Bộ trưởng NNPTNT mong người dân chia sẻ tiêu thụ thịt gà, thủy sản

Khương Lực Thứ hai, ngày 01/01/1900 00:00 AM (GMT+7)
Tại phiên họp Chính phủ ngày 5/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Về tổng thể, năm nay lương thực, thực phẩm tương đối dồi dào, không thiếu thứ gì. Duy nhất mặt hàng thịt lợn Bộ NN&PTNT phấn đấu đến cuối quý III, đầu quý IV/2020 sẽ phục hồi số lượng đàn lợn bằng mức cao nhất năm 2018.
Bình luận 0

Nhắc lại quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: nếu Covid-19 tạo khó khăn một thì chúng ta phải hành động quyết liệt, quyết tâm 2 lần, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng năm nay Bộ NN&PTNT đã cố gắng đáp ứng đủ lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào và dành một phần đáp ứng đủ nhu cầu về lượng cho công tác xuất khẩu theo kế hoạch.

img

Năm 2020, lương thực, thực phẩm đều dồi dào, duy nhất mặt hàng thịt lợn thiếu; vì thế Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường mong người dân chia sẻ tiêu thụ nhiều gà, thủy sản, trứng... để có cơ cấu thực phẩm hợp lý với giá phải chăng.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, năm nay thiên tai rất khắc nghiệt. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi từ xưa đến nay chưa bao giờ đe dọa đến mức như thế. Cùng với tổn thương chung của đại dịch Covid-19, nhưng vụ Đông Xuân từ Nam tới Bắc đều dự kiến được mùa tương đối trọn vẹn.

Trong năm 2020, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đạt sản lượng lương thực ở mức cao nhất, theo kế hoạch là 43,5 triệu tấn. Về thực phẩm, ngành đặt mục tiêu phấn đấu đạt 14,5 triệu tấn thịt, 14,6 tỷ quả trứng, 1,2 triệu tấn sữa... đáp ứng thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng cho 100 triệu dân trong mọi hoàn cảnh và dành một phần đáp ứng đủ nhu cầu về lượng cho công tác xuất khẩu theo kế hoạch.

Riêng mặt hàng thịt lợn, Bộ trưởng cho biết, sáng ngày mai (6/5) Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức hội nghị với 37 tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, HTX chăn nuôi và hộ nông dân để bàn bạc, giải quyết vấn đề khó khăn trong tái đàn ở khu vực nông hộ và HTX, nhất là về con giống, tín dụng, các dịch vụ khác.

"Chúng tôi tin tưởng, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết tâm, cố gắng làm sao trong thời gian sớm nhất đưa giá lợn xuống bằng một nguyên tắc phục hồi nhanh nhất tái đàn lợn" - Bộ trưởng khẳng định và cho biết về tổng thể, sản lượng thực phẩm năm nay tương đối dồi dào, không thiếu thứ gì.

Dù vậy, theo Bộ trưởng, người dân và thị trường cần chia sẻ, tiêu thụ nhiều gà, cá, thủy sản, trứng… "Những thứ này Việt Nam đang sản xuất tốt và đều do nông dân chúng ta sản xuất ra. Có như vậy, một mặt chống được CPI không bị đội giá, nhưng mặt khác đảm bảo phát triển bền vững khu vực gia cầm, thủy sản và người tiêu dùng được lựa chọn ăn thực phẩm tốt với giá phải chăng nhất".

Cùng với hội nghị thúc đẩy tái đàn lợn, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng các cơ quan trung ương như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương... tổ chức một loạt các hội nghị với các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp gỗ, cá tra, tôm... nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Theo Bộ trưởng, trong năm nay Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thành tốt mục tiêu 59% xã đạt chuẩn về nông thôn mới, đến cuối tháng 4/2019 đã đạt 58,2%. Cùng với đó, tỷ lệ che phủ rừng đạt 43%, tính đến cuối tháng 4/2020 đạt 41,89%...

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 21,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 11,9 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước khoảng 9,17 tỷ USD, giảm 5,2%. Xuất siêu gần 2,8 tỷ USD (giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước). 

Từ mức tăng 14,8% trong 3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gỗ và lâm sản bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm sâu 24,7% trong tháng 4/2020 do tác động của dịch Covid-19. Mức giảm này dự báo sẽ lặp lại trong tháng 5/2020 mặc dù chính phủ các quốc gia đã bắt đầu mở cửa từng bước để phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, ít nhất phải hết quý II/2020 sản xuất của ngành mới có thể khôi phục bình thường. Trong bối cảnh như vậy, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ giữ được mức xuất khẩu tương đương với 2019, khoảng trên 11 tỷ USD. 

Tương tự, các mặt hàng thủy sản như cá tra, tôm, rồi xuất khẩu rau... đều ghi nhận sụt giảm về giá trị xuất khẩu. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem