Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: “Doanh nghiệp, người dân vẫn phải chịu chi phí không chính thức rất lớn”

Thanh Phong Thứ tư, ngày 17/03/2021 16:27 PM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn than phiền về các chi phí không chính thức đang cản trở sự phát triển kinh tế.
Bình luận 0

Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (ACPI 2020), Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra sự cải thiện thủ tục hành chính (TTHC) ở một số nhóm ngành nhưng sự cải cách này chưa đi vào thực chất.

Cụ thể, báo cáo cho thấy, nhóm TTHC thuế đứng đầu về cải thiện với mức độ chung được đánh giá tăng 5,6 điểm so với năm 2019. Đứng thứ hai về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC kiểm tra chuyên ngành.

Theo đó, nhóm TTHC này có mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5 điểm so với năm 2019. Sự cải thiện của nhóm kiểm tra chuyên ngành được phản ánh cả ở thời gian và chi phí trực tiếp.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: “Doanh nghiệp, người dân vẫn phải chịu chi phí không chính thức rất lớn” - Ảnh 1.

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Nhóm TTHC môi trường đứng thứ ba về mức độ cải thiện, với việc tăng 0,5 điểm so với năm 2019. Tuy nhiên, phân tích các chi phí thành phần cho thấy sự cải thiện của nhóm môi trường chưa phải thực chất.

Nhóm TTHC điều kiện kinh doanh có cải thiện chung tăng 0,2 điểm so với năm 2019 để đứng thứ tư về mức độ cải thiện APCI. Mặc dù thời gian qua, đã có nhiều nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh nhưng kết quả khảo sát doanh nghiệp cho thấy gánh nặng đối với doanh nghiệp chưa thay đổi một cách tương xứng.

Đáng chú ý, phát biểu tại sự kiện Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, việc tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC phải bao gồm chi phí chính thức và không chính thức.

Qua đó, tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Theo đánh giá của ông Dũng cho biết, hiện tại, chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh.

Điều này khiến các doanh nghiệp nước ngoài đang muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam có tâm lý e ngại. Bên cạnh đó, thời gian qua, người dân, doanh nghiệp liên tục than phiền về loại chi phí này.

"Nếu để khoản chi phí này tiếp tục tồn tại và bao trùm trên diện rộng thì sẽ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân", ông Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra cũng theo ông Dũng, việc cải cách thực hiện các giải pháp chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ TTHC.

Theo đó, việc chuyển đổi không chỉ là điều chuyển các điều kiện, yêu cầu chứng minh với doanh nghiệp từ giai đoạn trước cấp phép sang sau cấp phép, mà là thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý Nhà nước với từng lĩnh vực và thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm kinh doanh.

Cụ thể, doanh nghiệp mong muốn có những quy định, khuôn khổ, phương thức cụ thể, rõ ràng và bảo đảm các tiêu chí giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp trong công tác hậu kiểm, theo khảo sát APCI tại các địa phương.

"Doanh nghiệp mong muốn công tác này mang tính khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp để tự giác thực hiện đúng pháp luật, cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm các quy định pháp luật thay vì cơ quan chức năng tìm soát lỗi của doanh nghiệp để xử phạt", ông Dũng nhấn mạnh

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem