Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng về ngôi trường cấp 3 duy nhất đang dạy học sinh cách ngửi đất, bắt sâu

K.Nguyên Thứ tư, ngày 11/05/2022 08:27 AM (GMT+7)
Đặt câu hỏi, chúng ta đã chuẩn bị gì cho tương lai, cho ngành nông nghiệp, cho đội ngũ nông dân kế cận, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần thảo luận về giáo dục nông nghiệp một cách bài bản.
Bình luận 0

Phát biểu kết luận tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nông nghiệp là một lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế; nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, để đạt được mục tiêu này, các ngành chức năng, các hội đoàn thể trong đó có Bộ NNPTNT cần tăng cường nâng cao năng lực cho nông dân và đầu tư cho giáo dục nông nghiệp một cách bài bản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng về ngôi trường cấp 3 duy nhất đang dạy học sinh cách ngửi đất, bắt sâu - Ảnh 1.

Đặt câu hỏi, chúng ta đã chuẩn bị gì cho tương lai, cho ngành nông nghiệp, cho đội ngũ nông dân kế cận, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần thảo luận về giáo dục nông nghiệp một cách bài bản. Ảnh: N.Chương.

Tối đa hoá giá trị của đất sản xuất nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, so với năm 2008, năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/ người, cao hơn gấp 04 lần. Thu nhập và đời sống người dân nông thôn đã được cải thiện. Một số hộ nông dân trở nên khá giả và giàu có nhờ vào sản xuất, kinh doanh nông sản. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, chỉ số thu nhập bình quân khó lòng phản ánh hết sự bấp bênh trong sinh kế của phần lớn nông dân hay sự chênh lệnh thu nhập giữa các vùng sinh thái, giữa trồng lúa, trồng rừng với canh tác, sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi khác. 

"Đất đai chỉ phát huy giá trị khi người sử dụng đất đủ năng lực tối đa hoá giá trị của đất. Theo số liệu từ Khảo sát mức sống dân cư về giá trị gia tăng bình quân mỗi hec-ta mỗi năm, canh tác lúa thấp hơn từ khoảng 2 đến 3 lần so với canh tác các loại cây trồng khác và nuôi trồng thuỷ sản, và tất yếu là đất sản xuất nông nghiệp sẽ mang lại giá trị nội sinh thấp hơn so với chuyển đổi sang các ngành kinh tế khác" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu một thực tế. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng về ngôi trường cấp 3 duy nhất đang dạy học sinh cách ngửi đất, bắt sâu - Ảnh 2.

Nông dân - chủ thể của nền nông nghiệp - cũng phải được tiếp cận tư duy mới, kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mới. Trong ảnh: Nông dân xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La ứng dụng công nghệ vào trồng dâu tây. Ảnh: N.Chương.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hiện nay, trong triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, người nông dân lại được xem là chủ thể, được đặt vào vị trí trung tâm. 

Nhưng muốn thực hiện được vai trò chủ thể và tương xứng với vị trí trung tâm, điều cần làm và phải làm, cần thiết và cấp thiết, người nông dân cần được nâng cao năng lực thông qua tri thức hoá.

Ngành nông nghiệp thời gian qua chủ yếu hỗ trợ nông dân sản xuất sao cho tốt nhất, năng suất cao nhất, sản lượng nhiều nhất. Công tác quản lý, điều hành sản xuất được quan tâm sát sao. Cả guồng máy vận hành toàn lực để bảo đảm những vụ mùa bội thu, phòng ngừa dịch bệnh, cung cấp, tiêu thoát nước kịp thời,… Vậy mà, điệp khúc buồn "được mùa, mất giá" cứ khiến người sản xuất thấp thỏm âu lo theo từng mùa vụ. 

Chưa kể, "biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng" đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự thay đổi. Sự thay đổi quan trọng nhất cần bắt đầu từ chính mỗi người nông dân - những người trực tiếp hằng ngày sản xuất, kinh doanh nông sản. 

"Vậy thì, nông dân - chủ thể của nền nông nghiệp - cũng phải được tiếp cận tư duy mới, kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mới. "Trí thức hoá nông dân" là yêu cầu bắt buộc. Cùng với kinh nghiệm "trông trời, trông đất, trông mây/ trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm", những "lão nông tri điền" ngày nay còn có thể "trông vào các thiết bị thông minh", nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học nông nghiệp" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, sự cộng hưởng giữa kinh nghiệm tích luỹ từ thửa ruộng, bờ ao với tri thức "đám mây", kết nối "dữ liệu số" có thể giúp tạo nên những "nhà khoa học chân đất", khởi tạo giá trị mới.

Lan toả tri thức, kỹ năng có thể giúp người nông dân tiếp cận cách thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, làm giàu bền vững. Trách nhiệm đó, thậm chí có thể xem là bổn phận, là trọng trách, trước hết thuộc về chính quyền, ngành chuyên môn. 

Đó còn là trách nhiệm xã hội của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân tâm huyết thúc giục nhau về làng, về với người nông dân, về với thửa ruộng, bờ ao, để cùng lắng nghe, thấu hiểu.

 Có như vậy, nghề nông từng bước được tích luỹ hàm lượng tri thức một cách bài bản, chuyên nghiệp, để người nông dân ngày càng tự tin, tự hào về một nghề nghiệp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường, chuẩn mực về tiêu chuẩn sản xuất, an toàn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng về ngôi trường cấp 3 duy nhất đang dạy học sinh cách ngửi đất, bắt sâu - Ảnh 3.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói chuyện với học sinh Trường cấp 3 Nông nghiệp ở Nam Định – trường học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam dạy học sinh kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm theo mô hình Nhật Bản. Ảnh: Trường cấp 3 nông nghiệp Nam Định.

Giáo dục về nông nghiệp một cách bài bản

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, để chuyên nghiệp hóa nghề nông, cần "làm giàu" cho nông dân. "Làm giàu" cho nông dân là giúp người nông dân biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo khả năng hiện có của mình, với cách thức sản xuất tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng.

"Làm giàu" cho nông dân là trang bị cho người nông dân kỹ năng sản xuất và cả tư duy kinh tế.

"Làm giàu" cho nông dân, ở đây, chính là giúp người dân tiếp cận và thấu hiểu kiến thức về gìn giữ môi trường, về bảo vệ sức khoẻ, trước hết là của chính mình, của người tiêu dùng, và của cộng đồng. 

"Làm giàu" cho nông dân là giúp người nông dân hiểu được "sản xuất, kinh doanh nông sản là trao đi sức khoẻ, nhận lại niềm tin".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng về ngôi trường cấp 3 duy nhất đang dạy học sinh cách ngửi đất, bắt sâu - Ảnh 4.

Học sinh Trường cấp 3 Nông nghiệp ở Nam Định đang học cách ủ phân. Ảnh: Trường cấp 3 Nông nghiệp Nam Định.

Đặt câu hỏi, chúng ta đã chuẩn bị gì cho tương lai, cho ngành nông nghiệp, cho đội ngũ nông dân kế cận, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần thảo luận về giáo dục nông nghiệp một cách bài bản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan lấy ví dụ về mô hình Trường cấp 3 Nông nghiệp ở Nam Định – trường học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam dạy học sinh kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm theo mô hình Nhật Bản. 

Tại ngôi trường lý thú này, học sinh được ngửi đất, bắt sâu, làm bánh mỳ từ gạo. Từ việc đánh giá kết quả đào tạo tích cực của mô hình này, có thể xem xét khả năng nhân rộng ra các địa phương đủ điều kiện.

"Triển khai mô hình này, điều quan trọng không chỉ là kiến thức, kỹ năng, mà hơn hết là vun bồi, hun đúc cho học sinh tình cảm, khát vọng trở thành những người nông dân chuyên nghiệp, thương nhân kinh doanh nông sản, kỹ sư nông nghiệp thực hành, nhà nông học lành nghề, yêu nghề trong tương lai, những người làm nông nghiệp bằng cả tinh thần văn hoá và trách nhiệm xã hội" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem