Bộ trưởng Bộ Công an: Những vụ việc tham nhũng trong lĩnh vực chứng khoán, đất đai để lại bài học lớn

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 20/03/2023 16:51 PM (GMT+7)
Theo Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, những vụ việc tham nhũng trên một số lĩnh vực như chứng khoán, tài chính, doanh nghiệp, đất đai... đã để lại bài học lớn, đặc biệt trong việc hoàn thiện xây dựng thể chế pháp luật, phòng ngừa tội phạm.
Bình luận 0

Chiều 20/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí.

Trả lời cùng Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí về việc hoàn thiện thể chế nhằm phòng ngừa tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, đây là vấn đề Bộ rất quan tâm. Một trong những vấn đề quan trọng là khắc phục sơ hở, thiếu sót trong quy định đối với các vấn đề cụ thể để đảm bảo hạn chế việc tham nhũng, khắc phục kịp thời hậu quả. 

Bộ trưởng Bộ Công an: Những vụ việc tham nhũng lĩnh vực như chứng khoán, đất đai để lại bài học lớn - Ảnh 1.

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Quốc hội

"Thời gian qua, những vụ việc tham nhũng trên một số lĩnh vực như chứng khoán, tài chính, doanh nghiệp, đất đai... đã để lại bài học lớn, đặc biệt trong việc hoàn thiện xây dựng thể chế pháp luật, phòng ngừa tội phạm. Cơ quan điều tra đã đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể từ những vụ việc này để đảm bảo thể chế chặt chẽ, quy định nghiêm minh, phòng ngừa hiệu quả tình trạng tham nhũng", người đứng đầu ngành công an nói và thông tin thêm, hầu hết những vụ án, cơ quan điều tra đều có kiến nghị về hoàn thiện chính sách, phòng ngừa tội phạm.

Khẳng định chủ trương đưa công an chính quy về xã vừa qua là rất đúng đắn, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc này đã mang lại hiệu quả cao. Trong đó có việc phân cấp cho công an xã tham gia một số việc điều tra, tiếp nhận tin báo tố giác… điều này đã giúp giải quyết vụ việc rất tốt. 

Vừa qua, Bộ cũng tổ chức thực hiện nhiều cuộc tập huấn, giám sát theo dõi chặt chẽ lực lượng ở các địa phương. Bản thân ngành công an khi thực hiện nhiệm vụ này cũng không tăng thêm biên chế.

Về cơ chế đặt tiền, bảo lãnh, Bộ trưởng Bộ Công an bày tỏ thống nhất với ý kiến của Viện trưởng VKSNDTC, theo đó, việc thực hiện cơ chế này nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, các yêu cầu của pháp luật, nâng cao hiệu quả xử lý các vụ việc.

Ngoài ra, về đề nghị giảm án cho phạm nhân cụ thể khi đã đảm bảo quá trình thi hành án theo quy định, Bộ trưởng cho rằng thời gian thi hành án chỉ là một trong những điều kiện, muốn xét giảm án thì phải theo quy trình chặt chẽ với nhiều điều kiện khác nhau, cần xem xét, cân nhắc một cách toàn diện, và việc này thuộc thẩm quyền của Tòa án.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem