Anh Quâng tâm sự: "Để làm ra những chiếc máy này tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Tôi mua sắt về nghiên cứu chế tạo, lắp ráp tạo máy làm đũa nhưng không thành công, sản phẩm làm ra không đạt, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

Bỏ phố về quê, 8X xứ Quảng đã giúp cho hàng chục lao động thoát nghèo - Ảnh 4.

Anh Võ Xuân Quâng bỏ phố về quê khởi nghiệp năm 2008. Ảnh: T.H.

Gia đình thấy vậy thì ra sức khuyên bảo tôi nên dừng lại. Nhưng tôi vẫn cố gắng tìm tòi, học hỏi và miệt mài nghiên cứu. Đến nay, tôi đã chế tạo thành công những chiếc máy như mong muốn, đáp ứng được yêu cầu cao trong sản xuất".

Thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm

Để làm ra những đôi đũa chất lượng phải trải qua nhiều công đoạn, với 15 máy móc hoạt động. Từ khúc gỗ ban đầu, anh Quâng cưa bỏ những phần dư thừa, cắt thành từng khúc gỗ dài vừa tầm một chiếc đũa. Sau đó xẻ ra từng phách và cắt nhỏ thành kích cỡ của một chiếc đũa.

Anh cho vào máy tuốt để gọt bỏ lớp vỏ xù xì bên ngoài, chuốt đũa cho tròn, sấy khô khoảng 3 tiếng rưỡi, đánh bóng…. Những chiếc đũa được bó thành từng bó lớn, xử lý vệ sinh và đóng gói.

Bỏ phố về quê, 8X xứ Quảng đã giúp cho hàng chục lao động thoát nghèo - Ảnh 5.

Hiện xưởng sản xuất đũa của anh Quâng giải quyết cho 13 lao động tại địa phương, với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: T.N.

Bỏ phố về quê, 8X xứ Quảng đã giúp cho hàng chục lao động thoát nghèo - Ảnh 6.

Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Quâng còn giúp hàng chục lao động địa phương thoát nghèo. Ảnh: T.H.

Đũa gỗ dừa hiện là sản phẩm bán chạy nhất tại cơ sở của anh Quâng. Bởi gỗ dừa dùng làm đũa có đặc tính chịu dầu cao, nhẹ nên dễ cầm nắm, bền chắc, không cong vênh, mối mọt, màu sắc đẹp tự nhiên và sang trọng.

Anh Quâng thành lập Hợp tác xã sản xuất và thương mại đũa gỗ mỹ nghệ Nam Dương năm 2020, sản xuất trên diện tích 250m2. Với tiêu chí sản xuất đũa sạch, thân thiện với môi trường, không hoá chất, không phẩm màu, không chất bảo quản.

Bỏ phố về quê, 8X xứ Quảng đã giúp cho hàng chục lao động thoát nghèo - Ảnh 7.

Mỗi tháng hợp tác xã của anh Quâng xuất bán ra thị trường hơn 160.000 đôi đũa. Ảnh: T.H.

Bỏ phố về quê, 8X xứ Quảng đã giúp cho hàng chục lao động thoát nghèo - Ảnh 8.

Hiện cơ sở sản xuất đũa của anh Quâng nhận được đơn đặt hàng trên cả nước. Ảnh: T.H.

Cộng với sự sáng tạo đa dạng các mẫu mã, hoa văn bắt mắt, sang trọng và bền bỉ đã giúp thương hiệu đũa của anh được người tiêu dùng tin tưởng, tiêu thụ rộng rãi trên cả nước. Đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… mang lại cho anh nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

Bỏ phố về quê, 8X xứ Quảng đã giúp cho hàng chục lao động thoát nghèo - Ảnh 9.

Sản phẩm đũa gỗ cao cấp của anh Quâng đã được công nhận OCOP 3 sao tỉnh Quảng Nam năm 2021. Ảnh: T.H.

Hiện nay, mỗi tháng hợp tác xã xuất bán hơn 160.000 đôi đũa, có giá dao động từ 13.000-50.000 đồng/chục. Tạo thu nhập ổn định cho 13 lao động địa phương, với mức lương trung bình 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Sản phẩm đũa gỗ cao cấp của anh Quâng đã được công nhận OCOP 3 sao tỉnh Quảng Nam năm 2021. Sắp tới, anh Quâng sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng và đầu tư thêm nhiều máy móc để đáp ứng số lượng đơn hàng ngày càng lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem