Bộ Tài chính chọn "bỏ vai", ai sẽ quản thị trường xăng dầu?

An Linh Chủ nhật, ngày 05/02/2023 17:07 PM (GMT+7)
Trong khi Bộ Công Thương đề nghị cả Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cùng tham gia quản lý thị trường xăng dầu, Bộ Tài chính từ chối, đề nghị giao toàn quyền quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương.
Bình luận 0

Hai Bộ quản xăng dầu phát sinh thêm quy trình, bất cập

Theo các quy định của Nghị định 83, 95, Bộ Công Thương sẽ quản lý, điều hành hệ thống phân phối, nhập khẩu, lưu thông, cấp phép kinh doanh bán lẻ.. Toàn bộ chuỗi phân phối, số lượng và chất lượng xăng dầu trên thị trường sẽ được quản lý bởi Vụ thị trường trong nước, thanh tra Bộ, Tổng cục Quản lý thị trường….

Còn Bộ Tài chính tham dự quản lý thị trường xăng dầu với chức năng tính toán các loại cấu thành giá để xác định giá cơ sở, giá bình quân gia quyền; quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường… Về nguyên tắc, Bộ Tài chính không vận hành thị trường xăng dầu mà chỉ tham gia với vai trò xác định giá.

Bộ Tài chính chọn "bỏ vai", ai sẽ quản thị trường xăng dầu? - Ảnh 1.

Bộ Tài chính muốn một mình Bộ Công Thương quản lý để chủ động, tự chịu trách nhiệm về thị trường xăng dầu (Ảnh minh hoạ)

Tại tờ trình dự thảo lần thứ nhất, Bộ Công Thương đưa ra phương án thống nhất một đơn vị quản lý chung thị trường xăng dầu. Tuy nhiên, tại dự thảo lần thứ 2, Bộ Công Thương quay trở lại với quan điểm để nguyên như hiện nay, tức là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cùng quản lý thị trường xăng dầu.

Tại góp ý dự thảo lần 2, Bộ Tài chính cho rằng Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ thuộc công tác điều hành giá xăng dầu lại được phân công cho Bộ Tài chính như giám sát trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở dẫn đến sự phân tán trong khâu tổ chức thực hiện.

"Vì vậy, đề nghị sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP để giao thống nhất về một cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu, đồng thời là cơ quan điều hành giá xăng dầu để tăng tính chủ động, nâng cao hiệu quả hoạt động", Bộ trường Bộ Tài chính nói.

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính Bộ Công Thương là cơ quan quản lý, cấp phép các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu; hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu; hướng dẫn thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu; bảo đảm việc cung ứng xăng dầu được ổn định, đáp ứng nhu cầu xăng dầu trên địa bàn.

Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, Bộ Công Thương nắm được chi tiết các khâu tổ chức hoạt động, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị; các chi phí cần thiết phát sinh để duy trì, phát triển hệ thống phân phối; tình hình cung cầu, diễn biến giá xăng dầu nguyên liệu và thành phẩm.

Vì vậy, nếu Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì điều hành giá cơ sở xăng dầu có thể chủ động xác định chính xác và tính toán các yếu tố hình thành giá cơ sở và công bố điều hành; chủ động phương án điều hành trong những tình huống thiếu hụt, bất thường.

Theo Bộ Tài chính, việc phân tán như hiện nay làm phát sinh thêm quy trình và gây khó khăn cho cơ quan điều hành giá vì giá cơ sở là tổng hòa của các yếu tố hình thành giá, không chỉ đơn giản là việc quyết định tăng/giảm giá tại thời điểm điều hành giá.

Thực tế, việc hai bộ cùng quản lý thị trường xăng dầu đã bộc lộ nhiều vấn đề, trong đó chủ yếu là những bất động qua lại giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về cơ chế giá, Bộ Công Thương đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính xem xét tăng chi phí tính giá cơ sở, tăng giá, premium xăng dầu trong nước và xăng dầu nhập khẩu. 

Việc hai bộ cùng quản lý thị trường xăng dầu khiến cho trách nhiệm và quy trách nhiệm về một cơ quan là khó khăn, hiện tượng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đổ lỗi lẫn nhau xung quanh hàng loạt vấn đề của thị trường xăng dầu năm 2022 đã nói lên tất cả.

Ai quản sẽ tốt hơn cho thị trường xăng dầu?

Theo GS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, hiện nay Bộ Công Thương quản ly chuỗi phân phối, cấp phép nhập khẩu, giám sát tồn kho và tổng nguồn phân giao cho các doanh nghiệp, địa phương. Trong khi Bộ Tài chính chỉ tham gia duy nhất vào nhiệm vụ giá. Nếu chúng ta chuyển chức năng xây dựng giá từ Bộ Tài chính, sang Bộ Công Thương là sẽ bỏ được một khâu, chức năng quản lý liên đới giữa hai Bộ cũng không còn nữa.

"Bộ Công Thương cấp phép nhập xăng dầu, phân giao, quản lý bán lẻ, giám sát thị trường… Tức là làm đến 90% và chịu trách nhiệm toàn bộ về chuỗi cung ứng. Nếu ta chuyển Bộ Công Thương quản lý, sẽ nâng cao được chủ động, trách nhiệm đồng thời dễ chỉ ra yếu kém, khắc phục, thậm trí quy trách nhiệm", ông Thịnh cho hay.

chia sẻ với PV Dân Việt, ông Giang Chấn Tây, giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Trà Vinh cho rằng, về quản lý hiện nay nếu một bộ quản lý sẽ dễ dàng trong việc điều tiết thị trường, đơn cử là xây dựng giá không phải xin ý kiến bộ này, bộ kia, dễ dàng thay đổi giá cơ sở nếu các yếu tố đầu vào và chứng minh được giá đó doanh nghiệp đưa ra là đúng đắn.

"Trước đây, chúng ta để giá cho Bộ Tài chính quản bởi nó phù hợp với cơ chế quản kiểm. Về xây dựng giá, không ai làm tốt hơn Bộ Tài chính, nhưng khi thị trường biến động, các yếu tố giá hàng hoá thay đổi và dữ liệu giá hiện nay được cập nhật và công khai, việc xác định giá cho xăng dầu trở nên dễ dàng hơn, thuận lợi hơn, việc chuyển chức năng xây dựng giá về cho Bộ Công Thương là phù hợp, không có gì đáng lo", ông Tây cho hay.

Về tầm nhìn chung, nhiều chuyên gia đánh giá việc hai bộ quản lý thị trường xăng dầu hay một bộ như đề xuất không quan trọng bằng việc vận hành trơn tru của thị trường. Thời gian vừa qua, rõ ràng thị trường xăng dầu có vấn đề về nguồn cung cơ sở (đứt gãy cục bộ ở đại lý bán lẻ đến người tiêu dùng, đại lý bán lẻ với nhà phân phối). Hay tranh cãi giữa giá điều hành với chi phí thực tế doanh nghiệp bỏ ra.

"Chỉ khi chúng ta tìm ra và nhìn đúng nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu bất ổn, chúng ta mới có giải pháp giải quyết ổn thoả. Bản thân Nghị định 83, 95 quy định Bộ Tài chính tham gia vào quản lý thị trường xăng dầu cũng có lý, ở chỗ là bên khách quan xây dựng giá, tránh việc một bộ vừa quản lý vừa điều tiết thị trường… Rõ ràng qua nhiều năm, không phát sinh vấn đề, giờ đây phát sinh thì phải tìm phương án giải quyết, có thể là dũng cảm chọn lựa", chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết

Theo quan điểm của Ts Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), bớt một khâu trung gian, bớt một bên có quyền lợi và chịu trách nhiệm và bớt một khâu cho doanh nghiệp cho thị trường. "Về điều này, tôi hoan nghênh và ủng hộ tư tưởng, quan điểm của Bộ Tài chính, họ đã từ bỏ quyền, lợi và trách nhiệm liên quan đến thị trường xăng dầu và nhìn thẳng vấn đề".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem