Bộ trưởng Bộ Y tế: "Ngành y đối mặt với không ít khó khăn"

Diệu Linh (ghi) Thứ hai, ngày 27/02/2023 11:15 AM (GMT+7)
Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chia sẻ những khó khăn, thách thức mà ngành y tế Việt Nam đang phải đối mặt.
Bình luận 0

Dịch bệnh khó lường, nhiều tồn tại chưa giải quyết được

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Việt Nam của chúng ta hiện nay đứng trước không ít khó khăn do tình hình dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp. Trên thế giới, các quốc gia đều nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn và vẫn có thể xuất hiện các chủng vi rút mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. 

Cùng với dịch Covid-19, sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết, nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân... Hệ thống y tế còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế: "Ngành y đối mặt với không ít khó khăn" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Ảnh: Trần Minh

Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ. Đặc biệt là mua sắm, đấu thầu chưa thể chế được hết các quan điểm, đường lối, chính sách tại Nghị quyết 20/NQ-TW, Nghị quyết 21/NQ-TW. Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế.

Dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khó lường, khó dự đoán, một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng có số mắc tăng. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số vùng, nhóm dân tộc còn chưa bảo đảm. Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. 

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chưa bảo đảm yêu cầu, một số dự án kéo dài, chưa được giải quyết triệt để. Công nghiệp dược, trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế, còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc…

Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, nhất là ứng dụng trong triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh, liên thông dữ liệu… Quản lý chất lượng đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, cũng như tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 

"Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có kinh nghiệm, trình độ, tại các cơ sở y tế khu vực công lập do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp; chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với thời gian đào tạo và đặc thù nghề nghiệp…", Bộ trưởng cho biết.

Đẩy mạnh giải quyết các vấn đề "nóng" của ngành y tế

Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, năm 2023, ngành y tế Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều giải pháp quan trọng, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù của ngành Y tế. 

Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân công, phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Bộ trưởng Bộ Y tế: "Ngành y đối mặt với không ít khó khăn" - Ảnh 2.

Thep Bộ trưởng Bộ Y tế, trong năm 2023, ngành y tế cũng tập trung các giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc (Điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh BVCC)

Thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và các nội dung y tế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh, không để dịch chồng dịch. 

Triển khai hiệu quả các hoạt động về an toàn sinh học và xét nghiệm, nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm bệnh truyền nhiễm. Tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, quản lý các bệnh không lây nhiễm; quản lý môi trường y tế, nâng cao sức khỏe người dân.

Cùng với đó, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Đề án xây dựng phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Đẩy mạnh quản lý sức khỏe toàn dân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người lao động. Tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm...

"Trong năm 2023, ngành y tế cũng tập trung các giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc. 

Tăng cường quản lý giá thuốc, đảm bảo thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc vắc xin cho nhu cầu phòng và điều trị của người dân. Phát huy hiệu quả cao nhất của đấu thầu tập trung, đàm phán giá góp phần giảm chi phí thuốc…", Bộ trương Đào Hồng Lan khẳng định. 

"Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, tôi trân trọng cảm ơn và gửi lời tri ân tới tất cả thầy thuốc trong cả nước trong thời gian qua đã nỗ lực không ngừng, vượt qua mọi khó khăn để thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Dự báo trong thời gian tới, ngành y tế sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức mới, tôi mong các đồng chí tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, cố gắng hơn nữa, góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân"

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem