Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “Doanh nghiệp tư nhân đầu tư lĩnh vực năng lượng sẽ về đích sớm”

Thanh Phong Thứ tư, ngày 22/07/2020 15:08 PM (GMT+7)
Theo nhận định của Bộ trưởng Công Thương, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan tới đầu tư cần tạo cơ chế, hành lang pháp lý thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia phát triển các dự án ngành năng lượng. Trong đó, trọng tâm là lĩnh vực điện lực.
Bình luận 0

Ngày 22/7 tại Hà Nội, Ban Kinh tế trung ương và Chính phủ đồng chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến với địa phương và các đại biểu quốc tế "Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020".

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW. Qua đó, định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo ông Trần Tuấn Anh, điểm đáng chú ý nhất của Nghị quyết 55 là đề ra các định hướng xóa bỏ những rào cản, tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế. Trong đó, nổi bật là chính sách về khu vực tư nhân tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “Doanh nghiệp tư nhân đầu tư, lĩnh vực năng lượng sẽ về đích sớm” - Ảnh 1.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị sáng 22/7.

"Hiện nay, nhiều khó khăn, vướng mắc tại các quy định liên quan tới công tác đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia phát triển các dự án ngành năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực điện lực, còn nằm rải rác tại một số Luật, như Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản...

Các Luật này cần phải sớm được tổng kết, rà soát và sửa đổi để hạn chế tối đa sự chồng chéo, mẫu thuẫn giữa các luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, nhất quán và tháo gỡ những nút thắt còn tồn tại từ lâu nay, tạo điều kiện cho ngành năng lượng có thể biến đổi cả về chất và lượng theo chiều hướng ngày càng tốt lên", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Ngoài ra, cũng theo thông tin từ Bộ trưởng Công Thương, hiện tại, Chính phủ cũng đã giao các Bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình chuyển đổi thị trường phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao.

Qua đó, thúc đẩy ứng dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch (CNG, LPG, LNG, nhiên liệu sinh học, năng lượng điện, năng lượng có tiềm năng khác) để thay thế nhiên liệu truyền thống đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải.

"Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ ngành, nghiên cứu triển khai xây dựng Luật Năng lượng tái tạo nhằm xây dựng những chính sách cụ thể. Qua đó, giải quyết các vấn đề bất cập, phát sinh không thống nhất giữa các văn bản pháp luật liên quan tới việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Cùng với đó, bổ sung hướng dẫn những cơ chế mới như cơ chế đấu thầu cạnh tranh dự án, cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế về tài chính, vốn, công nghệ...", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Cũng tại Hội nghị sáng 22/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, ngành năng lượng Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và những tồn tại cần khắc phục.

Đầu tiên là mục tiêu an toàn năng lượng quốc gia khi hầu hết các nguồn điện than, khí đang gặp khó khăn về vấn đề nguyên liệu dẫn đến phải nhập khẩu. Từ đó, dẫn đến việc tự chủ về năng lượng còn thấp, cần có biện pháp tăng cường trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhiều nguồn điện chậm tiến độ nhất là dự án nguồn điện than do quan ngại về vấn đề môi trường.

"Nhiều dự án đang thiếu vốn, trình độ công nghệ chưa cao, trong khi thị trường cạnh tranh khốc liệt. Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường có nơi chưa được chú trọng.

Để đảm bảo phát triển về nguồn điện, Việt Nam phải huy động nguồn lực cho năng lượng từ nay đến 2025 để tăng thêm 5.000MW công suất nguồn, tức mỗi năm cần từ 7-10 tỉ USD, chưa gồm vốn đầu tư xây dựng lưới truyền tải", Phó Thủ tướng nhận định.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết thêm, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công Thương đẩy nhanh lập quy hoạch điện lực quốc gia. Trong đó, xác định quy mô nguồn điện trong từng giai đoạn, đảm bảo tự chủ năng lượng, trong đó giảm dần các nguồn nhiệt điện giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường để tăng sử dụng năng lượng tái tạo.

Hậu Giang thay đổi quy hoạch điện vì em ông Trịnh Xuân Thanh
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem