Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đỡ lo cả xã hội đi "giải cứu"

Anh Thơ (ghi) Thứ bảy, ngày 24/04/2021 07:00 AM (GMT+7)
Khẳng định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, chuyển đổi số sẽ giúp nông dân tìm được con đường tối ưu nhất có thể để tích hợp được giá trị nông sản, kết nối được thị trường.
Bình luận 0

Tại sao không kết nối được nông dân với nhau?

Chuyển đổi số được kỳ vọng làm thay đổi nền nông nghiệp. Chủ trương của ngành là gì, thưa Bộ trưởng?

- Chuyển đổi số là nấc thang cao hơn quá trình chúng ta đang làm, dựa trên thành quả của cuộc cách mạng 4.0. Muốn làm được cuộc cách mạng số thì phải hiểu được giá trị thặng dư nó mang lại. 

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng có nói với tôi rằng, một trong những lĩnh vực rộng để chuyển đổi số nhất, cần chuyển đổi số nhất, có thể kích thích chuỗi giá trị gia tăng bằng chuyển đổi số nhất chính là nông nghiệp.

Từ chuyển đổi số, nông dân tìm được con đường tối ưu nhất có thể để tích hợp được giá trị nông sản, kết nối được thị trường.

Nói đơn giản thì nông dân sẽ được lợi thế nào khi ứng dụng chuyển đổi số?

- Ví dụ là chúng ta hay nói tới giải cứu nông sản. Thật ra đó là do không kết nối được từ người nông dân trong mảnh vườn đó với thị trường. 

Hiện, cách mạng 4.0 giúp kết nối vạn vật, có thể kết nối vật với người, vậy tại sao chúng ta không kết nối nông dân với nông dân, nông dân với HTX, doanh nghiệp. Nếu kết nối được sẽ giảm thiểu rủi ro.

Chuyển đổi số - con đường tạo ra nông dân tri thức! - Ảnh 1.

Chuyển đối số cho phép nông dân ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng. Ảnh: T.L

img

"Chúng ta phải có những lớp huấn luyện, thông qua các đề án đào tạo nghề có thể dạy người nông dân về công nghệ số. Song, phải dạy bằng ngôn ngữ của ông bà mình chứ không phải bằng ngôn ngữ của ông chuyên gia...".

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan

Cùng lúc ngành nông nghiệp và ngành công thương có thể ngồi với nhau ở đây để biết vùng nào đó tại Hải Dương đang tồn trữ nông sản. 

Khi ấy sẽ đưa nó lên các sàn giao dịch thương mại điện tử phân phối bằng một cái nhấp chuột đơn giản, đỡ nhốn nháo cả xã hội đi "giải cứu".

Chúng ta bắt đầu chuyển đổi số trong nông nghiệp ở hình thức đơn giản nhất là kết nối. Chưa cần nói đến nông nghiệp thông minh, bấm điện thoại để tưới nước, bón phân, ngồi trong nhà vẫn canh tác trồng rau, nuôi gà...

Làm nông nghiệp đôi khi không cần sở hữu đất mà là kết nối nông dân để sản xuất theo một quy trình, chuẩn mực, cơ chế… để nông dân có lợi.

Tạo ra tầng lớp nông dân tri thức

Người nông dân được cho là có nhiều hạn chế trong tiếp cận công nghệ số, vậy làm thế nào để họ không bị bỏ lại phía sau, thưa Bộ trưởng?

- Chúng ta phải có những lớp huấn luyện, thông qua các đề án đào tạo nghề có thể dạy người nông dân về công nghệ số. Song, phải dạy bằng ngôn ngữ của ông bà mình chứ không phải bằng ngôn ngữ của ông chuyên gia. 

Tức dùng ngôn ngữ đời thường, gần gũi để nói về chuyển đổi số, công nghệ số trong nông nghiệp. 

Bắt đầu từ cái đơn giản dễ tiếp cận rồi dần dần mới chuyển sang cái phức tạp. Làm được như vậy sẽ tạo ra đội ngũ nông dân tri thức. Và khi có mấy chục triệu nông dân tri thức sẽ kéo theo nền nông nghiệp thay đổi.

"Mỗi nông dân là một thương nhân"

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nông nghiệp là 1 trong 8 ngành ưu tiên chuyển đổi số, với việc xem xét thử nghiệm triển khai sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số".

Mục tiêu là phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Thực ra về kinh tế tuần hoàn, chúng ta đã làm. Từ phụ phẩm này có thể tạo ra một sản phẩm khác, đây là tuần hoàn. 

Một sản phẩm đầu ra của ngành này sẽ trở thành đầu vào của ngành khác. Trong kinh tế tuần hoàn không có cái gọi là chính phẩm hay phụ phẩm mà tất cả đều là chính phẩm nếu chúng ta biết đưa công nghệ vào ứng dụng.

Nhưng, nói thì dễ nhưng bắt đầu đi từ đâu mới là vấn đề khó. Muốn làm kinh tế tuần hoàn thì bắt đầu từ những khởi tạo của các viện trường với việc nghiên cứu các công nghệ, sản phẩm...

Sản phẩm mới để đứng trên thị trường thì cần bệ đỡ của nhà nước để lan tỏa, để nông dân, doanh nghiệp tự tin tạo ra dòng sản phẩm mới từ phế phẩm của sản phẩm cũ.

Vai trò của Nhà nước là tạo ra một xã hội số, giúp nông dân tiếp cận được chuyển đổi số. 

Khi làm được điều đó không chỉ giúp người nông dân đổi mới sản xuất mà còn tạo ra đội ngũ nông dân đủ tri thức, giúp nền nông nghiệp thay đổi, nông thôn thay đổi.

Nghĩa là thay đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, từ đó ứng dụng chuyển đổi số phải bắt đầu từ chính những người lãnh đạo, thưa Bộ trưởng?

- Đúng vậy. Ngày xưa chúng ta lấy mục tiêu là năng suất, lấy sản lượng để phấn đấu thì tất cả các cấp, ban, ngành đều làm sao năng suất cây trồng cao hơn, sản lượng chăn nuôi nhiều hơn, nhưng lại không để ý chi phí bỏ ra bao nhiêu. Chúng ta không đề cập tới chi phí thì chúng ta không phải là người làm kinh tế.

Nhiều khi tôi bán 10 đồng nhưng chi phí hết 9 đồng, chỉ lời 1 đồng. Nhưng nhiều khi tôi bán 8 đồng thôi, chi phí bỏ ra có 6 đồng thì tôi vẫn lời 2 đồng. Khi chúng ta đi theo số lượng thì không tính toán được hết chi phí này. 

Đến giờ, khi chuyển qua kinh tế thì chúng ta phải tính cả hai đầu, là làm sao bán được ở giá cao nhất và làm sao chi phí sản xuất ở mức thấp nhất. Có thể nó không thể hiện bằng số lượng, sản lượng. 

Hay nói mình đứng nhất thế giới trong lĩnh vực ngành hàng nào đó, thế nhưng cái nhất thế giới đó nhiều khi chỉ là sản lượng đứng nhất chứ chưa tính toán được thực sự giá trị gia tăng của mình ở mức nhất thế giới đó chưa.

Như vậy, tất cả người bạn đồng hành của nông dân - trong đó có ngành nông nghiệp phải tư duy lại. Trước tiên, chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, biết tính toán. Ví dụ câu chuyện giải cứu nông sản là quy luật hàng hóa, quy luật cung cầu.

 Để giải quyết câu chuyện này phải thay đổi, đừng xem nông nghiệp đơn thuần là ngành nông nghiệp, kỹ thuật trồng trọt mà phải xem nông nghiệp là ngành kinh tế. Trong đó bao gồm năng suất, chất lượng, bài toán về chi phí, thị trường, chế biến, phân phối.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem