Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời nhiều vấn đề “nóng” tại Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trả lời chất vấn nhiều nội dung quan trọng liên quan đến lĩnh vực xây dựng.
Vi phạm trật tự xây dựng đã giảm
Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trả lời chất vấn các đại biểu về lĩnh vực xây dựng. Có 53 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.
Các nhóm vấn đề chất vất Bộ trưởng Phạm Hồng Hà tập trung vào các nội dung như: Giải pháp xử lý các khu đô thị hoang; trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp xử lý vi phạm quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng; xử lý dứt điểm vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực; trách nhiệm và giải pháp quản lý quỹ đất sau khi di dời doanh nghiệp, cơ quan ra khỏi nội đô Hà Nội; trách nhiệm của các Bộ, ngành và Bộ Xây dựng trong việc tham mưu quản lý căn hộ, biệt thự du lịch; vì sao chậm sửa đổi, bổ sung bộ quy chuẩn xây dựng…
Về tổ chức quản lý đô thị, Bộ trưởng cho biết: “Trong những năm qua quá trình đô thị hóa của đất nước diễn ra nhanh chóng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp. Đời sống nhân dân đô thị ngày một được nâng cao. Tuy nhiên việc phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, như vẫn tồn tại những khu đô thị không người ở như đại biểu nêu”.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của những tồn tại là do yếu kém về chất lượng quy hoạch còn thấp, một số quy hoạch dự báo chưa đúng tốc độ, tình hình phát triển... dẫn đến tính toán sai các chỉ tiêu hạ tầng, cấu trúc đô thị. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức xây dựng có những điểm lạc hậu. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch cũng còn nhiều hạn chế. Dẫn đến tình trạng xây dựng nhiều nhà cao tầng trong khu vực nội đô, xây dựng khu đô thị không đi kèm hạ tầng...
Trách nhiệm của Bộ Xây dựng là: Trách nhiệm trong tham mưu, hoàn thiện hệ thống thể chế, văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp thời; trách nhiệm chưa thực sự phối hợp quản lý, đôn đốc các địa phương; chậm thực hiện, một số nội dung thực hiện chưa hiệu quả một số nhiệm vụ Bộ Xây dựng được giao; còn bộ phận cán bộ chưa thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân...
Về giải pháp, thời gian tới cần nâng cao chất lượng quy hoạch và thực hiện quy hoạch; tăng cường công tác quản lý, công khai quy hoạch để nhân dân biết, thực hiện, giám sát; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm...
Về xử lý vi phạm trật tự xây dựng, Bộ trưởng cho biết: “Những năm qua vi phạm về xây dựng (xây dựng không phép, sai phép...) đã giảm dần song vẫn còn ở mức cao và đây cũng là vấn đề gây ra những lệch lạc trong xây dựng làm nhân dân và cử tri bức xúc”. Nêu nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này, Bộ trưởng cho biết thời gian tới sẽ tham mưu hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức quản lý đô thị để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này.
Về xử lý tòa nhà 8B Lê Trực, vụ vi phạm ở Linh Đàm, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ: “Hai vụ việc này thuộc trách nhiệm của TP Hà Nội. Về mặt kỹ thuật, việc phá dỡ thành phần công trình vi phạm có liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho công trình, các đơn vị của Bộ Xây dựng sẵn sàng phối hợp với TP Hà Nội nếu được yêu cầu”.
Sẽ sửa đổi 4 quy chuẩn xây dựng trong năm 2019
Trả lời chất vấn của ĐBQH về việc ban hành chậm hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết trong năm vừa qua Bộ Xây dựng đã dần dần hoàn thiện được Bộ quy chuẩn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng sự phát triển của khoa học công nghệ và thị trường khiến cho Bộ quy chuẩn bộc lộ những thiếu sót. Cụ thể, về hệ thống bộ quy chuẩn còn phân tán ở nhiều quy chuẩn khác nhau, bị trùng lặp giữa các ngành. Ngoài ra, một số quy chuẩn đã lạc hậu.
Ngoài ra, việc áp dụng Bộ quy chuẩn cũng còn thể hiện sự tùy tiện của các cơ quan lập và thẩm định dự án. Bộ trưởng cho biết sẽ bổ sung những thiếu sót, sửa đổi những tiêu chuẩn và quy chuẩn đã lạc hậu.
“Trong năm 2019 Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi 4 quy chuẩn liên quan đến đầu tư xây dựng đô thị đó là: Quy chuẩn quy hoạch đô thị, nhà ở, cơ sở hạ tầng và phòng cháy chữa cháy. Đồng thời Bộ sẽ rà soát 62 quy chuẩn nữa”, Bộ trưởng Hà nói.
Về việc xây dựng các quy định quản lý đầu tư, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đối với các loại hình căn hộ du lịch (condotel), Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: “Hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng có trách nhiệm sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, ban hành quy chế quản lý vận hành đến các loại hình bất động sản (BĐS) mới (condotel, officetel…)”.
Bộ trưởng đảm bảo quá trình này sẽ được hoàn tất trong năm 2019, đồng thời cho biết: “Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có hướng dẫn về chế độ sử dụng đất với các công trình xây dựng condotel hoặc condotel kết hợp nhà ở”.
Nhiều giải pháp kiểm soát “bong bóng” BĐS
Trả lời những vấn đề liên quan đến thị trường BĐS, Bộ trưởng Hà cho biết: “Trong những năm qua, hệ thống thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến thị trường BĐS ngày càng được hoàn thiện, đến nay đã tương đối đầy đủ, đồng bộ đáp ứng được yêu cầu quản lý và điều chỉnh thực tiễn”.
Thị trường BĐS đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; Công tác quản lý Nhà nước về thị trường BĐS ngày càng được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý... Việc kiểm soát thị trường ngày càng chặt chẽ, kịp thời thực hiện các giải pháp hữu hiện để đảm bảo ổn định thị trường khi có các trạng thái cực đoan và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả; Nguồn lực huy động ngày càng cao và đa dạng hơn, tỷ trọng huy động từ các khu vực kinh tế tư nhân, trong dân, vốn FDI ngày càng lớn...
Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế cần được xử lý khắc phục, theo đó Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã đưa ra các giải pháp giúp bình ổn khi thị trường phát triển quá nóng.
Cụ thể: Điều tra, khảo sát, tìm hiểu rõ nguyên nhân nóng của thị trường để công bố công khai giúp cho các tổ chức, cá nhân cân nhắc, xem xét kỹ trước khi tham gia đầu tư, kinh doanh trong điều kiện thị trường phát triển nóng. Tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thổi giá, tạo nên các giao dịch ảo để kiếm lời; Thực hiện các giải pháp tài chính, tín dụng, sử dụng đất để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ để giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp.
Điều chỉnh các loại thuế liên quan đến kinh doanh BĐS; điều chỉnh chính sách tín dụng phù hợp theo hướng tăng các khoản cho vay với lãi suất phù hợp đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và phân khúc sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Thắt chặt hạn mức tín dụng và tăng lãi suất cho vay đối với các tổ chức, cá nhân vay để đầu cơ trục lợi. Theo thông lệ quốc tế, để xử lý tình trạng thị trường BĐS tăng trưởng nóng thì cần giảm tỷ lệ bảo đảm cho vay (tỷ lệ vốn vay trên giá trị tài sản) đối với khách hàng vay mua BĐS.
Các địa phương rà soát, điều chỉnh cơ cấu các dự án BĐS, tạm dừng các dự án có sản phẩm dư thừa, ưu tiên tăng cường cấp phép cho các dự án mới có sản phẩm tương tự như các sản phẩm đang thiếu trên thị trường.
Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền và công khai thông tin về quy hoạch, về phát triển kinh tế - xã hội và có biện pháp ngăn chặn những hành vi mua bán, chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật.
Cũng tại Nghị trường, nhiều nội dung liên quan đến quy hoạch đã được Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời cụ thể, đúng trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề.