Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: "12 dự án thua lỗ nghìn tỷ là bài học kinh nghiệm sâu sắc"

Nguyên Phương Thứ ba, ngày 09/07/2019 16:23 PM (GMT+7)
Tại bàn giao nhiệm vụ xử lý một số dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương từ Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho chúng ta để tránh các nguy cơ cho tương lai sau này.
Bình luận 0

img

Bàn giao nhiệm vụ xử lý 11 dự án yếu kém ngành Công Thương từ Bộ Công thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (Ảnh: MOIT)

Sáng 9/7/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đã chính thức ký kết bàn giao nhiệm vụ xử lý một số dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương từ Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cụ thể, 11 trong tổng số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương trước đây đã được ký bàn giao tại buổi Lễ, trừ Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang hoàn thiện thủ tục.

Như vậy, sau khi Bộ Công Thương tiến hành bàn giao quyền đại diện sở hữu nhà nước tại các Tập đoàn/Tổng công ty sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP nêu trên vào cuối năm 2018, thì việc bàn giao vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành Công Thương theo quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo điều kiện để Ủy ban Quản lý vốn thực hiện tốt quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các Tập đoàn/Tổng công ty đã được chuyển giao từ Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn, đồng thời tạo thuận lợi trong phối hợp giữa Ủy ban với Bộ Công Thương và các Bộ ngành trong việc tiếp tục xử lý các dự án này.

img

Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương. (Ảnh: MOIT)

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) Dương Duy Hưng khẳng định, với việc triển khai các nhiệm vụ, đến nay, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của các Dự án, doanh nghiệp đã được xử lý. Bộ Công Thương với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian qua, đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thường xuyên tổ chức các cuộc làm việc trực tiếp tại trụ sở của Bộ và tại các Dự án, doanh nghiệp, các Tập đoàn, Tổng công ty để nắm bắt tình hình và chỉ đạo xử lý, tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc cụ thể tại từng Dự án, doanh nghiệp; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo thông qua các nội dung vượt thẩm quyền.

Theo ông Dương Duy Hưng, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ, đến năm 2018, đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1- Hải Phòng và Nhà máy thép Việt – Trung.

4 dự án còn lại vẫn tiếp tục từng bước khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất. Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại là Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (PVTex), Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi. Còn dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước. đã hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi động trở lại nhà máy....

Ông Dương Duy Hưng cho hay, việc xử lý các Dự án đã bảo đảm tuân thủ nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các Dự án.

img

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: MOIT)

Còn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành đã quyết liệt trong việc phối hợp, chỉ đạo sát sao nhằm tháo gỡ, xử lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả và đến nay có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả này thể hiện sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của tất cả các cấp nhằm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, có những giai đoạn, dự án "sống dở chết dở", khó khăn chồng chất nhưng đã từng bước tháo gỡ. Đến nay, 2 dự án có lãi và đang được kiến nghị đưa ra khỏi danh sách 12 dự án kém hiệu quả. Các dự án kia phần lớn đã cắt lỗ, đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“12 dự án này là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho chúng ta để tránh các nguy cơ cho tương lai sau này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Đồng thời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng bày tỏ sự tin tưởng, sau khi nhận bàn giao, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp không chỉ xử lý nốt các vấn đề còn lại của Dự án mà còn hoàn thiện việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này.

Theo ông Trần Tuấn Anh, tuy đã bàn giao nhưng phía Bộ Công Thương vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc tiếp tục triển khai những nhiệm vụ chung được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 650/QĐ-TTg.

img

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh. (Ảnh: MOIT)

Bày tỏ sự đồng tình với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về việc tăng cường công tác phối hợp giữa hai bên, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho biết, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ thường xuyên trao đổi, phối hợp để triển khai công việc một cách hiệu quả, sát sao nhất.

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ: “Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ gắn trách nhiệm cụ thể cho Chủ tịch, Tổng giám đốc của các Tập đoàn, Tổng công ty là đơn vị chủ quản của dự án yếu kém. Nếu dự án không có tiến triển, người đứng đầu chắc chắn phải chịu trách nhiệm”.

Trước đó, ngày 30/5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 650/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Theo đó, bổ sung Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Ban Chỉ đạo, giữ vị trí Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thay Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo đặt tại Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay cho nhiệm vụ này trước đây của Bộ Công Thương.

Đây là bước kiện toàn nhằm tạo sự thống nhất và hiệu quả trong việc phối hợp giữa các Bộ ngành, cơ quan liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện các phương án xử lý các dự án thua lỗ theo Đề án chung của Chính phủ trong bối cảnh Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập và đi vào hoạt động theo Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem