Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Bảo vệ quyền lợi của nông dân đi đôi với thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai

Lương Kết (lược ghi) Thứ tư, ngày 27/01/2021 16:53 PM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNN Nguyễn Xuân Cường, cần hoàn thiện chính sách đất đai theo hướng quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi của nông dân đi đôi với thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai trên cơ sở hình thành thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Bình luận 0

Nông nghiệp vẫn là thế mạnh 

Trình bày tham luận tại Đại hội XIII chiều 27/1, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã nêu 5 kết quả nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn trong nhiệm kỳ qua như: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách thực chất, hiệu quả hơn, đạt nhiều kết quả quan trọng; Công nghiệp chế biến nông sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản;  Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu với việc chuyển nhanh sang phương thức xuất khẩu chính ngạch; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích trước gần 2 năm, đã thúc đẩy nông thôn "thay da đổi thịt" hàng ngày.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Bảo vệ quyền lợi của nông dân, đi đôi với thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tham luận tại Đại hội XIII.

"Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Tuy vậy, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là xu hướng chủ đạo, sẽ thúc đẩy các kênh đầu tư vào nông nghiệp; khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ số phát triển mạnh mẽ cùng với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ đem lại nhiều thay đổi trong tổ chức sản xuất; hiệu quả kinh doanh nông nghiệp. Ở trong nước, sự ổn định về chính trị, nền kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ cao đem lại môi trường thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

Có thể khẳng định, nông nghiệp vẫn là thế mạnh của đất nước ta, đang và sẽ tiếp tục tạo sinh kế bền vững, việc làm, thu nhập cho người dân và số đông lao động; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống và góp phần bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ rõ, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức: Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn đang ở quy mô hộ, nhỏ lẻ, phân tán và đây là nút thắt trong hội nhập quốc tế, giảm khả năng cạnh tranh, khó khăn trong kiểm soát về chất lượng, quy trình, giá thành; 

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tổn thương lớn nhất của biến đổi khí hậu, xảy ra trên cả 7 vùng kinh tế - xã hội, trong đó những vùng trọng yếu về sản xuất nông nghiệp chịu tổn thương lớn nhất, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, vùng ven biển; dịch bệnh xuyên biên giới trên cây trồng, vật nuôi đang diễn biến phức tạp và khó lường; Quá trình hội nhập sâu vào kinh tế thế giới với các hiệp định thương mại tự do mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng có nhiều quy định khắt khe từ các quốc gia, thậm chí sự cạnh tranh thương mại nông sản gay gắt sẽ diễn ra ngay trên "sân nhà".

Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn

Trước bối cảnh và yêu cầu mới với các thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đưa ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nêu một số giải pháp cần chú trọng.

Đó là tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về "Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế" đến các cấp, ngành, địa phương và người dân; thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành; trong đó tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới, nhất là cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư, bảo hiểm, hợp tác công tư.  Hoàn thiện chính sách đất đai theo hướng quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi của nông dân; đi đôi với thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai trên cơ sở hình thành thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp cùng với các chế tài quản lý đồng bộ để mở rộng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu một nền sản xuất lớn, hiện đại.

Tranh thủ lợi thế các Hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế để ổn định, giữ vững các thị trường truyền thống, quy mô lớn, phát triển thị trường mới. 

Nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung giải quyết các khâu then chốt, ứng dụng nhanh thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao để tạo tăng trưởng đột phá. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, chuyển dịch đồng bộ lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ với những điều kiện an sinh xã hội tốt hơn. 

Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình "chuyển đổi số, kinh tế số" trong lĩnh vực nông nghiệp; hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn theo hướng nông dân giàu có, văn minh và bảo đảm môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa vùng nông thôn Việt Nam.

Huy động nguồn lực, đầu tư hạ tầng đồng bộ cho nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, bền vững, đảm bảo khả năng chống chịu trước rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn; triển khai phong trào trồng mới 1 tỷ cây xanh góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem