Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị lần đầu tiên đăng đàn: Bất cập quy hoạch đô thị, sai phạm huy động vốn làm nóng nghị trường

Thái Nguyễn Thứ tư, ngày 02/11/2022 15:15 PM (GMT+7)
Ngày 3/11, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đăng đàn Quốc hội để trả lời chất vấn những vấn đề còn tồn đọng trong ngành xây dựng. Những bất cập trong quy hoạch đô thị, những sai phạm của cá nhân trong huy động vốn và kinh doanh bất động sản dự kiến sẽ làm nóng nghị trường.
Bình luận 0

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn từ ngày 3 - 5/11 tới. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn của Quốc hội về 4 vấn đề "nóng" của ngành xây dựng.

Ở nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính. Các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn gồm 4 vấn đề chính, cụ thể:

Thứ nhất là, thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Thành phố Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết phương án di dời gồm 2 nhóm. Thứ nhất, nhóm cơ quan đã xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ, bao gồm 23 cơ quan, trong đó 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất và thực hiện đầu tư xây mới (có 7 cơ quan đã hoàn thành đưa vào sử dụng và 1 cơ quan là Bộ Ngoại giao đang hoàn thiện) và 15 cơ quan thực hiện cải tạo tại chỗ. Còn thứ hai, nhóm cơ quan đề xuất di dời gồm 13 cơ quan.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (Ảnh: DV)

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (Ảnh: DV)

Bộ Xây dựng đang tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Đồ án Quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ ngành Trung ương, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt; có Văn bản gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan về Đồ án Quy hoạch Khu trụ sở Bộ, ngành tại Tây Hồ Tây và Mễ Trì, Hà Nội. Công tác này dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11/2022, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Lý giải nguyên nhân công tác di dời còn triển khai chậm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng (cơ chế chính sách, sử dụng quỹ đất sau khi di dời, hình thức huy động nguồn lực, phối hợp các cơ quan liên quan). Các Bộ, ngành và thành phố Hà Nội chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời).

Thứ hai là, quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Từ năm 2019 đến nay, Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Sở Xây dựng các địa phương đã triển khai thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước, trong đó có hoạt động kinh doanh bất động sản.

Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng những vấn đề “nóng” của ngành xây dựng - Ảnh 2.

Tăng cường thanh, kiểm tra xử phạt hành chính các hoạt động kinh doanh bất động sản (Ảnh: TN)

Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 15 Đoàn Thanh tra về hoạt động kinh doanh bất động sản. Các Kết luận Thanh tra đã chỉ ra các vi phạm, đã kiến nghị xử lý về hành chính đối với 28 tổ chức và ban hành 28 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 5,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tại 3 thành phố lớn (Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng), giai đoạn 2020 đến tháng 9/2022, đã triển khai 441 lượt kiểm tra về hoạt động kinh doanh bất động sản, ban hành 77 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 29,2 tỷ đồng.

Thứ ba là, việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra, đến nay mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu; trong đó nhà ở công nhân là 3,13 triệu m2 với 62.700 căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,65 triệu m2 với 93.090 căn hộ.

Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng những vấn đề “nóng” của ngành xây dựng - Ảnh 3.

Bộ Xây dựng chỉ ra khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội (Ảnh: TN)

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng chỉ rõ, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội. Về quy định pháp luật vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan. Trong đó, Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong khi trên thực tế nhu cầu này rất lớn.

Bên cạnh đó, ngân sách trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội; nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình...

Thứ tư là, trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản; việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết hiện nay nguồn cung tất cả các loại vật liệu xây dựng chủ yếu dồi dào, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các công trình xây dựng trong nước và có một phần xuất khẩu. Các loại vật liệu xây dựng thông thường có nguồn cung phụ thuộc nhiều vào vùng cung cấp. Đây cũng là loại vật liệu chủ yếu phục vụ cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

Tuy nhiên, việc cung cấp vật liệu với sản lượng khai thác lớn trong thời gian ngắn sẽ khó khăn. Khó khăn lớn nhất là các dự án đường cao tốc qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do nguồn nguyên liệu khoáng sản ở khu vực này hạn chế, trữ lượng của các mỏ cát được cấp phép trong khu vực sẽ không đáp ứng được nhu cầu. Ước tính còn thiếu khoảng 20 triệu m3 vật liệu đất đắp.

Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng những vấn đề “nóng” của ngành xây dựng - Ảnh 4.

Nguồn cung vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng đủ cho các dự án trọng điểm quốc gia, nhưng vẫn tồn tại một số khó khăn (Ảnh: TN)

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đã giải quyết kịp thời kiến nghị của Bộ, ngành và các địa phương liên quan, hoàn thiện trình Chính phủ cơ chế đặc thù cấp phép các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ công trình trọng điểm quốc gia.

Bộ Xây dựng chủ động xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, các chủng loại vật liệu xây dựng, vật liệu thay thế góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng để phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia. Đồng thời đề xuất các giải pháp, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương công bố giá vật liệu, chỉ số giá xây dựng để điều chỉnh, bổ sung kịp thời phục vụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo đúng quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem