Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khuyên nông dân bỏ dần tư duy buôn chuyến

Gia Tưởng Thứ ba, ngày 14/02/2023 15:37 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan đưa ra lời khuyên, nông dân nên bỏ dần tư duy buôn chuyến, nên bỏ từ buôn bán thương mại sang hợp tác song phương.
Bình luận 0

Sáng nay, 14/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị "Thúc đẩy giao thương nông, thủy sản Việt-Trung" nhằm thích ứng với những yêu cầu mới của thị trường. Hội nghị do Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khuyên nông dân bỏ dần tư duy buôn chuyến - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khuyên nông dân từ bỏ tư duy buôn chuyến. Ảnh: Gia Tưởng.

Vẫn chủ yếu xuất thô, xuất tươi sang thị trường Trung Quốc

Theo Bộ NNPTNT, thời gian qua, Việt Nam luôn duy trì vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và lớn thứ 6 trên toàn cầu.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong đó phải kể đến các mặt hàng hoa quả như thanh long (chiếm 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài), vải thiều (chiếm 80% lượng xuất khẩu ra nước ngoài)...

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc đạt 14,2 tỷ USD (tăng 12,7% so với năm 2021). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc đạt 10,4 tỷ USD (tăng 10,4% so với năm 2021), nhập khẩu từ Trung Quốc 3,79 tỷ USD (tăng 19,7% so với năm 2021).

Thành tựu ngành nông nghiệp thời gian có nhiều đóng góp của thương nhân Trung Quốc - Ảnh 1.

Xe nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Ảnh: Gia Tưởng

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NNPTNT cho biết: "Việt Nam trải dài trên 17 vĩ độ, với khí hậu, tập quán canh tác của các dân tộc tạo ra các sản phẩm đặc thù, đặc sản trên thế giới. Chúng ta cần phải phát huy được những sản phẩm này, đặc biệt là tạo dựng nên các sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng để có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nói chung và đặc biệt là hơn 400 triệu người tiêu dùng tầng lớp trung lưu của Trung Quốc".

Ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch Công ty CP Cánh đồng vàng Lạng Sơn, doanh nghiệp đã tiếp xúc với thị trường Trung Quốc được 30 năm, chia sẻ: "Nông sản Việt Nam từ xưa đến nay vẫn chủ yếu là xuất thô, xuất tươi sang thị trường Trung Quốc. Giờ cần phải thay đổi tư duy này. Hiện chúng tôi đang đầu tư sâu vào chế biến.

Năm 2023, dự báo bên cạnh những cơ hội, thuận lợi khi tình hình thông quan hàng hóa nông sản qua cửa khẩu biên giới Việt – Trung được cải thiện, sẽ có rất nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh mới cần trao đổi, tháo gỡ như: Xu hướng giảm cầu, một số mặt hàng có tiềm năng chưa được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc như bưởi, bơ, na, roi, dừa, thảo quả, dứa, sứa muối; thông tin thị trường, thông quan chưa chuyển tải kịp thời, tổ chức kết nối sản xuất với thương lái, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chưa chặt chẽ...

Thành tựu ngành nông nghiệp thời gian có nhiều đóng góp của thương nhân Trung Quốc - Ảnh 2.

Các đại biểu dự hội nghị với nhiều ý kiến tâm huyết. Ảnh: Gia Tưởng

Tại hội nghị, các đại biểu đã thông tin tình hình hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, hợp tác thúc đẩy giao thương, vấn đề kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm xuất khẩu, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng, những vướng mắc tồn tại trong xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc…; đồng thời đưa ra những kiến nghị, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu…

Ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch Công ty CP Cánh đồng vàng Lạng Sơn, doanh nghiệp đã tiếp xúc với thị trường Trung Quốc được 30 năm, chia sẻ: "Nông sản Việt Nam từ xưa đến nay vẫn chủ yếu là xuất thô, xuất tươi sang thị trường Trung Quốc. Giờ cần phải thay đổi tư duy này. Hiện chúng tôi đang đầu tư sâu vào chế biến. Chúng ta nên hợp tác song phương với các đối tác, bạn hàng, chuỗi phân phối như siêu thị, trung tâm thương mại điện tử… để làm sao xuất khẩu vào nước bạn sẽ yên tâm hơn, hàng hóa đảm bảo chất lượng, đảm bảo mã số vùng trồng, tiêu chuẩn chất lượng, mã đóng gói… đi theo con đường chính ngạch". 

Nông dân cần bỏ dần tư duy buôn chuyến

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Trung Quốc là một đối tác lịch sử, truyền thống và mang tính định hướng lâu dài.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thành tựu ngành nông nghiệp thời gian qua có nhiều đóng góp của thương nhân Trung Quốc, bởi họ giúp giảm tình trạng thả nổi, sản xuất theo quán tính của bà con nông dân.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng thành công của hợp tác giao thương không chỉ dừng ở việc buôn bán có lãi một vài chuyến, mà cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng, cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội, giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính cánh đồng của mình.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sẽ tạo ra sức phát triển cho cộng đồng và nhận định mỗi thị trường có một văn hóa, mỗi người tiêu dùng có một thói quen. 

Vì vậy, việc thích ứng với những lệnh như 248, 249 và sắp tới là 259 sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu một cách bền vững.

Nhấn mạnh thông điệp "Chính phủ luôn đề cao thị trường Trung Quốc", Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Để làm được, Bộ trưởng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước coi đây là những người bạn đồng hành, thay vì là đối tượng quản lý.

"Doanh nghiệp có bền vững thì đất nước mới bền vững. Thông qua giao thương kinh tế, Việt Nam muốn khẳng định là quốc gia sản xuất có trách nhiệm trên thế giới" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết thêm, thị trường thế giới ngày càng trở nên khó đoán, nhà sản xuất hiện không những phải đối đầu với biến đổi khí hậu mà còn phải ứng phó với biến chuyển xu thế tiêu dùng. Áp lực cạnh tranh giờ không dừng lại ở từ các nước láng giềng mà thậm chí đến từ chính thị trường trong nước. Vì vậy, đâu đó xuất hiện "sức ì" với tư tưởng hài lòng với con số lợi nhuận.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng thành công của hợp tác giao thương không chỉ dừng ở việc buôn bán có lãi một vài chuyến, mà cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng, cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội, giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính cánh đồng của mình.

"Người nông dân nên bỏ dần tư duy buôn chuyến, chuyển từ buôn bán thương mại sang hợp tác song phương. Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan cam kết sẽ làm mọi cách để thúc đẩy quan hệ hợp tác giao thương với Trung Quốc, để hai bên có thể đồng hành một cách bền vững, lâu dài" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem