Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Làm nông nghiệp, nếu biết cách sẽ giàu

Khánh Nguyên (thực hiện) Thứ năm, ngày 07/02/2019 06:46 AM (GMT+7)
Tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu nông sản xác lập con số mới, chương trình xây dựng nông thôn mới vượt chỉ tiêu... nhiều kỷ lục mới đã được ngành NNPTNT xác lập trong năm 2018. Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (ảnh), đây sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp và nông dân bước vào năm 2019 với thế và lực mới.
Bình luận 0

- Nhìn lại năm 2018, theo Bộ trưởng, đâu là điểm nhấn ấn tượng và đáng tự hào nhất, đâu là những điểm yếu cần khắc phục của lĩnh vực nông nghiệp?

Có thể khẳng định, năm qua, nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nông dân, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện.

Cụ thể, năm 2018, chúng ta đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây với giá trị GDP trong ngành nông nghiệp tăng 3,67%. Đã có 43% số xã, 61 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65% - một con số vô cùng ấn tượng. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt con số kỷ lục đạt trên 40 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã chinh phục được các thị trường khó tính.

img

  Thu hoạch cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long.  ảnh: Vĩnh Kim

Nhưng nếu đánh giá một cách thực chất, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, đó là tốc độ tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững do hộ sản xuất nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trong khi mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa thực sự bền chặt; thị trường vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố bất ổn.

Chất lượng tăng trưởng chưa cao, nếu lĩnh vực chế biến sâu được chú trọng thì chắc chắn lợi nhuận thu được sẽ cao hơn, khi đó chúng ta có điều kiện phân phối lại cho nông dân, giúp bà con cải thiện thu nhập.

- Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, về mục tiêu dài hạn, ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phải phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất. Theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp sẽ có những chiến lược như thế nào để hiện thực hóa khát vọng đó?

Có thể khẳng định, vị thế của ngành nông nghiệp đang tăng lên rất cao. Chưa có hội nghị tổng kết nào của ngành nông nghiệp mà có tới 8 vị Bộ trưởng, trưởng ngành tham dự. Tại các tỉnh, đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh trực tiếp phát biểu ý kiến và đưa ra các đề xuất, chiến lược để phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương mình. Điều đó thể hiện ở việc tái cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng hướng nên nhiều loại sản phẩm có sản lượng lớn đã xuất hiện ở Việt Nam. Từ đó, ngành nông nghiệp đóng góp vào xuất khẩu vượt mức kế hoạch và đứng thứ 2 Đông Nam Á về xuất khẩu nông sản.

Đi liền với đó là thị trường tiêu thụ được mở rộng. Đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã được củng cố và đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp lớn. Điều đáng mừng là có 18 nhà máy chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động.

Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NNPTNT đã tập trung xác định triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: Trước tiên, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; Tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường để phân loại thành 3 trục sản phẩm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên); nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương.

Một chiến lược nữa mà chúng tôi đang triển khai, đó là tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định tự do thương mại đem lại, tăng cường các hoạt động phát triển thị trường; Dự báo và xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ nông sản chính (vải, nhãn, cam, thanh long...); xây dựng hình ảnh sản phẩm thông qua nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

- Một trong những chiến lược trọng điểm mà ngành nông nghiệp tập trung triển khai khi thực hiện Đề án tái cơ cấu 

“Nhiều năm qua, nông nghiệp vẫn thể hiện vai trò trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế; nông dân ở Lâm Đồng, Mộc Châu (Sơn La), nông dân nuôi tôm, cá tra đều đang có thu nhập đáng mơ ước. Tôi xin khẳng định lại, làm nông nghiệp, nếu biết cách tổ chức tốt sẽ giàu”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

nông nghiệp trong 5 năm qua, đó là tập trung vào chuỗi giá trị nông sản thông qua chế biến. Bộ trưởng có thể cho biết, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh nông nghiệp và chế biến nông sản hiện nay?

Có thể thấy, ngành nông nghiệp từng tăng trưởng âm vào giữa năm 2016, nhưng sau đó, khi chương trình tái cơ cấu được các địa phương thực hiện quyết liệt, sự đổi mới được thể hiện rõ ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, từ đó tạo được niềm tin, sức mạnh của toàn xã hội vào nông nghiệp.

Chỉ trong 2 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần, đã khởi công và khánh thành 18 nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm trị giá 15.000 tỷ đồng. Nếu không có niềm tin vào sự phát triển của ngành thì sẽ không có được con số ấy.

Riêng về lĩnh vực chăn nuôi, rất mừng là trong năm 2017 và 2018, đã có một số doanh nghiệp với dự án rất lớn đã tập trung đầu tư vào khâu khó nhất của chăn nuôi lợn đó là khâu tổ chức chăn nuôi theo chuỗi, gắn với dây chuyền công nghệ giết mổ hiện đại, có chế biến sâu.

Trong đó, dự án của Masan tại Hà Nam là một điển hình với quy mô công suất rất lớn. Nếu khắc phục tốt khâu chế biến bằng những công nghệ, tiêu chuẩn hiện đại, chăn nuôi lợn vẫn có thể duy trì đà phát triển tốt, đồng thời đáp ứng được yêu cầu quan trọng hơn là cung cấp được sản phẩm phù hợp cho xã hội, tiến tới xuất khẩu.

- Trong thời gian qua, tại không ít các diễn đàn đã nêu lên khái niệm về “khởi nghiệp nông nghiệp”, trong đó có không ít các bạn trẻ sẵn sàng từ bỏ phố phường, gác lại bằng cấp để về quê làm nông nghiệp. Có một câu hỏi mà nhiều người trẻ đặt ra: Làm nông nghiệp có giàu được không?. Bộ trưởng nói gì về câu hỏi này?

Tại nhiều diễn đàn, tôi hay nhận được câu hỏi: “Liệu làm nông nghiệp có giàu lên được không?”, và tôi khẳng định, hoàn toàn có thể làm giàu bằng nông nghiệp. Hãy nhìn sang đất nước nhỏ bé Hà Lan, chỉ có 4 triệu ha đất tự nhiên với 20 triệu dân những sản phẩm nông nghiệp của họ đã chinh phục nhiều thị trường, thu nhập bình quân khu vực nông nghiệp đạt tới 68.000 USD/người/năm trong khi các ngành khác chỉ đạt 58.000 USD/người/năm.

Hay tại Nhật Bản, nơi có thu nhập bình quân cao nhất lại thuộc về vùng chuyên canh củ cải, lên tới 145.000 USD/người/năm, trong khi các vùng khác chỉ 59.000 USD/người/năm.

Tại Việt Nam, nhiều năm qua, nông nghiệp vẫn thể hiện vai trò trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế; nông dân ở Lâm Đồng, Mộc Châu (Sơn La), nông dân nuôi tôm, cá tra đều đang có thu nhập đáng mơ ước. Tôi xin khẳng định lại, làm nông nghiệp, nếu biết cách tổ chức tốt sẽ giàu.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem