Bỏ qua thị trường nội địa với gần 100 triệu dân là "thiếu sót" của các doanh nghiệp sản xuất

THDV Thứ sáu, ngày 07/01/2022 21:09 PM (GMT+7)
Tại buổi toạ đàm với báo Dân Việt sáng 7/1, ông Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng nếu các doanh nghiệp chế biến nông thuỷ sản chỉ chú ý vào thị trường xuất khẩu mà bỏ qua thị trường nội địa gần 100 triệu dân thì thực sự vô cùng "thiếu sót".
Bình luận 0

Tầm quan trọng của thị trường nội địa đối với ngành chế biến nông, thủy sản.

Theo số liệu thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay Việt Nam có khoảng 800 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp phục vụ xuất khẩu và không ít các cơ sở này cũng đã quan tâm nhiều đến thị trường nội địa. Bên cạnh đó, Việt Nam có trên 3.200 cơ sở quy mô nhỏ chuyên chế biến các sản phẩm thủy sản phục vụ nội địa với tổng sản phẩm khoảng 600.000 tấn và giá trị đạt 23.000 tỷ đồng mỗi năm.

Do vậy tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cho biết, hiện nay ở Việt Nam, ở các thành phố đang phát triển rất mạnh, nông thôn cũng đã thay đổi rất nhiều, mức sống của người dân đã khác hẳn trước. Chính vì vậy doanh nghiệp nên quan tâm đến thị trường nội địa.

"Đối với các doanh nghiệp chế biến biến nông thuỷ sản, thị trường 10 triệu dân đã là rất quý, nên với gần 100 triệu dân trong nước mà bỏ qua thì quá lãng phí và thiếu sót", ông Hùng nói.

Bỏ qua thị trường gần 100 triệu dân là "thiếu sót" của các doanh nghiệp sản xuất - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Lân Hùng Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam phát biểu tại buổi toạ đàm.

Ngoài ra ông Hùng còn cho biết, hiện tại hệ thống giao thông vận tải tại Việt Nam rất thuận lợi, kết nối giữa các vùng không còn khó khăn, do đó việc đưa sản phẩm nông thủy sản đến với các vùng quê rất thuận lợi. Do vậy, các nhà xuất khẩu, phân phối sản phẩm nông thủy sản phải thực sự quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa.

"Nhìn các mặt hàng nông sản của Việt Nam ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc "xót xa lắm", vì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, tìm giải pháp để tiêu thụ được nông thủy sản trong nước là việc làm rất quan trọng", ông Hùng bày tỏ thêm.

Nói về thị trường khai thác thuỷ sản tại Việt Nam hiện nay, ông Lê Thanh Hòa - Cục phó Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - cho biết, năng lực sản xuất nông thủy sản của Việt Nam rất lớn. Hiện nay, Việt Nam đang trong top 56 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu trên thế giới.

"Hiện nay đang dịch chuyển từ khai thác tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản, để phục vụ cho xuất khẩu bền vững. Có rất nhiều sản phẩm thủy sản của Việt Nam vào được thị trường khó tính trên thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng đến thị trường tiêu thụ trong nước", ông Hoà nói.

Bỏ qua thị trường gần 100 triệu dân là "thiếu sót" của các doanh nghiệp sản xuất - Ảnh 2.

Ông Lê Thanh Hòa, Cục phó Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Về chính sách, ông Hoà cho hay: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam để sửa đổi một số quy định về dư lượng chất kháng sinh trong các sản phẩm thủy sản. Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông thủy sản tại thị trường nội địa".

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng đồng tình với các quan điểm trên và cho rằng hiện nay ở Việt Nam, thành phố phát triển rất mạnh, nông thôn cũng đã thay đổi rất nhiều, mức sống của người dân đã khác hẳn trước. Chính vì vậy doanh nghiệp nên quan tâm đến thị trường nội địa.

"Trong một thời gian người sản xuất nông thủy sản dùng nhiều chất kích thích, dẫn đến người tiêu dùng trong nước mất niềm tin với sản phẩm trong nước nên đã bỏ tiền ra mua các hoa quả, thủy sản nhập, mặc dù sản phẩm trong nước giá rẻ hơn nhiều, bởi vì họ không dám ăn chứ không phải không có tiền. Tất cả việc này là rào cản về mặt nhận thức, chúng ta cần thay đổi vấn đề này", chuyên gia kinh tế bày tỏ quan điểm.

Bỏ qua thị trường gần 100 triệu dân là "thiếu sót" của các doanh nghiệp sản xuất - Ảnh 3.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong tại buổi toạ đàm.

TS. Nguyễn Việt Dũng - Viện KH&CN Nhiệt Lạnh, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, dứng trên vai người tiêu dùng, năm 2022 là hậu duệ của 3 năm Covid nên nhiều chuỗi cung ứng, kinh doanh đã thay đổi và thương mại điện tử đi kèm với chuyển đổi số sẽ rất phổ biến. Không gian mạng sẽ đi thẳng từ người sản xuất đến người tiêu dùng mà không có các giai đoạn trung gian vì vậy đây cũng là cơ hội để thúc đẩy một hướng đi mới trong tiêu thụ nông, thủy sản trong thời gian tới.

Bỏ qua thị trường gần 100 triệu dân là "thiếu sót" của các doanh nghiệp sản xuất - Ảnh 4.

TS. Nguyễn Việt Dũng - Viện KH&CN Nhiệt Lạnh, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội

Với góc nhìn của một doanh nghiệp sản xuất, ông Hoàng Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP XNK Natur Fish (natufood.com.vn) chia sẻ, có thể thấy thị trường nội địa chính là một lợi thế cạnh tranh, là một cơ hội phải làm thật nhanh và quyết tâm đầu tư càng sớm càng tốt. Tuy nhiên ông cũng cho biết, doanh nghiệp cũng gặp phải một số khó khăn khi chinh phục thị trường nội địa: Thay đổi thói quen dùng đồ tươi sống sang đồ đông lạnh của người dân, giá thành, mặt bằng, chi phí kinh doanh... Chính vì vậy, rất cần các cơ quan chức năng có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để khai thác thị trường tiềm năng này.

Bỏ qua thị trường gần 100 triệu dân là "thiếu sót" của các doanh nghiệp sản xuất - Ảnh 5.

Ông Hoàng Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP XNK Natur Fish.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem