Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường với dấu ấn vượt qua những "thách thức lịch sử"

Khương Lực Thứ năm, ngày 28/01/2021 14:43 PM (GMT+7)
Từng là người lăn lộn nhiều năm với ngành NNPTNT, nhưng đối với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nhiệm kỳ 5 năm vừa qua (2016-2020) là thời kỳ đặc biệt khó khăn, thách thức lịch sử. Trong bối cảnh ấy, tư lệnh ngành NNPTNT đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện đạt và vượt các mục tiêu Chính phủ giao.
Bình luận 0

Tại hội nghị tổng kết ngành NNPTNT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, năm 2020 và 5 năm qua (2016-2020), thiên tai, nhân tai, dịch bệnh, kể cả dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp vô cùng nặng nề. 

"Một năm có thể nói đầy thách thức lịch sử và khó khăn, nhưng cũng là một năm đầy bản lĩnh, thắng lợi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường với dấu ấn vượt qua những "thách thức lịch sử"  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tham luận tại Đại hội XIII.

Năm đầy thách thức và thắng lợi toàn diện

Bước vào năm 2020, ngành NNPTNT phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lịch sử. Đầu tiên là đại dịch Covid-19 gây ra khủng hoảng lớn nhất trong vòng 100 năm trên phạm vi toàn cầu.

"Một con virus bé mà làm ra đợt khủng hoảng kinh khủng toàn cầu mang tính lịch sử, chưa có tiền lệ và chúng ta không tránh khỏi tác động chung đó. Thậm chí, Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ lớn hơn, bởi Covid-19 xuất hiện tháng 1/2020, chúng ta kề cận quốc gia có dịch này nên nguy cơ rất cao" – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Cùng với đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp còn có thách thức lớn, chưa từng có, đó là thiên tai dị thường, khốc liệt. Không có năm nào đêm giao thừa mưa rào lớn đến mức độ trong vòng 20 phút mà ngập đến lưng ống chân. Sau này các trạm đo báo cáo mưa 100-120mm, không những ở một điểm mà xung quanh thủ đô Hà Nội như: Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam.

Đầu năm 2020 khởi đầu bằng trận mưa đá vào sáng sớm mùng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc, khiến 14.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng, thủng mái. Nửa đầu năm 2020, chúng ta cũng chứng kiến đợt hạn lịch sử ở cả 3 vùng Bắc, Trung, Nam.

"Lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta phải xoay trục, không chờ nước hồ buông xuống nữa mà lấy nước ngược từ phía cửa biển. Khi triều đẩy ngược lên, chúng ta đóng cống lại – gọi là bẫy nước, đưa vào phá ải 540.000ha vụ Đông Xuân của đồng bằng sông Hồng. Khi nước từ hồ Hòa Bình xả xuống, chúng ta đã hoàn thành cấp nước đổ ải tới 70% - lịch sử chưa từng có" – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Đối với miền Trung, năm nay hạn nặng đến mức độ chúng ta dự báo đầu tháng 8 không có mưa thì sẽ mất 28.000ha lúa ở miền Trung về vụ mùa. Khốc liệt đến mức có nơi ruộng cháy không còn ngọn cỏ.

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long cũng tạo ra một lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015 - 2016. Chưa bao giờ hạn – mặn kéo dài 6 tháng, mọi năm chỉ 4 tháng cho thấy sự hà khắc của thời tiết.

Bắt đầu từ cơn bão số 5 giữa tháng 9 cho đến giữa tháng 11, 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trùng một lúc đổ vào miền Trung. Chưa bao giờ có chuyện mưa cường lực một ngày hơn 900mm và chưa bao giờ có những điểm thí dụ như Bạch Mã mưa hơn 4.000mm.

Mặc dù hạn – mặn lịch sử đe dọa nghiêm trọng, có tính lịch sử, nhưng cục diện chung 3 vùng Bắc – Trung – Nam được mùa, được giá từ đầu năm đến cuối năm. Ngay từ tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo mở hội nghị để chỉ đạo các địa phương gieo sạ sớm hơn 1 tháng và chuyển đổi cơ cấu phù hợp; nên dù mức độ hạn – mặn thì nặng hơn nhưng thiệt hại chỉ bằng 9% so với 2016.

Trong đại dịch Covid-19 của thế giới, nông nghiệp Việt Nam vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước cho 100 triệu dân trong nước và trở thành điểm tựa an ninh lương thực cho nhiều quốc gia. Năm nay, sản lượng lương thực cả nước đạt 42,78 triệu tấn. Về thực phẩm, ước đạt 5,36 triệu tấn thịt các loại, 14,6 tỷ quả trứng, 1,1 triệu tấn sữa.

Trong năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 2,65%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41,25 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay. Về mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đến hết năm có 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới - vượt chỉ tiêu đề ra cho năm 2020 và giai đoạn 5 năm (2016-2020).

Bứt phá từ "những chỉ tiêu giao cao nhất"

Nhớ lại thời điểm năm 2016, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long hứng chịu đợt đợt hạn, mặn lịch sử đầu tiên. Vụ mùa năm đó, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long giảm 1 triệu tấn lương thực. 

Hàng triệu người ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên… thiếu nước ngọt. Và cũng chưa bao giờ ngành tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp và PTNT âm 0,18% trong 6 tháng đầu năm 2016.

Tính chung cả năm 2020, thiên tai làm 357 người chết và mất tích, 876 người bị thương; 3.427 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái; 511.172 lượt nhà bị ngập; 198.374 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 51.923 con gia súc, 4,11 triệu gia cầm chết, cuốn trôi; 787 km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 272,5km bờ biển, sông, suối bị sạt lở. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 37.400 tỷ đồng.

Ngay vào thời điểm Quốc hội phê chuẩn Chính phủ mới khóa 2016-2020, cơn bão số 1 đổ bộ, hoành hành suốt 8 giờ ở khu vực biển đồng bằng sông Hồng. Mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã gây ngập úng hầu như toàn bộ đồng ruộng 4 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. 

Do nhận định đúng và đưa ra giải pháp khắc phục nhanh chóng, kịp thời nên hầu hết diện tích lúa bị ngập nước đã được cứu vãn và cho một vụ mùa bội thu.

Trong năm 2017, cả nước có tới 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp, cùng với đó là mưa lớn, lũ ống, lũ quét... xảy ra trên diện rộng ở khắp các vùng miền của cả nước. Tổng thiệt hại do thiên tai trong năm 2017 đã lên mức kỷ lục – ước khoảng 60.000 tỷ đồng, cho thấy mức độ khốc liệt và đầy thử thách của thiên tai. 

Thế rồi, trong lịch sử đầu tiên của Việt Nam về nền chăn nuôi hiện đại là ngày 1/2/2019, dịch tả lợn châu Phi xảy ra. Đây là một thảm họa vô cùng lớn với ngành hàng thịt lợn nói chung trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hậu quả đến bây giờ vẫn chưa khắc phục hoàn toàn.

Trong bối cảnh đó, ngành NNPTNT được Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu cao nhất từ trước đến nay. Đơn cử chỉ tiêu về nông thôn mới, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giao đến năm 2020 phải hoàn thành 50% số xã trong khi kết thúc giai đoạn 2010-2015 mới đạt 17,5%.

Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành nông nghiệp và PTNT đã vượt khó đi lên, đạt được những kết quả tương đối nền tảng, toàn diện. "Chưa bao giờ nông nghiệp được quan tâm như giai đoạn vừa qua" – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Trong 5 năm qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 9 Nghị quyết/Kết luận/Chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, Quốc hội đã ban hành 6 Luật, Chính phủ ban hành 50 Nghị định trực tiếp về nông nghiệp, nông thôn, đã tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách quan trọng trong tổ chức thực hiện. Trong năm 2020, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng 31 lần làm việc với ngành nông nghiệp.

Với sự quan tâm đồng bộ, quyết liệt như vậy đã tạo ra sức mạnh, thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Chưa bao giờ trong 4 năm (2017-2020) số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp tăng đến 3 lần, từ 3.100 tăng lên xấp xỉ 14.000 doanh nghiệp; số HTX tăng gần gấp đôi - từ hơn 9.000 HTX lên 17.000 HTX.

Cả nước có 67 dự án lớn tập trung vào khu vực chế biến, giá trị 2,58 tỷ USD. Đời sống người nông dân được nâng lên một mức, tăng gần gấp đôi – từ mức 22 triệu năm 2016 lên 43 triệu đồng/người/năm vào năm 2020.

"Đối với mục tiêu lớn về cơ cấu lại ngành, chúng ta hình thành 3 trục sản phẩm, nhóm sản phẩm quốc gia tiếp tục phát huy lợi thế, nhóm sản phẩm cấp tỉnh, nhóm sản phẩm OCOP, cả 3 đồng hành. Chưa bao giờ có 3.400 sản phẩm OCOP như bây giờ, thay da đổi thịt, thay đổi cung cách sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa ở các cấp độ, quy mô" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Tính đến cuối năm 2020, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của ngành NNPTNT giai đoạn 2016 - 2020 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân đạt 2,62%/năm;  Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 190,5 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 41,25 tỷ USD;  Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; Hết năm 2020 có 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới;  Thu nhập của cư dân nông thôn năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem