Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: Sự yên ổn trong lòng nông thôn là điều đáng quý

Anh Thơ Thứ ba, ngày 16/02/2021 06:05 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh một năm 2020 đầy gian khó và thử thách, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp đã "lách" theo từng khe hẹp của thị trường, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực nước nhà mà còn xuất khẩu mạnh mẽ, đưa về kim ngạch 41,25 tỷ USD.
Bình luận 0

Đầu năm mới, nhìn lại năm cũ, với lĩnh vực của mình, Bộ trưởng có thể tổng kết những điều gì?

- Tôi nghĩ đó là thử thách. Đại dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ đã gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất trong vòng 100 năm nay buộc mỗi người, mỗi doanh nghiệp phải có những thay đổi để thích ứng, bởi dịch bệnh xảy ra ở một thời đại mà nền kinh tế hội nhập sâu rộng chưa từng có.

Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra khi dịch lại bùng phát từ Trung Quốc, nước láng giềng có chung đường biên giới rất dài với ta, hoạt động giao thương, buôn bán đang ở giai đoạn vô cùng sôi động.

Trong năm 2020 ngành nông nghiệp còn cùng lúc đối diện với 2 thách thức khác, cũng khắc nghiệt không kém, đó là thiên tai và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Chưa từng có năm nào giao thừa trời mưa như trút nước, đúng mùng 1 Tết mưa đá ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc khiến gần 14.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng ngay trong ngày đầu tiên của năm mới.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: Sự yên ổn trong lòng nông thôn là điều đáng quý - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (giữa) và đoàn công tác đến thăm nhà máy chế biến yến sào đặc sản của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Nguyễn Dũng

Sau mưa đá là hạn lịch sử, chưa bao giờ cả miền Bắc, miền Trung, miền Nam phải đối mặt với hạn hán, trong khi đó vụ lúa đông xuân ở Đồng bằng sông Hồng quyết định tới 60% sản lượng lúa cho toàn vùng. 

Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta chủ động xoay trục, không chờ nước ở hồ Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu khi đó còn cạn kiệt mà lấy nước từ cửa biển, khi triều đẩy lên thì lập tức đóng sập để "bẫy" nước cứu 540.000ha của Đồng bằng sông Hồng. Khi nước từ hồ Hòa Bình xuống thì đã đổ ải được 70%.

Trong khi đó, miền Trung cũng oằn mình trong cơn khát đỉnh điểm, khốc liệt. Tương tự như vậy, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã vượt cả kỷ lục năm 2015 – 2016, chưa bao giờ mùa hạn mặn lại kéo dài đến 6 tháng và mùa lũ lại kết thúc sớm như năm vừa qua. 

Chưa bao giờ từ cuối tháng 9 đến tháng 11, có đến 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới dồn dập, có những điểm mưa lên đến 4.000mm.

Những thử thách ấy không còn mang tính dự báo mà nó đã hiện hữu, tác động trực tiếp vào đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Nhưng năm 2020 cũng ghi nhận nhiều kỷ lục mà ngành nông nghiệp đã chạm tới, nông sản Việt đi khắp châu Âu, châu Mỹ rộn ràng, lúa gạo cũng có một năm được mùa kép và giá cao... Theo Bộ trưởng, đâu là nền tảng để tạo nên thành quả đó?

- Chúng ta đã đối mặt với thử thách bằng tinh thần chủ động và linh hoạt. Để "né" hạn mặn, các địa phương vùng ĐBSCL đã điều chỉnh ngay lịch xuống giống, nhận thấy tín hiệu thị trường tốt chúng ta có chủ trương mở rộng diện tích lúa thu đông. Kết quả, sản lượng lương thực đạt 42,78 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu của 100 triệu dân và thỏa mãn nhu cầu xuất khẩu.

Giá lúa gạo cao từ đầu đến cuối năm, bà con trồng lúa năm nay rất phấn khởi, giá gạo 5% tấm của Việt Nam có lúc vượt cả Thái Lan, và trong bối cảnh dịch Covid-19, vai trò của Việt Nam trong sản xuất lúa gạo, cung ứng lương thực cho thế giới đã được khẳng định. Chúng ta đã có một năm sản xuất, xuất khẩu gạo trọn vẹn chưa từng có.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2020 cũng cán mốc 41,25 tỷ USD, cao hơn 2,6% so với năm 2019. Đây là kết quả tốt, trong bối cảnh thị trường rối loạn do Covid-19, trong khi trình độ logistics còn hạn chế, chúng ta đã tận dụng từng khe hẹp của thị trường để xuất khẩu hàng hóa.

Nhưng tôi nghĩ, điều có ý nghĩa hơn tất cả mọi con số đó chính là sự yên ổn trong lòng nông thôn khi Covid-19 đã gây ra những nhiễu động bởi sự cách ly, phong tỏa. Mỗi ngày, nông sản vẫn từ các vùng quê tỏa đi khắp nơi cung ứng kịp thời cho người dân, không có tình trạng khan hiếm, cháy hàng. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định, cả thế giới lao đao về Covid-19 trong khi ở Việt Nam cứ về quê là yên ổn. Sự yên ổn ấy được tạo nên bởi thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới khi hạ tầng của nhiều vùng quê ngày càng khang trang, hiện đại, thu nhập của người dân nông thôn đã tăng gấp nhiều lần, hiện đạt bình quân 43 triệu đồng/người, trong đợt dịch vừa qua, nông thôn đã là nơi trở về của rất nhiều người sau những đợt sóng mà Covid-19 tạo ra.

Năm 2021, ngành nông nghiệp sẽ ưu tiên những mục tiêu gì trong kế hoạch phát triển, thưa bộ trưởng?

- Năm 2020, cụm từ chuyển đổi số được nhắc đến rất nhiều và ngành nông nghiệp cũng không ngoại lệ. Chúng tôi sẽ tích cực ứng dụng chuyển đổi số để có thể hình thành một lớp nông dân mới, có thể ứng dụng công nghệ số, bán hàng trực tuyến. Và tôi tin xu hướng này sẽ diễn ra rất nhanh bởi hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng vô cùng tốt khi mọi hệ thống quản trị đều được tự động hóa.

Chúng ta hoàn toàn có quyền mơ về tương lai với ngành nông nghiệp số khi đang có những doanh nghiệp rất chủ động, tích cực trong công cuộc chuyển đổi này.

Xin cảm ơn những chia sẻ đầu năm của Bộ trưởng! 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem