Bộ trưởng Tài chính: Trả lương cho công chức, viên chức cao hơn bên ngoài để giữ lực lượng tinh hoa

Hoàng Thành Thứ bảy, ngày 05/11/2022 09:51 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, việc trả lương của công chức cao hơn nhiều so với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước để giữ được những người giỏi, lực lượng tinh hoa.
Bình luận 0

Sáng 5/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 - lĩnh vực nội vụ.

"Chia lửa" với Bộ trưởng Bộ Nội vụ khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cần giữ được "lực lượng" tinh hoa nhất

Bộ trưởng Tài chính: Trả lương cho công chức, viên chức cao hơn bên ngoài để giữ lực lượng tinh hoa - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, sáng 5/11. Ảnh: QH

Theo người đứng đầu ngành Tài chính, có nhiều ý kiến cho rằng việc phục vụ ở môi trường công hay tư không quan trọng, quan trọng là đóng góp cho xã hội là được.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, việc trả lương của công chức cao hơn nhiều so với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Ví dụ, Singapore - trả lương cho cán bộ công chức, viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập cao hơn bên ngoài, cao hơn khối doanh nghiệp để giữ người giỏi, kiến tạo chính sách, quản lý nhà nước tốt nhất.

Từ đó, ông Phớc nhấn mạnh, chúng ta cần phải giữ được lực lượng tinh hoa nhất, tinh túy nhất trong bộ máy nhà nước, đặc biệt trong giáo dục và y tế để phục vụ nhân dân tốt nhất.

Nói thêm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, việc tự chủ tài chính tập trung ở các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế và khoa học công nghệ. Đây là hai trụ cột an sinh xã hội quan trọng nhất hiện nay.

"Người dân được nhờ từ hai lĩnh vực này, nếu phục vụ không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe và tình hình học tập của người dân. Vì vậy, khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trong hai lĩnh vực này cần phải thận trọng, chắc chắn, hiệu quả, tránh làm theo phong trào...", Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Bộ trưởng Tài chính: Trả lương cho công chức, viên chức cao hơn bên ngoài để giữ lực lượng tinh hoa - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên chất vấn sáng 5/11. Ảnh: QH

Vẫn theo người đứng đầu ngành Tài chính, khi đặt ra vấn đề tự chủ là để tăng tính chủ động, sáng tạo và tự quyết của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nếu đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tự chủ tài chính 100% sẽ thực hiện được việc trả lương theo kết quả lao động. Nếu đảm bảo tự chủ chi thường xuyên thì trả lương theo quy định, số tiền còn lại được đưa vào quỹ thu nhập hưởng vào cuối năm và là quỹ của cơ quan, đơn vị để tái đầu tư cơ sở vật chất. Còn nếu Nhà nước đảm bảo 100%, bây giờ vẫn đang khuyến khích khoán chi hành chính đến các bộ phận".

"Như vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo tốt nhất chất lượng dịch vụ để phục vụ người dân. Những đơn vị nào không thu hút được nguồn lực từ bên ngoài thì ngân sách Nhà nước phải đảm bảo để luôn luôn đổi mới trang thiết bị, công nghệ và đảm bảo giữ được người có tài nhằm phục vụ người dân tốt nhất", ông Phớc nhấn mạnh.

Nguồn thu khó khăn nên các đơn vị xin thôi không tự chủ toàn phần

Trước đó ít phút, làm rõ thêm về tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cùng với việc thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cũng tiến hành hoàn thiện một số chính sách như chính sách đất đai hay về đấu thầu.

Trước thực trạng một số đơn vị thực hiện thí điểm tự chủ tài chính toàn phần vừa qua như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K hay Bệnh viện Việt Đức, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, hiện nay huy động nguồn lực xã hội để thực hiện cho công tác tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn.

Cụ thể, nguồn thu khó khăn, liên doanh, liên kết cũng khó khăn… cho nên các đơn vị xin thôi không thực hiện tự chủ toàn phần mà xin thực hiện tự chủ một phần. Tức sẽ tự chủ phần chi thường xuyên; còn chi đầu tư, ví dụ như mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở mới... thì ngân sách Nhà nước phải đảm bảo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, điều này là hợp lý để miễn sao phục vụ cho người dân tốt nhất và làm thế nào để cho đơn vị ngày càng phát triển nhất. Từ tự chủ chi thường xuyên sẽ tiến tới khi có nguồn thu ổn định và phát triển thì sẽ tự chủ toàn bộ. Có như vậy chất lượng dịch vụ ngày một tăng lên và phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn của ĐBQH về việc thu hút nhân lực chất lượng cao vào khu vực công, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận, dù chính sách tốt, nhưng việc thực hiện còn hạn chế. Bộ Nội vụ sẽ đánh giá lại tổng thể, toàn diện việc thực hiện chủ trương thu hút nhân lực, nghiên cứu xây dựng nghị định mới về thu hút, tuyển dụng tài năng, quan tâm nhiều hơn nữa trong việc cải thiện môi trường làm việc, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cho khu vực công.

Liên quan đến vấn đề tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng "vẫn chưa đạt được mục tiêu". Theo đó, tự chủ về tài chính, về chi thường xuyên và chi đầu tư đã đạt 6,6%, tự chủ toàn phần đạt 18,7% số các đơn vị sự nghiệp trên cả nước. "Tuy nhiên nhìn tổng thể kết quả vẫn còn khiêm tốn do nhiều nguyên nhân, như chưa hoàn thiện hệ thống pháp luật về tự chủ; do ảnh hưởng đại dịch Covid-19; sự hướng dẫn của cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt…", bà Trà nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem