Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack cắt băng khánh thành phòng thí nghiệm giám định gỗ tại Việt Nam

Minh Ngọc Thứ hai, ngày 17/04/2023 17:13 PM (GMT+7)
"Phòng thí nghiệm giám định gỗ công nghệ DART khi đi vào hoạt động giúp giám định và xác định loài gỗ chỉ trong vài phút. Dấu mốc này sẽ giúp Việt Nam thuận lợi trong xuất khẩu gỗ", Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack chia sẻ tại lễ cắt băng khánh thành phòng thí nghiệm giám định gỗ, chiều 17/4.
Bình luận 0

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack đến thăm, làm việc và cắt băng khánh thành phòng thí nghiệm giám định gỗ công nghệ DART tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ hướng tới kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện.

Thể hiện mối quan hệ chặt chẽ của ngành nông nghiệp Việt Nam - Mỹ

Phát biểu chào mừng Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack đến thăm, làm việc với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, GS.TS Võ Đại Hải, Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ: "Đây là niềm vinh hạnh rất lớn của chúng tôi, thể hiện rõ sự quan tâm, hợp tác chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp của hai nước".

GS.TS Võ Đại Hải cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 13-15%, giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 15,7 tỷ USD, trong đó thị trường Hoa Kỳ hiện nay chiếm tới 65-70%. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 chấu Á và thứ 5 thế giới; chiếm khoảng 6% thị phần đồ gỗ thế giới.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ cắt băng khánh thành phòng thí nghiệm giám định gỗ ở Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam - Ảnh 1.

Chiều nay, 17/4, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack đã đến thăm, làm việc và cắt băng khánh thành phòng thí nghiệm giám định gỗ công nghệ DART tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Ngọc

Đồng thời, Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế và các hiệp định thương mại tự do, vì vậy công tác kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp, đặc biệt trong xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản rất quan trọng; nhu cầu giám định gỗ tại Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây.

Trong khi hàng năm Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam phải xử lý khối lượng công việc rất lớn về giám định gỗ. Tuy nhiên, công nghệ giám định hiện nay chủ yếu dựa vào cấu tạo gỗ và thời gian giám định dài (thường mất 2-3 ngày), gây ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp.

Chính bởi vậy, năm 2021 Cục Lâm nghiệp Mỹ đã tài trợ cho Việt Nam dự án: "Tăng cường năng lực giám định gỗ cho Việt Nam" với thời gian thực hiện 2 năm, trong đó dự án đã hỗ trợ công nghệ giám định gỗ DART – hệ thống phân tích tự động căn cứ vào so sánh kết quả phân tích quang phổ thành phần hóa học của các hợp chất có trong gỗ với thời gian phân tích rất ngắn, khoảng 10 phút. "Điều này thể hiện mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp của Việt Nam - Mỹ", ông Hải nói.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ cắt băng khánh thành phòng thí nghiệm giám định gỗ ở Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam - Ảnh 2.

GS.TS Võ Đại Hải, Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, công nghệ giám định gỗ DART chỉ mất thời gian phân tích rất ngắn, khoảng 10 phút. Ảnh: Minh Ngọc.

GS.TS Võ Đại Hải nói, mặc dù đầu năm 2022 dịch Covid-19 vẫn còn, nhưng Cục Lâm nghiệp Mỹ và các đối tác đã nhanh chóng triển khai các hoạt động, lắp đặt, vận hành công nghệ DART (tháng 8/2022 hoàn thành); Đào tạo 4 cán bộ tại Mỹ, đào tạo 6 cán bộ tại Việt Nam về sử dụng công nghệ DART.

Về phía Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã lựa chọn những cán bộ có chuyên môn tốt nhất, được đào tạo bài bản ở nước ngoài tham gia dự án; bố trí và chuẩn bị cơ sở vật chất để tiếp nhận thiết bị; phối hợp tổ chức hội thảo khởi động (tháng 6/2022) và 2 Hội thảo giới thiệu công nghệ DART tại phía Nam (tháng 11/2022) và miền Trung (tháng 3/2023); Chủ động triển khai xây dựng CSDL, tính đến thời điểm hiện tại (tháng 4/2023) đã thực hiện cho 460 loài cây, trong đó có 33 loài đủ 20 mẫu, 21 loài nhập khẩu.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ cắt băng khánh thành phòng thí nghiệm giám định gỗ ở Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack thăm quan phòng thí nghiệm giám định gỗ công nghệ DART tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Ngọc

Cũng theo ông Hải, năm 2023, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam sẽ tập trung nhân lực để hoàn thành CSDL cho 800 loài cây gỗ chủ yếu tại Việt Nam, trong đó dự kiến sẽ có 100 loài có số mẫu đạt >20 mẫu. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện 1 TCVN và các thủ tục pháp lý có liên quan để Việt Nam chính thức công nhận công nghệ DART được sử dụng trong giám định gỗ tại Việt Nam. Viện cũng đã nộp đơn đăng ký lên cơ quan Cities để xin cấp mã số làm cơ sở cho việc trao đổi mẫu vật quốc tế,...

Giám định nhanh chóng, minh bạch nguồn gốc gỗ

Nhấn mạnh hiệu quả mang lại của công nghệ giám định gỗ DART, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack nói, khi Việt Nam có thể có một hệ thống chứng nhận, xuất xứ của gỗ và các sản phẩm gỗ thì gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ có thương hiệu khi xuất khẩu ra thế giới. Yếu tố căn bản nhất của công nghệ này mang lại là giám định gỗ một cách chính xác và nhanh chóng nhất, qua đó sẽ xóa bỏ một số bất cập, hạn chế về thời gian.

Đồng thời, công nghệ giám định gỗ DART hỗ trợ tăng cường các mối quan hệ đối tác, quan hệ hai chiều giữa hai nước trong lĩnh vực Lâm nghiệp và từ các sản phẩm gỗ.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ cắt băng khánh thành phòng thí nghiệm giám định gỗ ở Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam - Ảnh 4.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack chia sẻ, công nghệ giám định gỗ DART sẽ giúp Việt Nam có thể kiểm soát nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu. Ảnh: Minh Ngọc

"Chúng ta cần hiểu rất rõ về khả năng trữ carbon của gỗ, liên quan đến các mục tiêu về biến đổi khí hậu. Chúng ta cần tập trung vào lĩnh vực lâm nghiệp và khu vực thành thị, nông thôn", Thomas Vilsack chia sẻ, đồng thời đánh giá cao Việt Nam đang sở hữu nhiều loài gỗ khác nhau, bởi vậy công nghệ giám định gỗ DART sẽ rất có lợi cho Việt Nam. Nhưng cũng có lợi ích cho ngành nông nghiệp Mỹ khi học hỏi được nhiều điều thông qua dự án này.

Liên quan đến vấn đề Lâm nghiệp, Bộ trưởng Thomas Vilsack cho rằng, biến đổi khí hậu là vấn đề hết sức quan trọng với Việt Nam và Mỹ. "Việt Nam đặt ra mục tiêu đưa phát thải dòng bằng 0 vào 2050. Như vậy, đây là mục tiêu rất tham vọng. Ở Mỹ chúng tôi cũng có mục tiêu như vậy và đây là cơ hội để chúng ta nhìn lại gỗ và các sản phẩm gỗ được sử dụng ra sao?. Chúng ta có thể thay đổi trong cách sử dụng", ông nói và đưa ra ví dụ, có thể sử dụng gỗ dán, hoặc bằng các công nghệ, kỹ thuật, giúp xây dựng công trình, nhà ở tốt hơn mà bên cạnh đó vẫn có thể tận dụng được khả năng trữ carbon của gỗ để hỗ trợ các mục tiêu biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ cắt băng khánh thành phòng thí nghiệm giám định gỗ ở Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam - Ảnh 5.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack (giữa) cùng ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (trái) và GS.TS Võ Đại Hải, Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (phải) cắt băng khánh thành phòng thí nghiệm giám định gỗ. Ảnh: Minh Ngọc

Chia sẻ tại buổi làm việc và dự lễ cắt băng khánh thành, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) cho rằng, đây là hoạt động cụ thể và rất có ý nghĩa để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng khi hai nước đang hướng tới kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện.

Việc hợp tác giữa Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Cục Lâm nghiệp Mỹ trong giám định gỗ là bước tiến quan trọng giúp tăng cường, thúc đẩy quan hệ thương mại trong ngành Lâm nghiệp giữa Việt Nam và Mỹ. Đồng thời góp phần minh bạch, bền vững trong ngành gỗ Việt Nam và toàn cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem