Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư: Doanh nghiệp Việt khó "ngồi chung mâm" chia nhau lợi ích

An Linh Thứ năm, ngày 11/08/2022 10:37 AM (GMT+7)
"Các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa cao, chưa thực sự tạo thành khối liên kết để cùng nhau phát triển; chưa nhìn được giá trị lợi ích chung của việc hợp tác, liên kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn hơn", ông Dũng nói.
Bình luận 0

Chắt chiu cơ hội nhỏ nhất... vượt thách thức lớn nhất!

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Doanh nghiệp năm 2022 diễn ra tại Hà Nội sáng 11/8.

Tại Hội nghị, bên cạnh việc nêu bật những thành tích về sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế sau đại dịch, sự chủ động và nhạy bén của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, Bộ trưởng KH&ĐT chỉ ra nhiều vấn đề cốt lõi, tồn tại cố hữu của kinh tế Việt Nam như tầm nhìn chiến lược hạn chế, thiếu chuyên nghiệp về nghĩa vụ thuế, khó tạo chuỗi liên kết được với nhau.

Bộ trưởng Kế hoạch: Doanh nghiệp Việt khó "ngồi chung mâm" chia nhau lợi ích - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh Bộ KH&ĐT).

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định: Nhiều doanh nghiệp còn nặng tư duy kinh doanh thời vụ, ngắn hạn, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhà nước, cộng đồng, xã hội còn hạn chế., nhất là về nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, chống gian lận thương mại...

Theo ông Dũng, tính liên kết, văn hóa hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa cao, chưa thực sự tạo thành khối liên kết để cùng nhau phát triển; chưa nhìn được giá trị lợi ích chung của việc hợp tác, liên kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn hơn.

Theo ông Dũng, các tháng cuối năm 2022 doanh nghiệp Việt tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao.

Ngoài ra, còn có tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành và địa phương cộng với mức lương tăng hay việc tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp.

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cũng nêu bật các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để gây cản trở, làm tắc nghẽn hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, nhiều dự án đầu tư ở địa phương chưa triển khai được do các thủ tục liên quan kéo dài nhiều năm…

Theo Bộ trưởng Dũng, thực tiễn này đặt ra yêu cầu phải chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất, dám đối mặt để vượt qua những thách thức lớn nhất…

Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ, các bộ, ban ngành bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, quyết liệt các chính sách, giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, vừa tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh 

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT còn đề xuất nhiệm vụ cụ thể như Chính phủ, bộ ngành địa phương xem xét việc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân trong một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19…

Nghiên cứu thực hiện các cơ chế ưu đãi về thuế, phí cho nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp có dự án đầu tư gắn với các ngành, lĩnh vực trọng tâm quốc gia và xu thế thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển các sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng cao. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem