Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Tăng chế độ hỗ trợ để giữ rừng tốt hơn

Tuyết Chinh Thứ năm, ngày 05/11/2020 20:51 PM (GMT+7)
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khi nói về những giải pháp phát triển rừng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, tại phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Bình luận 0

89% rừng tự nhiên mất do chuyển đổi mục đích sử dụng

Quan tâm đến lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng ở các tỉnh miền núi, đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cho biết, rừng có vị trí vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhất là hiện nay tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hiệu quả trong bảo vệ, phát triển rừng, từ đó nâng cao độ che phủ rừng lên 42%, chính sách giao đất giao rừng là giải pháp mang tính đột phá.

"Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc phát triển kinh tế- xã hội gắn với phát triển lâm nghiệp chưa hiệu quả. Trong 5 năm qua, theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, diện tích rừng bị mất do chặt phá là 11%, trong khi 89% rừng bị mất là do chuyển mục đích sử dụng" - đại biểu Phương nói.

Tăng chế độ hỗ trợ để giữ rừng tốt hơn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại phiên Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội. Ảnh: Q.H

"Trước đây chúng ta có chế độ khoán chăm sóc, bảo vệ rừng tự nhiên 50.000 đồng/ha, bây giờ lên 520.000 đồng/ha nhưng Quốc hội yêu cầu thời gian tới phải nâng lên 1 triệu đồng/ha thì mới bảo đảm từng bước cho chất lượng khu vực 10,3 triệu ha khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên phát triển".

Bộ trưởng Bộ NNPTNT

Nguyễn Xuân Cường

Do vậy, đại biểu đoàn Bắc Kạn kiến nghị Chính phủ xem xét tiêu chí phân bổ ngân sách, sắp xếp ổn định dân cư để đảm bảo an toàn cho người dân. Đầu tư cho hạ tầng lâm nghiệp và sản phẩm lâm nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đăk Lăk) kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ tiếp tục cho xây dựng chương trình trồng rừng tương tự như Chương trình 327 trước đây. Bà Xuân cho rằng, rừng nguyên sinh của chúng ta đang bị suy giảm khá nhiều. Vì vậy, vấn đề trồng rừng tái sinh hết sức cấp bách, có rừng sẽ giữ được nguồn nước, giảm nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất. Trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Quốc hội, Chính phủ cần có nội dung trồng rừng tái sinh và bố trí vốn cho việc này vì lợi ích trước mắt và lâu dài cho con cháu trong tương lai.

Nêu thực tế việc rừng và cây rừng bị chủ đầu tư khai thác triệt để khi làm các dự án thủy điện vừa và nhỏ, đại biểu Phương đề xuất Quốc hội có chuyên đề giám sát trồng lại rừng thay thế của các dự án xây dựng hồ đập và thủy điện trong những năm qua.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Phan Thanh Bình (đoàn Quảng Nam) cho rằng, phải khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, đặc biệt quan tâm đến các dự án thủy điện, thủy lợi phải chuyển mục đích sử dụng rừng, phải xem lại công tác trồng rừng thay thế, đặc biệt là rừng phòng hộ, bởi thực tế, thu hồi diện tích rừng ở vùng này có chức năng phòng hộ nhưng trồng bù nơi khác không còn chức năng phòng hộ nữa.

Phát triển rừng - giải pháp trọng yếu bảo vệ môi trường

Phát biểu tại hội trường về phát triển rừng, giải đáp sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện diện tích rừng cả nước đạt 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên 10,3 triệu ha, rừng trồng 4,3 triệu ha. Phát triển rừng được coi là giải pháp trọng yếu để bảo vệ môi trường, hiện hệ số che phủ rừng toàn quốc đạt 42%.

Đáng chú ý, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ với nguyên liệu là rừng trồng trong nước rất phát triển với 4.600 doanh nghiệp tham gia, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 dự kiến đạt 13 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Chính phủ luôn có chính sách cho khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên, nâng định mức khoán, tiền chi trả cho người dân tham gia bảo vệ rừng. "Trước đây chúng ta có chế độ khoán chăm sóc, bảo vệ rừng tự nhiên 50.000 đồng/ha, bây giờ lên 520.000 đồng/ha nhưng Quốc hội yêu cầu thời gian tới phải nâng lên 1 triệu đồng/ha thì mới bảo đảm từng bước cho chất lượng khu vực 10,3 triệu ha khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên phát triển. Cùng với đó, thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng" - Bộ trưởng cho biết.

Ngày 20/10, Việt Nam chính thức ký với Quỹ Đối tác các - bon thế giới để có thêm nguồn tài chính cho phát triển rừng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cường cũng thừa nhận, mặt trái của vấn đề là, trong 30 năm phát triển, rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi trong giai đoạn chiến tranh, nước Mỹ đã rải chất hóa học hủy hoại 2 triệu ha rừng ở miền Trung. Bây giờ phải phục hồi từng bước. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem