Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Tôi trăn trở, nông dân mình rất giỏi nhưng vì sao chưa giàu như Hàn Quốc, Thái Lan?

Anh Thơ (thực hiện) Thứ năm, ngày 15/04/2021 11:09 AM (GMT+7)
"Khi xuống trò chuyện với nông dân, có những câu hỏi khiến tôi rất trăn trở: Nông dân mình rất giỏi, cần cù thông minh tại sao chưa giàu như nông dân Hàn Quốc, Thái Lan?"- Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ đầu tiên với báo chí trên cương vị là tư lệnh ngành nông nghiệp.
Bình luận 0

Chiều 14/4, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã có buổi gặp gỡ, chia sẻ với một số cơ quan báo chí lần đầu tiên trên cương vị là tư lệnh của ngành nông nghiệp. Buổi gặp gỡ diễn ra hơn 2 giờ đồng hồ, nhưng những câu chuyện về làm sao để nông nghiệp hiện đại, nông thôn giàu có, nông dân văn minh như tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng dường như vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục gợi mở.

Trong buổi chia sẻ với báo chí, như thường lệ câu chuyện, sự trăn trở đầu tiên mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc đến đó là "người nông dân", bởi như ông nói, trăn trở lớn nhất của ông là, vì sao nông dân Việt Nam rất giỏi nhưng lại không được giàu có như những "đồng nghiệp" ở Hàn Quốc hay Thái Lan.

Phương châm hoạt động của Hội quán nông dân là tự lực, tự chủ, tự quản

Thưa Bộ trưởng, Đồng Tháp được đánh giá là một trong những địa phương có quá trình tái cơ cấu nông nghiệp rất thành công, trong thành công đó ghi nhiều dấu ấn của Bộ trưởng. Từ những mô hình mà Đồng Tháp đã xây dựng như: Hội quán nông dân, Cây xoài vườn tôi, theo Bộ trưởng những mô hình đó có nhân ra diện rộng được không?

- Nếu mô hình nào mang lại giá trị chung thì chắc chắn sẽ lan tỏa. Những mô hình Đồng Tháp xây dựng đều hướng tới những giá trị chung đó.

Khi triển khai quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Đồng Tháp xác định, tái cơ cấu không phải là xác định trồng cây gì, nuôi con gì, trồng bao nhiêu diện tích. Tóm lại, Đồng Tháp không chủ trương vẽ lại bức tranh về sản lượng cây trồng - vật nuôi mà chuyển đổitư duy vận động, tư duy đó là giá trị chung, có thể phù hợp với các địa phương.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan:  - Ảnh 1.

Tân Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Cần đồng hành giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất.

Cụ thể, Đồng Tháp xác định tái cơ cấu nông nghiệp dựa trên 6 chữ: Hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa. Với 6 chữ này thì triển khai ở lĩnh vực, cây - con nào cũng phù hợp.

Với mô hình Hội quán nông dân, ngay khi có chủ trương hình thành mô hình này, chúng tôi xác đinh, trong quá trình hội nhập kinh tế, không được để người nông dân ở riêng lẻ. Nếu ở riêng sẽ nảy sinh những cạnh tranh không lành mạnh.

Có thể thấy, việc tiêu thụ của nông dân hiện vẫn phụ thuộc và thương lái, có tình trạng "cá lớn nuốt cá bé", nếu nông dân không liên kết tập hợp lại thì khác gì một đàn cá được chia nhỏ, nhưng nếu vào hợp tác xã thì sẽ tập hợp thành một đàn cá lớn mạnh.

Khi tham gia hội quán, nông dân có thông tin về thị trường, có kinh nghiệm, chắc chắn họ sẽ chủ động hơn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.

Nhưng khi thành lập một mô hình khá mới mẻ, chưa từng có, Đồng Tháp khi đó có gặp khó khăn gì không, thưa Bộ trưởng?

- Tất nhiên, khi chủ trương thành lập một mô hình mới chắc chắn sẽ có những ý kiến lo ngại. Khi xuống trò chuyện với nông dân, có những câu hỏi khiến tôi rất trăn trở: Nông dân mình rất giỏi, cần cù thông minh tại sao chưa giàu như nông dân Hàn Quốc, Thái Lan?

Lý do là vì nông dân thiếu liên kết, hợp tác với nhau. Do vậy, cần có thiết chế mới, đó là hội quán. Lúc đó, cũng có ý kiến, băn khoăn tại sao lại cần có thiết chế này? 

Nhưng chúng tôi xác định, hội quán là mô hình hợp tác tự nguyện của nông dân, Nhà nước không can thiệp quá sâu, để nông dân tự làm chủ, họ tự bầu người đứng đầu, tự định ra cơ chế hoạt động sao cho hiệu quả. Tự lực, tự chủ, tự quản là phương châm hoạt động của hội quán.

Dù không được hỗ trợ, những người phụ trách hội quán không có phụ cấp hay lương nhưng mô hình này vẫn phát triển tốt ở Đồng Tháp, hiện đã có khoảng 100 hội quán.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan:  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan tại lễ ra mắt Thuận Tân hội quán khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: I.T

Cần tập hợp nông dân lại trong các hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp

Thưa Bộ trưởng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn giàu có, nông dân văn minh. Ngành nông nghiệp sẽ có những hành động gì để cụ thể hóa và đưa các mục tiêu của Nghị quyết vào cuộc sống?

- Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định, phát triển kinh tế nông thôn là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, vừa phục vụ cho quá trình xây dựng nông thôn mới, vừa phục vụ quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ ở các địa phương.

Nói cách khác, phát triển kinh tế nông thôn sẽ tạo ra được vật chất để xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân, lúc đó nông dân sẽ đóng vai trò là trung tâm trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại nông nghiệp.

Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua ghi nhận sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn nhưng thực tế, số lượng những doanh nghiệp nông nghiệp không đủ kín trong bức tranh nông nghiệp hiện nay. 

Chúng ta có 20.000 doanh nghiệp nhưng có vài chục triệu hộ nông dân, vì vậy, cần tập hợp họ lại trong hợp tác xã, liên kết với các doanh nghiệp để trở thành lực đẩy thúc đẩy kinh tế nông thôn, tạo ra sự liên kết trong bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm. 

Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vừa qua, doanh nghiệp được xác lập giữ vai trò dẫn dắt, kiểu như những con đại bàng để giúp những chú "chim sẻ", thực chất là các hộ nông dân cùng bay lên, không chỉ bay trên những cánh đồng của mình mà còn bay trên thị trường thế giới. Bộ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về mối liên kết đại bàng- chim sẻ để làm sao mỗi khi nghe chim sẻ gọi thì đại bàng sẽ có mặt?

- Chúng ta cần xác định cái gì đang cản trở kinh tế nông thôn phát triển để đưa ra khuyến nghị chính sách giúp vượt qua cản trở đó. Đã có nhiều chính sách dành cho những doanh nghiệp lớn, điều đó rất quan trọng để họ thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường. 

Nhưng với lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, đôi khi có lúc chưa có sự quan tâm xứng tầm. Chúng ta phải xác định, kinh tế nông nghiệp giống như một hệ sinh thái, doanh nghiệp lớn như những cây cổ thụ, nhưng cây cổ thụ muốn đứng vững cần có những tầng cây khác nhau hỗ trợ.

Địa phương cần tìm đại bàng lớn để thay đổi ngành nông nghiệp, nhưng thực tế chim sẻ chiếm  tới hơn 50% trong số những loài chim biết bay, nếu biết tập hợp số lượng thì sức mạnh sẽ rất lớn. 

Những người nông dân cũng cần tập hợp trong hợp tác xã, cấp ủy chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến hợp tác.

Thực ra, hợp tác xã đóng góp một phần trong chuỗi liên kết, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái thì hợp tác xã đứng ra lo việc này cho nông dân. Hợp tác xã không chỉ đóng vai trò trung gian trong chuỗi liên kết mà còn tham gia vào chuỗi giá trị của ngành hàng đó.

Nếu hợp tác xã thu mua, sơ chế, chế biến nông sản thì đó chính là chuỗi ngành hàng tạo ra giá trị gia tăng, tạo việc làm cho người dân nông thôn. Tham gia hợp tác xã, nông dân không chỉ được hưởng thành quả do mình trực tiếp sản xuất ra mà còn được tham gia vào các dịch vụ của hợp tác xã, hưởng thêm giá trị gia tăng, thay vì trước đây bán cho thương lái thì chỉ được hưởng thành quả lao động trực tiếp.

Có một thực tế đang diễn ra, nhiều nông dân bỏ vườn lên làm công nhân sơ chế những sản phẩm do chính mình làm ra. Vậy tại sao không phát triển những cơ sở đỏ ở ngay vùng nông thôn để nông dân được hưởng giá trị gia tăng cao hơn.

Do vậy, các địa phương,  ngành chức năng cần đồng hành cùng nông dân, không chỉ đi bên cạnh họ mà đồng hành giúp họ thay đổi tư duy sản xuất. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan:  - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần sự linh hoạt của bộ máy trong chỉ đạo, điều hành để phát huy những thành qủa ngành nông nghiệp đã đạt được trong thời gian qua. Trong ảnh: Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong chuyến khảo sát vùng trồng củ cải tại xã Tráng Việt (H.Mê Linh, Hà Nội). Ảnh: Sơn Thủy.

Nhiệm kỳ vừa qua, ngành nông nghiệp đã chứng minh được vị trí trụ cột của nền kinh tế với những kết quả ấn tượng trong xuất khẩu nông sản, phát triển các nhà máy chế biến. Trong giai đoạn 5 năm tới, Bộ trưởng sẽ kiến thiết ngành nông nghiệp theo hướng nào?

- Trong bối cảnh dịch bệnh khiến nguồn cung bị đứt gãy, sạt lở, hạn mặn, khan hiếm tài nguyên nước ngày càng thể hiện rõ ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngành nông nghiệp vẫn gặt hái được những thành quả ấn tượng. Năm 2020, ngành nông nghiệp lập kỷ lục với con số xuất khẩu nông sản vượt 40,2 tỷ USD, các nhà máy chế biến nông sản nở rộ.

Thành quả đó vừa là nền tảng nhưng cũng là áp lực cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo vì khi đó thế giới đã thay đổi, dịch bệnh phức tạp, áp lực toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt hơn. Làm thế nào để vừa giữ được thành quả, vừa tạo ra giá trị mới từ thành quả đó rất cần sự linh hoạt của bộ máy trong chỉ đạo, điều hành. 

Các bạn cũng thấy, một con tàu bị mắc kẹt ở kênh đào Suez ngay lập tức tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đơn hàng tắc nghẽn, đội giá sản phẩm, toàn cầu hóa khiến những tác động đó đến nhanh hơn đến hạt lúa, con cá tra, quả xoài của chúng ta.

Do vậy phải xác định luôn linh hoạt tìm giải pháp, dựa trên rủi ro được dự báo để tìm cách đứng vững hơn chứ không chỉ đưa ra những con số kế hoạch đơn thuần.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem