Bộ trưởng Bộ Công Thương: Đàm phán xuất khẩu hàng cũng phải dùng "bia kèm lạc"

An Linh Thứ ba, ngày 07/06/2022 17:23 PM (GMT+7)
Đưa được một sản phẩm vật nuôi, nông sản vào các nước là rất khó khăn, vất vả. Đấu nhau từng tý một! Trong đàm phán, có một vấn đề khá vui là "bia kèm lạc", họ chấp nhận chúng ta sản phẩm này vào thị trường, họ cũng yêu cầu chúng ta chấp nhận họ một sản phẩm khác.
Bình luận 0

Tham gia trả lời tại phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV diễn ra chiều 7/6 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định Bộ này đã và đang phối hợp rất tốt để đưa nông sản Việt ra nước ngoài.

Đàm phán đưa hàng xuất khẩu đấu nhau từng tý một

Tại phiên chất vấn Bộ NN&PTNT, vấn đề trách nhiệm liên đới của Bộ Công Thương về vấn đề tắc nghẽn hàng xuất khẩu, được mùa nhưng mất giá trở thành "căn bệnh trầm kha" của nền nông nghiệp và hàng hoá Việt Nam, giải pháp của Bộ Công Thương là gì?

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Đàm phán xuất khẩu hàng phải dùng "bia kèm lạc" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp tốt với Bộ NN&PTNT làm tốt thông tin thị trường, định hướng sản xuất cho các vùng trồng, vùng nuôi, đẩy mạnh đàm phán đưa các sản phẩm của Việt Nam vào các thị trường, khai thác lợi thế của 17 FTAs mà Việt Nam đã ký.

Ông Diên kể: "Để đưa được một sản phẩm vật nuôi, nông sản vào các nước là rất khó khăn, vất vả. Đấu nhau từng tý một! Trong đàm phán, có một vấn đề khá vui là "bia kèm lạc", họ chấp nhận chúng ta sản phẩm này vào thị trường, họ cũng yêu cầu chúng ta chấp nhận họ một sản phẩm khác".

Về vấn đề cố hữu của nền nông nghiệp Việt Nam là "được mùa, lại mất giá", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, nguyên do chủ yếu là ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn manh mún, quy mô nhỏ bé, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, khó cho xuất khẩu, liên kết còn kém, kết nối sản xuất chưa song hành với thị trường.

Để hạn chế điều này, Bộ trưởng Bộ Công Thương cam kết sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các thủ tục cho hàng hoá xuất khẩu để thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Diên cho biết Bộ đang triển khai đề án được Chính phủ giao là xuất khẩu hàng hoá chính ngạch.

"Đến giờ này hoàn tất đề án và đang lấy ý kiến. Hiện có 18/63 địa phương đã cho ý kiến vào đề án xuất khẩu hàng chính ngạch, tôi đề nghị các địa phương được lấy ý kiến nhanh chóng cho ý kiến để hoàn tất đề án để trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 6, làm cơ sở cho thực hiện", ông Diên nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, các giải pháp hạn chế được mùa mất giá là cần thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, đẩy mạnh thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Với các địa phương, ông Diên đề nghị các địa phương nhanh chóng quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi nuôi, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

"Thương hiệu sản phẩm không ai khác do mình phải làm vừa tốt cho sản phẩm vừa tốt cho địa phương. Chúng tôi khuyến cáo cần liên kết trồng, chăm sóc, xuất khẩu nông sản và vật nuôi để có thương hiệu và sản phẩm cao", ông Diên nhấn mạnh.

Giá vật tư, nguyên liệu chăn nuôi tăng cao do đâu?

Vai trò địa phương rất quan trọng, ở đâu địa phương vào cuộc mạnh mẽ thì ở đó sản phẩm nông sản của chúng ta trở thành hàng hoá được.

Về vấn đề vật tư, giá phân bón, giá nguyên liệu đầu vào ngành nông nghiệp cao, gây khó khăn lớn cho người dân, đặc biệt ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, kinh doanh của người nông dân, chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: Giá vật tư, nguyên liệu nông nghiệp tăng cao thời gian qua chủ yếu do khan hàng, do đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều quốc gia kích cầu sản xuất, dẫn đến lạm phát giá cả, ảnh hưởng đến giá vật tư của Việt Nam.

Bộ Công Thương đã có những đề xuất chính sách giảm tiền điện, lãi suất, hỗ trợ tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào khác thay thế, tăng cường kiểm soát đầu ra, đầu vào.

"Đặc biệt chúng tôi cùng bộ ngành, tham mưu với Chính phủ nghiên cứu lại một số sắc thuế, trong đặc biệt điều kiện giá vật tư đầu vào tăng cao, giá nguyên liệu thế giới tăng cao, chúng ta phải sử dụng chính sách an sinh, đối với đối tượng yếu thế", ông Diên nói.

Ông Diên nhắc đi nhắc lại giải pháp rà soát chống tích trữ, tăng giá và đặc biệt là chính sách an sinh, hỗ trợ đối tượng yếu thế. 

Ông Diên khẳng định, giải pháp trước mắt khuyến cáo các địa phương quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi. Bám sát chặt chẽ thông tin thị trường, định hướng sản xuất, tăng cường đàm phán với các nước để đưa sản phẩm Việt Nam sang các nước nhiều hơn, giá trị cao hơn. Về dài hạn, Bộ trưởng Diên đề nghị ngành nông nghiệp có hướng phát triển quy mô lớn hơn, tập trung liên kết và gắn sản xuất với tín hiệu thị trường tốt hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem