Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Có lẽ do kỳ vọng nhiều nên khi gặp vướng chúng ta lại thất vọng hơi nhiều

Lương Kết -Thành An Thứ hai, ngày 30/05/2022 18:00 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, ông là một trong những ĐBQH khoá XIV háo hức khi bấm nút thông qua Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, có lẽ do kỳ vọng nhiều nên khi gặp vướng chúng ta lại thất vọng hơi nhiều.
Bình luận 0

Một quy hoạch không phủ được hết toàn bộ

Chiều 30/5, tại phiên thảo luận của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có phát biểu làm rõ một số vấn đề.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Có lẽ do kỳ vọng nhiều nên khi gặp vướng chúng ta lại thất vọng hơi nhiều - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận của Quốc hội ngày 30/5. Ảnh QH

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Tôi là một trong những ĐBQH khoá XIV háo hức khi bấm nút thông qua Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, có lẽ do kỳ vọng nhiều nên khi gặp vướng chúng ta lại thất vọng hơi nhiều.

"Người ta nói thời đại chúng ta đang sống được quy định bởi 4 chữ: bất động, biến động, phức tạp và mơ hồ. Và sự thay đổi trên thế giới này nhanh đến mức độ cái mới ra đời chưa kịp định hình đã có cái mới hơn xuất hiện.

Nói như vậy để chúng ta khuôn lại quy hoạch định hình 5 năm, 10 năm, thậm chí là vài chục năm thì quả thực không đơn giản chút nào", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Vẫn theo Bộ trưởng, chúng ta đang tiếp cận tới một nền kinh tế thị trường, với 3 câu hỏi của nguyên lý kinh tế 500 năm trước đây, đó là sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào? Vẫn là quyết định trong điều hành của quản trị của một nền kinh tế của quốc gia. Do đó để ấn định những điều bất biến trong sự vận động vạn biến thì quy hoạch cần tĩnh tâm lại chút để ngổi lại, minh định lại tất cả những thuật ngữ, khái niệm, nội hàm, từ quy hoạch tích hợp, các vấn đề từ quy hoạch trên để điều chỉnh quy hoạch dưới, hay quy hoạch từ trên xuống dưới hay từ dưới lên trên?

"Có chuyên gia nói với tôi quy hoạch từ bên trên áp từ trên xuống dưới hay từ dưới lên trên đều không ổn, có lẽ nên áp dụng quy hoạch theo đường xoắn trôn ốc, tức là lấy cái này để tựa vào cái kia...

Không thể có một quy hoạch phủ được hết toàn bộ, nên chia thành 2 mức độ, phần cứng là nhà nước có thể can thiệp được và phần thứ hai chúng ta để một dung lượng không gian để thị trường tự điều chỉnh. Đã chậm thì nên có những hội thảo bàn sâu hơn để không đi từ thái cực này sang thái cực khác. Nhiều khi không có quy hoạch đã khó nhưng có quy hoạch rồi lại khó hơn vì chúng ta lại điều chỉnh, lại lệ thuộc vào sự thay đổi từ bên ngoài", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Có lẽ do kỳ vọng nhiều nên khi gặp vướng chúng ta lại thất vọng hơi nhiều - Ảnh 3.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Có lẽ do kỳ vọng nhiều nên khi gặp vướng chúng ta lại thất vọng hơi nhiều. Ảnh QH

Bỏ quy hoạch sản phẩm nông nghiệp là bước tiến rất lớn

Quy hoạch sản phẩm nông nghiệp là vấn đề Đoàn giám sát đặt ra là sao không có quy hoạch, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Chúng ta bỏ quy hoạch sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp là bước tiến rất lớn vì không thể. Đối với lĩnh vực nông nghiệp là mở, một sản phẩm nông sản chúng ta vừa là người bán, đồng thời vừa là người mua. Chúng ta muốn quy hoạch thị trường để vươn xa thì cùng lúc các quốc gia cũng hướng tới thị trường đó.

Với tất cả dữ liệu khó để chúng ta có được chỉ dấu nhằm vươn ra thị trường, giống như ngày trước là cây tiêu là bao nhiêu, cà phê là bao nhiêu, các sản phẩm nông nghiệp khác là bao nhiêu… "Chúng ta không tưởng tượng được Covid -19 làm cho thị trường đứt gãy thế nào; xung đột giữa Nga – Ukraine diễn biến thế nào. Tất cả các vấn đề không bao giờ cố định để chúng ta cố định được quy hoạch ngành sản phẩm theo cách cứng nhắc", Bộ trưởng Hoan nói.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chúng ta phải từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Việc quy hoạch từng vùng sinh thái để định hình được chiến lược đầu tư, chiến lược hỗ trợ tạo ra hệ sinh thái ngành hàng.

"Các đại biểu sẽ đặt ra câu hỏi là các nước giải quyết vấn đề này như thế nào. Tôi đã nghiên cứu rất nhiều và thấy họ đã có 100 năm tư duy thị trường, tư duy kinh tế, họ biết thế nào là cung, cầu, nên từ đó người nông dân có thể tự quyết định được. Bên cạnh đó, họ có cả một hệ sinh thái là các hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã và các cơ quan, tổ chức tư vấn để quyết định nên trồng cây gì, nuôi con gì, nuôi, trồng số lượng bao nhiêu, chứ nhà nước không thể áp đặt.

Nếu chúng ta có quy hoạch cứng thì chuyện gì sẽ xảy ra? Thứ nhất, chúng ta có thể bảo hộ được tất cả các sản phẩm nông nghiệp trong vùng quy hoạch hay không? Thứ hai là, những sản phẩm nằm ngoài vùng quy hoạch thì có hợp pháp để đưa ra thị trường được không? Nếu chúng ta xem quy hoạch là một kế hoạch cứng của nhà nước thì nhà nước chỉ bảo trợ những sản phẩm nằm trong quy hoạch, còn một phần sản phẩm bị xem là bất hợp pháp vì không nằm trong kế hoạch của nhà nước", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Vẫn theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thì cần khẩn trương hình thành các hệ thống sinh thái ngành hàng và trên thế giới họ tiếp cận tư duy thị trường thông qua những thiết chế xã hội để mà dẫn dắt định hướng phát triển của từng ngành hàng, bớt dần sự can thiệp của nhà nước một cách phi thị trường.

Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua thông tin thị trường, khoa học công nghệ, tư vấn… cho người nông dân. Tập thể sản xuất những ngành hàng phải tự vận động bằng "bàn tay phía sau của nhà nước" chứ không phải "bàn tay phía trước của nhà nước".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem