Bổ sung quy định quản lý chặt gỗ nhập khẩu, đảm bảo nguồn gốc gỗ không có loài rủi ro

K.Nguyên Thứ sáu, ngày 11/11/2022 06:06 AM (GMT+7)
Doanh nghiệp phải thực hiện bản kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu, nộp bổ sung tài liệu nếu gỗ nhập khẩu từ loài rủi ro. Đồng thời, tăng trách nhiệm, công việc cho cán bộ hải quan cửa khẩu khi làm thủ tục thông quan.
Bình luận 0

Bên cạnh việc đẩy mạnh cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cũng chủ trương tăng cường kiểm soát nguồn gốc gỗ nhập khẩu để đảm bảo không có loài rủi ro, ảnh hưởng đến uy tín ngành gỗ Việt bằng cách bổ sung các quy định để kiểm soát chặt nguồn gốc gỗ nhập khẩu.

Bổ sung quy định để kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu

Chia sẻ tại hội thảo "Tìm hiểu về tính hợp pháp của gỗ châu Phi nhập khẩu tại Việt Nam" do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Tổ chức Forest Trends tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Tiến - Trưởng phòng Điều tra, xử lý vi phạm về lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, để đảm bảo gỗ nhập khẩu vào Việt Nam là hợp pháp nên Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đã tăng thêm thủ tục hành chính và thời gian thông quan cho các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ.

Theo đó, doanh nghiệp phải thực hiện bản kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu, nộp bổ sung tài liệu nếu gỗ nhập khẩu từ loài rủi ro. Đồng thời, tăng trách nhiệm, công việc cho cán bộ hải quan cửa khẩu khi làm thủ tục thông quan.

Bổ sung quy định quản lý chặt gỗ nhập khẩu, đảm bảo nguồn gốc gỗ không có loài rủi ro - Ảnh 1.

Chế biến gỗ tại làng nghề mộc Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh: P.V

Bổ sung quy định quản lý gỗ nhập khẩu - Ảnh 2.

"Đối với những loại gỗ rừng trồng trong nước, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, chúng tôi sẽ giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các đơn vị cá nhân hoạt động nhưng để kiểm soát chặt nguồn gỗ nhập khẩu, loại bỏ những loài rủi ro để đảm bảo nguồn gốc gỗ sử dụng trong chế biến là minh bạch, hợp pháp thì ngành chức năng buộc phải bổ sung thêm quy định, tăng thủ tục hành chính"- ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, để giảm bớt gánh nặng hành chính cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ. 

Thông tư nhằm đánh giá mức độ rủi ro của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp trong việc tuân thủ các yêu cầu của Hệ thống VNTLAS để thực hiện các biện pháp xác minh phù hợp, hiệu quả và kịp thời; đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.

Tuy nhiên, hiện nay, việc phân loại doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác minh kết quả kê khai của doanh nghiệp vì thiếu cơ chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm với các ban/ngành liên quan trong tỉnh, thiếu kết nối thông tin giữa các cơ quan liên quan. 

Hay khó khăn trong việc xác định tiêu chí tuân thủ quy định về phòng chống cháy rừng do ngành cảnh sát phòng chống cháy rừng ở mỗi địa phương có hướng dẫn khác nhau hoặc chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể…

Bên cạnh đó chưa có phần mềm đồng bộ và Hệ thống thông tin phân loại điện tử của Cục Kiểm lâm (đang xây dựng) để thực hiện phân loại doanh nghiệp trực tuyến. "Trước những khó khăn, vướng mắc trong thực thi Nghị định số 102/2020/NĐ-CP, Bộ NNPTNT sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung năm 2023", ông Nguyễn Văn Tiến cho hay và khuyến cáo doanh nghiệp cần kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu, nộp bổ sung tài liệu nếu gỗ nhập khẩu từ loài rủi ro.

Kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu

Với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, có thể thấy, gỗ nhập khẩu, đặc biệt là gỗ tròn (HS 4403) và gỗ xẻ (HS 4407) đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của ngành. 

Theo thống kê, hàng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn (RWE) từ hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Châu Phi trở thành nguồn cung cấp gỗ nhiệt đới quan trọng nhất của Việt Nam, khoảng 1,3 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ, trị giá hơn nửa tỷ USD mỗi năm.

Nhập khẩu gỗ của châu Phi vào Việt Nam ngày càng mở rộng. Những mặt hàng nhập khẩu đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Cameroon, Gabon, Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Congo là những quốc gia có nguồn cung cấp chính. Số lượng các loài nhập khẩu từ châu Phi cũng rất lớn.

Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: Chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA FLEGT) với Liên minh châu Âu vào năm 2018. Trong Nghị định số 102/2020/ND-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) đã nêu rõ các yêu cầu được thống nhất trong Hiệp định VPA FLEGT nhằm đảm bảo tất cả các sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước đều hợp pháp.

"Kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu, bao gồm cả gỗ nhập khẩu từ châu Phi là một yếu tố trọng tâm của VNTLAS. Hiểu biết các yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu từ châu Phi là chìa khóa để thực thi VNTLAS"-ông Hoài nhấn mạnh.

Trên thực tế, gỗ nhập khẩu từ châu Phi ngày càng được nhân rộng, song tại Việt Nam, thông tin liên quan tới các yêu cầu về tính hợp pháp tại các quốc gia khai thác gỗ ở châu Phi còn khan hiếm. Thông tin ít ỏi có thể cản trở sự tuân thủ của người tham gia, từ đó tạo ra những rủi ro về tính hợp pháp của các sản phẩm nhập khẩu. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem