Bộ trưởng GTVT: Phi công Vietjet quá kém nghiệp vụ, trình độ

Minh Hiếu Thứ sáu, ngày 28/12/2018 16:54 PM (GMT+7)
Đề cập đến vụ máy bay của Vietjet hạ cánh nhầm đường băng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, phi công quá kém về nghiệp vụ, trình độ. Kiểm soát viên không lưu đã hai lần nhắc hỏi lại mà vẫn khẳng định đúng.
Bình luận 0

Tại cuộc họp với các đơn vị liên quan tới hàng loạt sự cố hàng không, đặc biệt nhất trường hợp máy bay của Vietjet hạ cánh nhầm xuống đường băng chưa khai thác của sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu cục Hàng không Việt Nam (HKVN) phải kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ đội ngũ phi công của tất cả các hãng hàng không nội địa hiện nay bởi yếu tố con người là rất quan trọng, quyết định đến an toàn bay.

Liên tiếp xảy ra sự cố hàng không, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục HKVN lý giải: Máy bay Vietjet vừa cất cánh thì có cảnh báo sụt giảm áp suất càng trước, tổ lái đã xin hạ cánh. Phi công chính người Philippines (11.000 giờ bay) quá chú trọng tới tình trạng càng trong khi lái phụ (người Việt) đang thực hiện thao tác thả càng. Vì thế lái chính đã mất tập trung, lệch hướng hạ cánh khi tiếp cận đường băng.

img 

Không lưu phát hiện và đã nhắc lái chính hướng tiếp cận, tuy nhiên, tổ lái không điều chỉnh kịp và hạ vào đường băng xây dựng xong chưa khai thác. Qua làm việc với tổ bay, lái chính cho biết lúc đó thấy đường băng bên cạnh cũng rộng rãi nên hạ xuống đó.

Ông Thắng đánh giá, phương án tốt nhất tổ bay nên bay về Tân Sơn Nhất vì cách nhau không quá xa, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng lại tốt hơn. Khi tổ lái quyết định hạ cánh trở lại sân bay Cam Ranh thì đã bay 2-3 vòng chờ trên khu vực đài chỉ huy không lưu để đánh giá sự cố. Quá trình bay chờ trên không tổ lái không hề tham vấn ý kiến dưới mặt đất mà tự đánh giá và quyết định. Qua đó, tổ lái đã không đánh giá đúng tình huống sự cố.

Đặt ra nhiều hoài nghi về chất lượng phi công của hãng hàng không Vietjet, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt câu hỏi: “Có phải do phi công đã bị sa thải ở các hãng hàng không nước ngoài sau đó về Việt Nam lái hay không?”

Đánh giá về chất lượng phi công, Bộ trưởng Thể cho rằng, phi công quá kém về nghiệp vụ, trình độ. Kiểm soát viên không lưu đã hai lần nhắc hỏi lại mà vẫn khẳng định đúng. Cục Hàng không phải kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ đội ngũ phi công của tất cả các hãng hàng không nội địa hiện nay bởi yếu tố con người là rất quan trọng, quyết định đến an toàn bay.

img

 Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

“Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và các hãng có trách nhiệm đảm bảo an toàn hàng không tuyệt đối cho nhân dân. Tất cả phải lấy an toàn hàng không làm trên hết, những vấn đề doanh thu, lợi nhuận phải đứng sau, toàn bộ các chuyến bay trước khi khởi hành phải đảm bảo an toàn tuyệt đối”, Bộ trưởng Thể chỉ đạo.

Để đảm bảo an toàn hàng không, Bộ trưởng GTVT giao Cục HKVN phải rà soát lại chất lượng máy bay (kể cả tàu mua và tàu thuê). Đồng thời kiểm tra lại lực lượng phi công, nhất là phi công nước ngoài. Phi công Việt Nam hiểu rõ địa hình nhưng phi công nước ngoài thì không hiểu rõ, dẫn đến hiểu lầm.

Đáng chú ý là sự cố tại Cam Ranh, đường băng chưa có tín hiệu sao máy bay lại đáp? Những phi công bay tới Cam Ranh phải đáp ứng các yêu cầu riêng, đặc thù riêng của sân bay. Đào tạo mô phỏng như nhau sao xử lý của phi công lại có vấn đề, lại đều rơi vào phi công nước ngoài.

Theo hãng hàng không Vietjet, các chỉ số an toàn - khai thác của Vietjet thuộc nhóm các hãng hàng không dẫn đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vietjet đã thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của cục Hàng không Việt Nam và thông lệ quốc tế. Công tác bảo đảm an toàn bay được thực hiện định kỳ hàng tháng, quý và năm.

Hãng cũng có sự hỗ trợ trực tiếp của nhà sản xuất máy bay Airbus và động cơ CFM để xây dựng và quản lý hệ thống an toàn, chất lượng. Trong đó, là sự giám sát, thẩm định của các tổ chức giám định quốc tế từ các tập đoàn bảo hiểm. Dẫn ra một loạt chứng chỉ về an toàn hàng không, an toàn khai thác, Vietjet cho biết mục tiêu là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách và các chuyến bay.

img 

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air

Vietjet cũng thừa nhận: Thời gian gần đây trong hoạt động khai thác đã để xảy ra các sự cố, đối với hai sự cố: chuyến bay VJ356 từ TP.HCM đi Buôn Mê Thuột ngày 29/11 và sự cố chuyến bay VJ689 từ Cam Ranh đi TP.HCM ngày 25/12.

Về sự cố chuyến bay VJ356 ngày 29/11 tại Buôn Ma Thuột, Tổng giám đốc Vietjet, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, đã kí quyết định về việc thành lập tổ điều tra và khắc phục sự cố trong đó phân công nhiệm vụ và quy định trách nhiệm của từng bộ phận có liên quan. Đơn vị đang phối hợp với tổ điều tra của cục Hàng không Việt Nam và nhà chế tạo Airbus để hỗ trợ kỹ thuật và tham gia công tác điều tra, thu thập thông tin hiện trường, bàn giao hộp đen, phân tích dữ liệu ban đầu...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem